Một năm sau khi rời nhóm Louis, Bidico 'chật vật' với bài toán dòng tiền

Đầu tháng 10/2022, Louis Land đổi tên thành Bidico, chính thức rời hệ sinh thái Louis Holdings. Từ đó đến nửa đầu năm nay, công ty gần như không có doanh thu và liên tục báo lỗ. Mới đây, Bidico đã công bố kế hoạch siết lại chi phí và thu hồi vốn từ bán công ty con.

Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (Bidico, mã chứng khoán: BII) vừa thông qua định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới. 

Theo đó, Bidico sẽ tiết giảm, tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động; tinh giảm, tinh gọn bộ máy nhân sự. Bên cạnh đó, công ty sẽ tái cấu trúc hoạt động, tái cấu trúc các khoản góp vốn, công ty con thông qua tìm kiếm đối tác bán, chuyển nhượng đối với các công ty con trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty góp 100% vốn điều lệ. 

Bidico cho biết, việc thoái vốn này là để đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn, tài sản của công ty, nhằm tái cấu trúc, thu hồi vốn, tập trung nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh cốt lõi của công ty mẹ.

Cũng theo Bidico, công ty sẽ tập trung cho lĩnh vực cốt lõi là đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp Thắng Hải, Tân Bình; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư thứ cấp, hoạt động bán hàng (cho thuê đất xây nhà máy tại các cụm công nghiệp do Bidico đầu tư). 

Bidico được thành lập vào tháng 5/2008 với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (Bidico), hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại tỉnh Bình Thuận. 

Cùng năm 2008, công ty triển khai dự án Cụm công nghiệp Thắng Hải 1 - cụm công nghiệp đầu tiên của cả nước về chế biến titan. Dự án đã chính thức được đưa vào khai thác từ năm 2012. 

Năm 2014, Bidico tiếp tục động thổ hai cụm công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là Thắng Hải 2 (nằm trong Cụm công nghiệp Thắng Hải – Cụm Công nghiệp chế biến sâu titan) và Tân Bình 1. Hai dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2015. 

 Cụm công nghiệp Tân Bình 1 tại tỉnh Bình Thuận của Bidico. (Nguồn: Bidico). 

Cũng trong năm 2014, Bidico đã chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán BII. 

Doanh thu từng tăng khủng sau khi về tay nhóm Louis, tham vọng lấn sân sang BĐS dân dụng...

Đầu năm 2021, Bidico gia nhập hệ sinh thái Louis của ông Đỗ Thành Nhân. Công ty cũng đổi tên thành CTCP Louis Holdings, sau đó tiếp tục đổi tên thành CTCP Louis Land, đồng thời chuyển trụ sở từ thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận về TP HCM. 

Khi đó, Louis Land cũng bắt đầu tái cấu trúc, lấy nền tảng là bất động sản khu công nghiệp và mở rộng lĩnh vực hoạt động sản phát triển các dự án bất động sản dân dụng, trong đó có dự án Khu đô thị an sinh xã hội Định Thành tại tỉnh An Giang (quy mô 6 ha).

Theo lãnh đạo Louis Land chia sẻ tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 11/2021, giai đoạn năm 2021 - 2025, công ty định hướng phát triển các dự án xanh và bất động sản thông minh, đồng thời cho biết về kế hoạch triển khai 8 dự án bất động sản tại Bình Thuận, An Giang và Long An.

Tháng 9/2021, Louis Land cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác với CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã chứng khoán: TDH) nhằm phát triển 5 dự án bất động sản dân dụng, gồm các dự án ở Cần Thơ, Nhà văn hóa Long Xuyên (cũ) ở An Giang, dự án trụ sở Công an tỉnh An Giang, dự án Phan Văn Hớn - Hóc Môn và dự án Louis Seaview.

