Một số gợi ý giúp bố mẹ xây dựng cho con thói quen đọc sách

Đọc sách cùng con là một trong những món quà quý giá nhất mà cha mẹ có thể trao cho con.
mot so goi y giup bo me xay dung cho con thoi quen doc sach Phải làm gì với con?

Đọc sách cho trẻ là một trong những hoạt động đơn giản mà mang lại hiệu quả cao đi kèm với rất nhiều lợi ích bao gồm sự gắn kết giữa cha mẹ và con nhỏ, giúp con nhỏ duy trì đam mê học hỏi, tạo hứng thú để xây dựng thói quen tự học cho con sau này, giúp con phát triển ngôn ngữ và tìm hiểu về nhiều đề tài, phát triển não và tăng khả năng tập trung. Không những thế, những câu chuyện với nhiều nhân vật và các tình huống còn giúp bé phát triển khả năng đồng cảm, và do đó góp phần cả vào trí thông minh cảm xúc.

mot so goi y giup bo me xay dung cho con thoi quen doc sach
Đọc sách đòi hỏi cha mẹ phải học và điều chỉnh cách tương tác với bé. (Ảnh: Phương Đặng)

Điều đó không có nghĩa là mua sách về và đọc cho bé là một quá trình dễ dàng, không đòi hỏi cố gắng từ cha mẹ. Đọc sách đòi hỏi cha mẹ phải học và điều chỉnh cách tương tác với bé cũng như đọc vị bé để hiểu mong muốn và sở thích của bé.

Càng ép buộc và càng chỉ huy con phải đọc theo cách bạn muốn thì bạn sẽ càng thất bại sớm. Những lỗi thông thường bao gồm đọc y xì từng chữ trong sách mà không quan tâm con có hiểu hay không, và cũng không tương tác để giải thích thêm cho con, mong đợi con phải ngồi yên trong khoảng thời gian tương đối, và mong đợi con phải nhắc được lại những gì đã được nghe.

Một số gợi ý cụ thể để giúp các cha mẹ giúp con xây dựng thói quen đọc sách:

Thời điểm bắt đầu

mot so goi y giup bo me xay dung cho con thoi quen doc sach
Việc đọc cho bé có thể bắt đầu từ khi bé mới chỉ vài tháng. (Ảnh: Frisky Baby)

Nên bắt đầu sớm. Việc đọc cho bé có thể bắt đầu từ khi bé mới chỉ vài tháng. Trong giai đoạn mắt bé chưa hoàn thiện và chỉ có khả năng nhìn tốt nhất các màu sắc có tương phản cao, nên chọn các sách hình ảnh to (rất ít chữ, hoặc không có chữ và cha mẹ chỉ dựa vào tranh để nói chuyện). Trong độ tuổi 0-2, nên cho bé đọc sách giấy bìa cứng – nếu bạn không muốn bé xé sách.

Điều này không có nghĩa là bạn không thể đọc cho con muộn hơn. Tuy vậy, một trẻ 3 tuổi mới làm quen với sách chỉ nên bắt đầu với những cuốn ít chữ như cho trẻ 1-2 tuổi. Nó không thể đọc ngay những cuốn mà một đứa 3 tuổi khác đã đọc sách được 2 năm vì nó có thể không có khả năng ngôn ngữ và sự tập trung như trẻ đã được rèn luyện.

Cách chọn sách và lượng chữ

Luôn luôn nên bắt đầu với những sách cực kỳ ít chữ (1 từ tới 1 câu ngắn mỗi trang), mỗi trang chỉ có một tranh to, rõ ràng, không nhiều chi tiết rườm rà, thể hiện được nội dung lời. Dần dần, trong quá trình đọc, bạn sẽ bắt được “nhịp” của con, từ đó bạn có thể chọn sách có lượng chữ tăng dần.

Một sai lầm thường gặp là cha mẹ chọn ngay những sách quá khó với khả năng của trẻ, và sau đó nhận xét là: “Bé không thích sách!”

Trước khi mua, bạn hãy nhớ đọc thử 2-3 trang xem ngôn ngữ có cụ thể (tránh quá trừu tượng) và có liên quan gì tới tranh hay không. Có những sách của tác giả Việt không làm được điều này, và nên tránh những sách như vậy.

mot so goi y giup bo me xay dung cho con thoi quen doc sach
Book PatrolKhông nhất thiết phải chọn cố định một giờ đọc nào cả. Quan trọng nhất là hãy chọn lúc bé thoải mái và sẵn sàng. (Ảnh: Book Patrol)

Giờ đọc và nội dung đọc

Không nhất thiết phải chọn cố định một giờ đọc nào cả. Quan trọng nhất là hãy chọn lúc bé thoải mái và sẵn sàng. Một cách rất đơn giản là hãy lấy sách, mở ra, và gọi bé: “Con có muốn đọc sách không?” Nếu quan tâm, bé sẽ chạy ra liền. Nếu không, hãy gấp sách lại, và thử lại vào lúc khác. Phản ứng không quan tâm thường xảy ra nhiều hơn với những bé nhỏ và những bé chưa hình thành thói quen đọc sách.

