Chuyên gia Savills: Những dự án với các cam kết ‘quá lý tưởng’ đang gặp nhiều thách thức

Chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh nguồn cầu sụt giảm và nguồn cung gia tăng mạnh mẽ, những dự án condotel và Branded Residence với các cam kết “quá lý tưởng” đang gặp nhiều thách thức để hiện thực hóa các cam kết này.

Tại hội nghị chuyên đề về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng do WeHub Vietnam và Savills Hotels phối hợp tổ chức hôm 10/11 vừa qua, các diễn giả đầu ngành và đại diện cấp cao đến từ Savills Hà Nội, Capella Hotel Group, Hilton Worldwide, Baker McKenzie, Ziva Asia, Dusit International và EuroStyle đã đề cập đến mô hình Branded Residence (bất động sản hàng hiệu) tiềm năng và giá trị của loại hình sản phẩm này.

Hội nghị chuyên đề về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng do WeHub Vietnam và Savills Hotels phối hợp tổ chức hôm 10/11. (Ảnh: Savills).

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ, mô hình Branded Residence đã khẳng định yếu tố kiến tạo giá trị bền vững trong bối cảnh toàn cầu xảy ra nhiều biến động. 

Không chỉ duy trì sức hấp dẫn trong những giai đoạn đầy thách thức, mô hình này còn ghi nhận tốc độ phát triển ấn tượng. Trong 10 năm qua, phân khúc này đã ghi nhận mức độ tăng trưởng hơn 150%. Thời gian tới một lượng nguồn cung tương lai dự kiến sẽ gia nhập thị trường, với số lượng dự án đang triển khai ước tính gấp đôi nguồn cung hiện tại.

“Mô hình này cũng đem đến nhiều giá trị cho các thị trường mới khi các thương hiệu quốc tế đang tích cực gia tăng độ hiện diện trên toàn cầu, đặc biệt tại các điểm đến có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt cùng với sự hình thành của tầng lớp thu nhập cao. 

Hiện nay các dự án Branded Residence thường tập trung tại các thành phố đang phát triển với nhiều hoạt động kinh tế, các điểm đến nghỉ dưỡng tại châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông. Đây là những địa điểm thu hút tệp khách hàng sở hữu giá trị tài sản lớn, có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm giá trị cho mục đích cư trú cũng như ngôi nhà thứ hai cho mục đích nghỉ dưỡng.

Các chuyên gia đánh giá thị trường Branded Residence tại Việt Nam có nhiều tiềm năng, và đang gia tăng hiện diện không chỉ tại các điểm đến nghỉ dưỡng mà còn tại các trung tâm đô thị. 

Từ góc độ các thương hiệu, mô hình này giúp họ mở rộng khả năng thâm nhập thị trường mới và mở rộng danh mục dự án về mặt địa lý. Sự hợp tác với các thương hiệu cũng hỗ trợ chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án được nhận diện tốt hơn. 

“Có thể thấy rằng, sự hình thành tệp khách hàng trẻ tuổi, sở hữu khối tài sản lớn, ưa chuộng di chuyển là động lực thúc đẩy sự phát triển của mô hình này”, ông Matthew nhận định.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến mô hình này nếu quá trình hoạch định không được thực hiện một cách thấu đáo. Các thông tin về việc nhiều dự án chậm tiến độ cũng như các vấn đề về thực hiện cam kết tài chính đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường Ngôi nhà thứ hai.

Thực tế, khoảng 75% các dự án condotel và Branded Residence đã đi vào vận hành thực hiện được cam kết lợi nhuận với chủ sở hữu. Trong bối cảnh nguồn cầu sụt giảm và nguồn cung gia tăng mạnh mẽ, những dự án với các cam kết “quá lý tưởng” đang gặp nhiều thách thức để hiện thực hóa các cam kết này.

Ông Mauro, Giám đốc Savills Hotels APAC chia sẻ: “Thị trường condotel tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2016 khi người mua cá nhân đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của hoạt động du lịch. Nếu được hoạch định tốt, loại hình sản phẩm này có thể đem đến tiềm năng tăng trưởng giá trị vốn đồng thời tạo ra dòng tiền từ việc vận hành cho thuê. 

Trong bối cảnh ngành nghỉ dưỡng vẫn đang trong quá trình khôi phục, phần lớn các dự án đều gặp nhiều khó khăn để đáp ứng những kỳ vọng này của chủ sở hữu. Những dự án có quy mô càng lớn, bài toán hoạt động sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chúng tôi cũng nhận thấy trong giai đoạn hiện nay, những dự án quy mô nhỏ có ưu thế hơn trong việc vận hành, duy trì được lợi nhuận và giá trị tài sản” 

Giám đốc Savills Hotels APAC đánh giá, nếu được hoạch định và phát triển chỉn chu, sản phẩm condotel có thể tạo ra lợi nhuận tốt. Tuy nhiên khi tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, người mua cần phải lưu ý, nắm rõ ưu và nhược điểm của loại hình này. 

“So với các dòng sản phẩm bất động sản khác, ngành nghỉ dưỡng có tính biến động lớn, dễ chịu ảnh hưởng bởi các thay đổi về điều kiện kinh tế thị trường. 

Việc hoạch định và triển khai thiếu cẩn trọng tạo ra nhiều rủi ro khi các dự án không đảm bảo được các yêu cầu về mặt vận hành, thiếu các tiện ích và tiện nghi cần thiết phục vụ hoạt động kinh doanh cho thuê theo tiêu chuẩn khách sạn.

Những thiếu sót này gây ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh, khiến dự án, đặc biệt là với quy mô lớn khó vận hành hiệu quả cũng như tạo ra lợi nhuận từ hoạt động cho thuê”, ông Mauro chia sẻ thêm.

Tình hình dịch bệnh và các diễn biến thị trường trong thời gian qua đã làm chậm lại đà tăng trưởng của thị trường. Dẫu vậy, quá trình giảm tốc này tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có thể xem xét, đánh giá hiện trạng phát triển, đưa ra những cải thiện để củng cố và xây dựng thị trường bền vững hơn. Với những nguồn lực sẵn có, hoạt động kinh doanh khách sạn và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam được đánh giá vẫn còn nhiều tiềm năng, đáp ứng nhu cầu phát triển trong dài hạn.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.