Song, chưa đầy một tháng sau, Louis Land bất ngờ rút sạch vốn góp tại Thuduc House. Thuduc House cũng ra quyết định chấm dứt hợp tác chiến lược đầu tư 4 trong 5 dự án này, trừ dự án Louis Seaview tại La Gi, Bình Thuận.

Đến đầu năm 2022, đặc biệt sau vụ khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Louis Holdings, ông Đỗ Thành Nhân hồi tháng 4/2022, toàn bộ thành viên HĐQT và Ban điều hành Louis Land đều lần lượt từ nhiệm. Tổng Giám đốc được bổ nhiệm thay thế khi đó là ông Lữ Trọng Kiên, một cá nhân có liên quan đến ông Nguyễn Văn Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập Louis Land, người đã từ nhiệm từ tháng 9/2021. 

Đầu tháng 10/2022, Louis Land chính thức đổi tên lại thành CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (Bidico) và chuyển trụ sở về La Gi như giai đoạn trước khi về gia nhập nhóm Louis. 

Thời gian còn nằm trong hệ sinh thái Louis, năm 2021, Bidico đã ghi nhận mức tăng lợi nhuận sau thuế 120% so với cùng kỳ, đạt 33 tỷ đồng. Doanh thu thuần trong năm cũng đạt mức tăng khủng khi ghi nhận 493 tỷ đồng trong khi cùng kỳ thu 69 tỷ đồng.

 Nguồn: HM tổng hợp từ các BCTC của Bidico. 

... song hiện lao dốc với ba quý liên tiếp gần như không có doanh thu

Sang năm 2022, công ty bất ngờ báo lỗ sau thuế 118 tỷ đồng, nguyên nhân được đưa ra là do công ty không có khoản lợi nhuận nào đáng kể từ việc kinh doanh, đồng thời do trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác, cộng thêm các khoản lỗ của công ty con gây ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh hợp nhất của doanh nghiệp.

Biên lợi nhuận gộp của công ty trong năm 2022 chỉ ở mức 0,11%. Bên cạnh đó, công ty cũng không có khoản lãi hơn 85 tỷ đồng từ thanh lý công ty con như cùng kỳ.

Nửa đầu năm 2023, Bidico tiếp tục báo lỗ sau thuế 7,3 tỷ đồng, qua kéo lỗ lũy kế xuống mức hơn 106 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2023. Liên tiếp ba quý IV/2022 - quý II/2023 vừa qua, công ty không có doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính cũng như thu nhập khác, toàn bộ nguồn thu đều đến từ lãi tiền gửi ngân hàng. 

Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của Bidico ở mức gần 974 tỷ đồng. Hơn 40% tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn (395 tỷ đồng), trong đó, nợ xấu là gần 159 tỷ đồng với giá trị có thể thu hồi khoảng 39%. 

Mặt khác, công ty cũng có hơn 98 tỷ đồng nợ vay tài chính từ Agribank (gần 75 tỷ đồng) và SCB (hơn 23 tỷ đồng), không đổi so với đầu năm. Trong kỳ, công ty cũng không ghi nhận khoản tăng giảm nào đối với các khoản nợ này. 

Về phần các bất động sản của doanh nghiệp, tại cuối quý II, Bidico ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các Cụm công nghiệp Thắng Hải 1, 2 và Tân Bình, cũng như khoản chi phí mua quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản tại khu đất số 252 đường Nguyễn Huệ, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. 

 Nguồn: BCTC. 

Trong đó, ngoài chi phí tại Cụm công nghiệp Tân Bình có tăng khoảng 130 triệu so với đầu năm, các mục khác đều không đổi. Tính đến cuối năm 2022, ba cụm công nghiệp trên đã hoàn thành pháp lý, dự kiến trong năm 2023 sẽ được công ty thay đổi pháp nhân, hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải và thi công các hạng mục còn lại.

Còn đối với khu đất tại Đồng Tháp, Bidico cho biết công ty dự kiến sẽ thanh lý, không tiếp tục nhận chuyển nhượng trong thời gian tới.