Trump cảm thấy 'bí bách' sau một tháng làm tổng thống | |
Bảo vệ gia đình Trump tốn chi phí không nhỏ |
Tổng thống Donald Trump trả lời các phóng viên trong buổi họp báo ngày 16/2. Ảnh: AFP |
Một tháng sau lễ nhậm chức, đại lộ Pennsylvania phía trước Nhà Trắng, nơi ở và làm việc của ông Donald Trump, vẫn ngổn ngang những thanh gỗ, dây cáp chất đống trên mặt đất giữa hàng rào kim loại.
Tình trạng lộn xộn bên ngoài Nhà Trắng không phải lỗi của ông Trump, nhưng là phép ẩn dụ cho tình trạng hỗn loạn đang diễn ra bên trong, theo AP. 4 tuần sau khi nhậm chức, ông Trump đang vướng vào không ít vụ lùm xùm quanh các động thái và chính sách gây tranh cãi.
Trong thời gian ngắn, Trump đã "chọc tức" các nhà lãnh đạo thế giới và khiến đồng minh thất vọng. Ông cũng bị giáng một đòn pháp lý mạnh mẽ sau sắc lệnh di trú - một trong những chính sách “ruột” ông từng khẳng định sẽ thực thi khi trở thành tổng thống.
Tỷ phú 70 tuổi còn "đánh mất" một cố vấn an ninh quốc gia, trong khi ứng viên được ông đề cử chức Bộ trưởng lao động dính bê bối và xin rút lui. Trump nhận thấy các thành viên trong chính phủ đang chống lại chính sách của mình, còn các thông tin mật thì bị rò rỉ. Tất cả điều trên diễn ra trong bối cảnh Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) dần hé lộ các thông tin về mối liên quan giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và quan chức tình báo Nga.
Trump tự tin nói chính quyền của ông đang hoạt động như một “cỗ máy trơn tru”. Ông chỉ ra sự phát triển của thị trường chứng khoán và tỷ lệ người ủng hộ trung thành với mình vẫn ở mức cao, dù thực tế tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác trong những tuần đầu tiên nhận nhiệm vụ.
Rắc rối với truyền thông
Trong cuộc họp báo riêng đầu tiên sau nhậm chức hôm 16/2, ông Trump mắng mỏ truyền thông về những "tin tức rất giả dối" và phủ nhận các bài báo nói về quan hệ của ông và người thân cận với Nga. Trump cho rằng đó là "âm mưu" của truyền thông và gọi báo giới là “kẻ thù của người dân Mỹ”.
Trước đó, tổng thống thứ 45 của Mỹ cáo buộc truyền thông Mỹ không trung thực về số người tham dự lễ nhậm chức, sau khi báo giới Mỹ so sánh số người dự sự kiện này của ông ít hơn so với của người tiền nhiệm Barack Obama năm 2009.
Chính sách nhập cư tranh cãi
Nhiều cuộc biểu tình phản đối chính sách nhập cư của ông Trump nổ ra trên khắp nước Mỹ. Ảnh: ABC |
Chỉ trong 12 ngày từ khi nhậm chức, tân Tổng thống Trump đã ký 19 văn kiện hành pháp, trong đó sắc lệnh nhập cư được cho là có tác động lớn nhất. Theo sắc lệnh, Mỹ dừng toàn bộ việc tiếp nhận người tị nạn trong 4 tháng và cấm công dân của 7 nước, gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày.
Dù ông Trump liên tục nhấn mạnh, lệnh cấm nhập cư nhằm bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ tấn công khủng bố, giới tư pháp và các cựu quan chức cho rằng sắc lệnh này vi hiến, đi ngược lại với giá trị Mỹ. Nhiều bang trên toàn nước Mỹ đã đệ đơn kiện sắc lệnh gây tranh cãi này.
Cuộc chiến pháp lý giữa Bộ Tư pháp Mỹ và các bang phản đối sắc lệnh di trú đã nổ ra. Dù tòa án liên bang ra phán quyết tạm ngừng thi hành, ông Trump vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách của mình khi chuẩn bị ban bố một sắc lệnh mới trong tuần này.
Nội bộ lục đục
Ông Michael Flynn. Ảnh: CNN |
Michael Flynn, Cố vấn an ninh quốc gia đồng thời là một trong những người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất, nộp đơn từ chức hôm 13/2 trước những cáo buộc về mối quan hệ với Nga. Bloomberg gọi sự cố Flynn là vụ “ám sát chính trị”, một dạng “đảo chính mềm” nhằm vào chính quyền Trump.
Hai ngày sau đó, ứng viên Bộ trưởng lao động Andrew Puzder cũng tuyên bố từ chức.
Trước đó, Tổng thống Trump cho phép Cố vấn chiến lược Steve Bannon một ghế thường trực trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Ông còn loại bỏ vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS) khỏi NSC. Giám đốc DNI và Chủ tịch JCS chỉ được yêu cầu tham dự các cuộc họp NSC khi “các vấn đề liên quan đến trách nhiệm và chuyên môn của họ được thảo luận”. Đây được cho là một động thái chưa từng có tiền lệ trong NSC, gây ra xáo trộn lớn.
Lối sống gia đình - cơn ác mộng với tiền thuế của người dân
Ngoài những quyết sách gây tranh cãi hay hỗn loạn trong bộ máy chính quyền, Tổng thống Trump còn gây "xôn xao" bởi chi phí cho hoạt động của ông và đại gia đình "ngốn" quá nhiều ngân sách.
Ước tính chi phí dành cho các hoạt động bảo vệ ông chủ mới của Nhà Trắng cùng các thành viên trong gia đình lớn hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Ảnh: BET.com |
Kể từ khi nhậm chức tổng thống, ba chuyến đi của ông Trump tới câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Florida cùng những chuyến làm ăn của con trai ông, Eric Trump, đã tốn tới 11,3 triệu USD.
Nhà Trắng còn phải chi 88.320 USD cho chi phí an ninh tại khách sạn nơi Eric Trump nghỉ tại Uruguay, khi anh tới đó nhằm quảng bá cho một toà tháp mang thương hiệu Trump.
Trong khi đó, cảnh sát New York vẫn canh gác bên ngoài Tháp Trump tại Manhattan, nơi ở của Đệ nhất phu nhân Melania Trump cùng con út Barron. Chính quyền thành phố đang phải chi 500.000 USD một ngày để bảo vệ nơi này.
Tổ chức giám sát Judicial Watch ước tính 97 triệu USD đã được chi trong 8 năm tại nhiệm của cựu Tổng thống Obama. Trong khi đó, chi phí bảo vệ gia đình Trump dự tính sẽ vượt người tiền nhiệm tới hàng trăm triệu USD.
Thế nhưng, mức chi cho các hoạt động của Tổng thống Trump và gia đình tỷ lệ nghịch với mức độ ủng hộ dành cho ông, bởi nó đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Cuộc thăm dò mới nhất do Gallup thực hiện cho thấy tỷ lệ ủng hộ của công chúng Mỹ đối với ông Trump sau tháng đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng chỉ đạt 40%. Đây thực sự là một khởi đầu đáng buồn với tổng thống thứ 45 của Mỹ.