Nên để sách ở chỗ thấp mà bé có thể với được. Bạn có thể yêu cầu bé hoặc giúp bé chọn cuốn mà bé thích. Gia tăng sự chủ động của bé chính là gia tăng khả năng thành công của việc làm quen với sách.

Thời lượng đọc

Một sai lầm rất lớn là cho rằng nên có thời lượng đọc, ví dụ như ít nhất là 10-15 phút, hoặc ít nhất là 2-3 quyển. Chính vì vậy, các cha mẹ rất dễ căng thẳng. Họ cho rằng khi con không đọc nữa mà thời lượng/nội dung thì chưa hết, thì có nghĩa là con đã không chịu học, không chịu hợp tác, và lười biếng.

Thời lượng nên hoàn toàn do bé quyết định. Tức là, nếu bé đứng lên, chạy loăng quăng, không còn quan tâm nữa, thì thưa bạn, giờ đọc đã kết thúc. Điều này rất hay xảy ra khi bé dưới 2 tuổi, có nhu cầu vận động cao, chưa quen với sách.

Về lâu về dài, thành công hay không chính là khả năng tạo niềm vui cho bé lúc đọc. Đừng cho rằng bé phải tham gia. Bé sẽ tự động tham gia khi bạn chứng minh cho bé thấy đó là một hoạt động vui. Nếu bạn không làm được điều đó, không có gì lạ khi bé từ chối đọc.

mot so goi y giup bo me xay dung cho con thoi quen doc sach
Việc đọc sẽ vui với bé khi chính bạn hào hứng. (Ảnh: Olloo)

Tương tác khi đọc

Việc đọc sẽ vui với bé khi chính bạn hào hứng. Bạn có thể khiến bé thấy thú vị bằng cách giả giọng nhân vật nói chuyện với chính bé, giả các loại tiếng động, tiếng kêu các con vật (bé sẽ tự bắt chước theo).

Để cho bé lựa chọn và tích cực tham gia cũng là cách tuyệt vời để giúp bé yêu thích sách. Một số cha mẹ cho rằng con nhỏ phải đọc từ trang đầu tiên, cứ thế tuần tự cho tới trang cuối cùng. Nhưng trẻ nhỏ chưa hiểu ra điều ấy. Chúng sẽ lật giở tứ tung. Bạn chỉ có một lựa chọn: Bé giở tới trang nào, thì bạn mô tả lại trang ấy. Nếu bạn phản ứng mạnh và khó chịu, giờ đọc sẽ kết thúc, và bé cũng sẽ liên hệ cảm xúc đó của bạn với việc đọc sách. Việc này sẽ gây ảnh hưởng tới các lần đọc kế tiếp.

Mua các sách có các miếng lật mở cũng là một cách tuyệt vời, vì trẻ nhỏ rất tò mò và thích khi được tương tác với sách. Sách lật mở không thích hợp với trẻ dưới 2, vì chúng rất dễ xé rách các miếng lật mở.

mot so goi y giup bo me xay dung cho con thoi quen doc sach
Mua các sách có các miếng lật mở cũng là một cách tuyệt vời, vì trẻ nhỏ rất tò mò và thích khi được tương tác với sách. (Ảnh: The Frugal Ginger)

Hãy nghĩ đơn giản hơn rằng chất lượng của tương tác phụ thuộc vào việc bạn có tạo cơ hội cho bé tham gia theo cách của bé, hay tìm cách kiểm soát bé và khó chịu khi việc đọc không diễn ra theo ý bạn. Bước đầu khi đọc, hãy chỉ dựa vào lời để nói chuyện với bé. Bé sẽ học tốt nhất khi được chủ động tham gia theo cách của bé, chứ không phải là ngồi thụ động để nghe. (Việc mong đợi bé ngồi thụ động để nghe rồi nhắc lại chính là hậu quả của rất nhiều năm đi học ở trường. Nhiều cha mẹ tin rằng lắng nghe-nhắc lại được ngay chính là cách học đúng đắn.)

Cũng có thể “bịa” các bài hát trong lúc đọc sách với con. Đừng ngại chuyện bạn hát không hay hay bài hát không đủ hấp dẫn. Các bé chẳng lo tới chuyện đó đâu!

