Một năm nhiều chuyển động hạ tầng của An Giang, 'lên dây cót' để trở thành trung tâm du lịch sinh thái vùng ĐBSCL

Theo quy hoạch, An Giang đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng. Năm qua, trên địa bàn tỉnh này đã bắt đầu triển khai loạt dự án hạ tầng gần 5.000 tỷ đồng. Giai đoạn đến 2025, nhiều tuyến đường liên vùng và cao tốc đã được An Giang đưa vào tầm ngắm.

Một góc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang hiện nay. (Ảnh: Báo Đầu tư)

An Giang là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Một phần của An Giang nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, với tổng diện tích toàn tỉnh khoảng 3.537 km2. Tỉnh An Giang nằm cách TP HCM khoảng 231 km về phía tây nam.

Theo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng trở thành địa phương phát triển khá trong vùng ĐBSCL, là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển giống nông nghiệp, giống thủy sản và dược liệu, là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia và các nước khu vực ASEAN.

Đồng thời, trở thành trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng; không gian kinh tế - xã hội được bố trí hợp lý, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối hiệu quả với các địa phương trong vùng...

Nhiều chuyển biến hạ tầng trong năm 2022

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có quốc lộ 91 (nối cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên - Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ) là tuyến giao thông huyết mạch. Cùng với đó là Quốc lộ 91C nối cửa khẩu quốc tế Long Bình (huyện An Phú) - TP Châu Đốc; quốc lộ N1 nối thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên) - ngã ba Cây Bàng huyện Giang Thành, Kiên Giang) chạy dọc theo kênh Vĩnh Tế. Ngoài ra, tỉnh có các tỉnh lộ 942, 943, 944, 945, 946, 955A... kết nối liên huyện.

Trong năm 2022, An Giang đã và đang ghi nhận nhiều chuyển động mới về hạ tầng.

Tháng 11 vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX Tân Châu đến TP Châu Đốc, nối kết hai tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. Tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX Tân Châu đến TP Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp - trong đó có cầu Châu Đốc, có chiều dài hơn 20 km.

Dự án có tổng mức đầu tư 2.131 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 33 tháng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2024. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh An Giang làm chủ đầu tư.

Trước đó, vào cuối tháng 9, UBND huyện Chợ Mới đã khởi công đường kênh Long Điền A - B (đoạn từ thị trấn Chợ Mới đến xã An Thạnh Trung) với tổng mức vốn 499 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.

Chiều dài toàn tuyến dự án là 27 km và các đoạn nhánh đấu nối 3,5 km. Điểm đầu tuyến giáp đường tỉnh 946 tại vị trí đấu nối đường dẫn cầu Vàm Cống- Hòa An; điểm cuối tuyến giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh bề rộng mặt đường 11 m, trong đó đoạn thị trấn Chợ Mới mặt đường 16 m. Dự án thực hiện từ năm 2020 - 2024.

Hồi tháng 3, tỉnh đã khởi công xây dựng cầu Châu Đốc thuộc tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX Tân Châu đến TP Châu Đốc. Cầu Châu Đốc sẽ là cây cầu thứ tư bắc qua sông Hậu. Trong đó, cầu Cần Thơ và Vàm Cống đã hoàn thành, còn dự án cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh với Sóc Trăng đang tái khởi động sau nhiều năm đình trệ.

Cũng trong đầu năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên.

Dự án đi qua địa phận huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), bao gồm việc xây dựng mới 15,3 km tuyến chính và nâng cấp cải tạo khoảng 2 km Quốc lộ 80. Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.100 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một phần vối đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2023. 

Một góc TP Long Xuyên hiện nay. (Ảnh: Vietnamplus).

Sẽ có tuyến cao tốc kết nối với Cần Thơ, Sóc Trăng

Trong tương lai, An Giang sẽ có thêm nhiều dự án hạ tầng mới như cao tốc Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ; tuyến tránh Long Xuyên; làm đường mới nối huyện Châu Phú - Tri Tôn - Hòn Đất thay thế cho tuyến đường củ đã xuống cấp...

Hồi tháng 7 vừa qua, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025.

Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng cầu Năng Gù, cầu Thuận Giang để kết nối giao thông huyện Phú Tân, huyện Chợ Mới; đầu tư xây dựng cầu bắt qua Mỹ Hòa Hưng và đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Lộc, huyện An Phú.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang từ giao QL.91 tại TP Châu Đốc đến ranh Cần Thơ, dài khoảng 57 km, đầu tư giai đoạn 1 đến năm 2025 với quy mô 4 làn xe.

QL.80B đoạn đi qua địa bàn tỉnh dài 91 km, điểm đầu ranh Đồng Tháp, điểm cuối cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Dự kiến nâng cấp từ các tuyến ĐT.942, ĐT.952, ĐT.954. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp III với 2 - 4 làn xe. 

ĐT.950 dài 11 km, điểm đầu giao QL.80B tại xã Vĩnh Xương, TX Tân Châu, điểm cuối giao ĐT957. Tuyến kết nối cửa khẩu Vĩnh Xương và cửa khẩu Khánh Bình, hình thành trên cơ sở nâng cấp ĐH.Bờ Đông kênh Bảy xã và các ĐH.Nam kênh Bảy xã, ĐH.Sa Tô, mở 1 đoạn dài khoảng 1 km qua cù lao, dự kiến đầu tư trước 2025. 

ĐT.942 (mới) dài 27 km, điểm đầu giao ĐT.946 tại ngã giao đường dẫn cầu Vàm Cống - Hòa An qua xã Hội An rồi dọc theo kênh Long An - rạch Mương Sung, kênh ranh Long Điền A - B qua các xã An Thạnh Trung - Long Kiến - Long Điền B đến giao đường Nguyễn Hữu Cảnh, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

ĐT.954 (mới) dài 30 km, điểm đầu giao QL.80B tại TX Tân Châu, đi dọc theo kênh Thần Nông qua các xã Phú Long, Phú Thành, Phú Xuân đến ngã ba cầu Phú Hưng rồi vòng về thị trấn Phú Mỹ, đấu nối vào ĐT.954 cũ, điểm cuối giao QL.80B, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.