Giải pháp được tỉnh đề ra là đổi mới xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa hình thức thực hiện, tăng cường các hoạt động hợp tác, xúc tiến trực tiếp với các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước; hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư và chuyên nghiệp hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư theo chuẩn quốc tế để tạo điểm nhấn quảng bá, giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng với đó rà soát, cập nhật và công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2023 nói riêng và giai đoạn 2020 - 2025 nói chung gắn với xây dựng và đề xuất mới danh mục các dự án nằm trong quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh để kêu gọi đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; hoàn thiện và ban hành sổ tay hướng dẫn quy trình, thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; hoàn thành quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra; hoàn thành lập Đề án Mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, năm 2022, tại Nghệ An, thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều đổi mới và đạt được kết quả tích cực trên cả 5 phương diện, đó là số lượng dự án FDI tăng cao; vốn đăng ký đầu tư vượt mục tiêu đề ra; cơ cấu thu hút đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài; lĩnh vực đầu tư chuyển mạnh sang sản xuất công nghiệp; địa bàn thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp là động lực tăng trưởng của tỉnh.
Cụ thể, trong năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 91 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 25.481,9 tỷ đồng; điều chỉnh 92 lượt dự án; trong đó, điều chỉnh tổng vốn đầu tư 31 lượt dự án với tổng mức đầu tư tăng 13.160,7 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 38.642,6 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu năm 2021 thu hút vốn đầu tư từ 25.000-30.000 tỷ đồng). Đặc biệt, số vốn FDI đầu tư tại Nghệ An đạt hơn 810,2 triệu USD, đưa Nghệ An lần đầu tiên lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh thì hiện nay trong xúc tiến, thu hút đầu tư, địa phương cũng đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Nổi lên đó là môi trường đầu tư mặc dù đã có những cải thiện nhưng chưa thực sự bền vững; giám sát, đôn đốc và hỗ trợ triển khai dự án sau cấp phép chưa thực sự hiệu quả.
Trong khi đó, tiến độ triển khai thực hiện các dự án sau cấp phép hầu hết còn chậm, một số dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã đăng ký dẫn đến phải gia hạn tiến độ hoặc chấm dứt hoạt động dự án.
Ngoài ra, kết quả thu hút đầu tư chủ yếu tập trung một số dự án sản xuất công nghiệp lớn; chưa thu hút được các dự án thuộc lĩnh vực khác nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như các dự án nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, dự án du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.