Bạn cũng nên thường xuyên đặt câu hỏi cho bé trong khi đọc. Các bé rất thích khi được hỏi cái gì ở đâu. Bạn có thể hỏi xem các nhân vật đang làm gì. Khi nào làm quen với màu sắc và số, các câu hỏi liên quan tới những nội dung này có thể được giới thiệu theo cách có ý nghĩa với bé. Bạn có thể yêu cầu con vỗ vào bạn thỏ, bạn gấu, cho các bạn ăn, thơm các bạn,… Bé rất thích thú làm theo.

Đừng quên yêu cầu bé giúp bạn giở trang!

Bao nhiêu sách là đủ

Một số cha mẹ sợ lại phải đầu tư thêm một khoản tiền vào sách, còn số khác thì lại mua quá nhiều. Thực ra trẻ nhỏ không cần nhiều sách. Mỗi tháng một quyển là rất đủ. Tính ra, một năm khoảng 10-12 cuốn. Trẻ nhỏ 0-6 thích đọc đi đọc lại những cuốn quen thuộc mà chúng đã thuộc làu. Trên thực tế, chúng cần nhiều lần đọc để có thể thực sự hiểu rõ được nội dung sách. Người mất kiên nhẫn chính là người lớn. Sự mất kiên nhẫn sẽ nhanh chóng trở thành yếu tố đầu tiên gây ảnh hưởng tới quá trình đọc của trẻ.

mot so goi y giup bo me xay dung cho con thoi quen doc sach
Trẻ nhỏ 0-6 thích đọc đi đọc lại những cuốn quen thuộc mà chúng đã thuộc làu. (Ảnh: Phương Đặng)

Vừa đọc tay vừa chỉ vào chữ sẽ giúp bé học chữ?

Câu trả lời là bạn không cần phải làm như vậy, và trong nhiều trường hợp là không nên. Có ba lý do chính sau đây:

- Trái với những gì nhiều cha mẹ tin tưởng, trẻ nhỏ không sẵn sàng để học chữ (để đọc được) cho tới khi ít nhất là 4-5 tuổi, và tất nhiên có nhiều trẻ muộn hơn vậy. Đó là lý do độ tuổi 6 được chọn khi trẻ học lớp 1 để nội dung học chữ/ghép vần được giới thiệu. Khi trẻ chưa sẵn sàng (não chưa đủ phát triển, do đó khả năng ghi nhớ, tập trung và nhận thức chưa đủ phát triển), thì có cố dạy gì cũng vô ích. Không phải cứ thích là dạy được. Thời điểm sẵn sàng của từng trẻ khác nhau.

- Vừa đọc y từng chữ và chỉ vào chữ sẽ không giúp bé hiểu được nội dung. Việc đọc phải có ý nghĩa với bé. Đó là lý do sách cho trẻ nhỏ luôn có hình ảnh đi kèm, để tạo điều kiện cho chúng hiểu ý nghĩa của từ ngữ.

- Kể cả khi cha mẹ có chỉ tay vào chữ, nếu bé không quan tâm, thì bé cũng sẽ không nhìn. Chẳng có cách nào để kiểm soát quá trình học của trẻ, và tốt nhất là hãy hỗ trợ, điều chỉnh cách tương tác để giúp bé học theo cách thích hợp với bé, thay vì nghĩ ra một cách là đúng và ép bé theo.

Tới lúc bé muốn học đọc, và tò mò về các chữ, thì bé sẽ không để cho bạn yên đâu! Vì vậy, duy trì thói quen đọc sách quan trọng hơn là đặt nặng mục tiêu đọc để biết chữ, đọc để học thuộc lòng.

Sẽ có những hôm trẻ đọc ít, đọc nhiều. 2-5 phút cũng được tính là đọc. Quá trình thành công hay không, phụ thuộc rất nhiều vào việc cha mẹ có tôn trọng sự lựa chọn và tốc độ phát triển của bé hay không.

Cha mẹ càng chấp nhận những biểu hiện của bé, càng vui vẻ trong lúc đọc với con, càng kiên trì hàng ngày, thì càng sớm tạo được thói quen cho con. Và khi bạn đã tạo thói quen thành công cho con, thì bé sẽ không để cho bạn đi ngủ mà không đọc sách cho bé trước đó.

Đọc sách cùng con là một trong những món quà quý giá nhất mà cha mẹ có thể trao cho con. Ngoài ra, nếu bản thân không quen đọc sách và quyết định đọc cho con, rất có thể bạn sẽ khám phá ra niềm yêu thích đọc sách của chính bạn.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...