CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần đạt 121 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số cùng kỳ là 5,6 tỷ đồng nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản, qua đó đạt lãi gộp 68,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ.
Mặt khác, doanh thu tài chính giảm 86% còn 39 tỷ đồng do không có khoản doanh thu từ chuyển nhượng quyền tham gia đầu tư dự án (250 tỷ đồng) như cùng kỳ.
Chi phí tài chính tăng mạnh do công ty tăng huy động nguồn vốn đầu tư để phát triển hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, công ty cũng chi hơn 13,9 tỷ đồng để trả khoản phạt do vi phạm hợp đồng, dẫn đến ghi nhận khoản lỗ khác đậm hơn so với cùng kỳ.
Kết quả, lãi sau thuế hợp nhất quý III của Năm Bảy Bảy đạt gần 303 triệu đồng, trong khi giá trị cùng kỳ là hơn 172 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lãi sau thuế của công ty lần lượt là 290 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng, giảm 48% và 99% so với 9 tháng đầu năm 2021.
So sánh với mục tiêu lãi sau thuế 102 tỷ đồng đã đề ra năm nay, sau 9 tháng, công ty đã thực hiện 2% kế hoạch.
Nói thêm về việc tăng huy động nguồn vốn đầu tư của Năm Bảy Bảy, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, công ty đã thu 2.065 tỷ đồng từ đi vay, trong khi con số cùng kỳ là 860 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, công ty cũng chi 131 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.
Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng dư nợ tài chính của Năm Bảy Bảy đạt 3.121 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với đầu năm và chiếm gần 49% trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, đa phần đến từ Vietcombank và các doanh nghiệp cùng tập đoàn (CII, CII E&C, Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm,...).
Bên cạnh đó, công ty cũng có 1 lô trái phiếu với dư nợ tại cuối tháng 9 là 290 tỷ đồng, giảm so với 350 tỷ đồng hồi đầu năm nhờ thực hiện các đợt mua lại trước hạn.
Cùng chiều với việc tăng vay nợ, các khoản phải thu cũng tăng 1,17 lần so với mức đầu năm lên 3.017 tỷ đồng, trong đó, phải thu ngắn hạn là 1.430 tỷ đồng, tăng 0,8 lần và phải thu dài hạn là 1.587 tỷ đồng, tăng 1,6 lần, công ty cũng trích lập dự phòng gần 36 tỷ đồng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu khoản phải thu là 1.566 tỷ đồng phải thu vốn góp hợp tác đầu tư dự án Cao ốc 152 Điện Biên Phủ từ CII (1.150 tỷ đồng) và các dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm từ Công ty Khu Bắc Thủ Thiêm (416 tỷ đồng). Đây cũng là khoản được ghi nhận thêm trong 9 tháng đầu năm nay.
Bên cạnh đó, giá trị tồn kho tại thời điểm cuối tháng 9 cũng tăng gần 0,4 lần lên 1.272 tỷ đồng, phần lớn là bất động sản dở dang tại các dự án De Lagi (644 tỷ đồng), Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (530 tỷ đồng),... Ngoài ra, công ty cũng có hơn 26,4 tỷ đồng tồn kho là các bất động sản hoàn thành chờ bán, không đổi so với đầu năm.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án bất động sản nhhuw NBB Garden III, NBB II,... cũng đạt 1.600 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Qua đó, tổng tài sản của Năm Bảy Bảy tại cuối quý III đạt 6.388 tỷ đồng, tăng 46% so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tổng tài sản cũng có sự thay đổi khi chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu (47%), thay vì chi phí xây dựng cơ bản dở dang như đầu năm.
Trong 9 tháng, nhờ khoản thu lớn từ vay vốn nói trên, dòng tiền từ hoạt động tài chính dương 1.934 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 623 tỷ đồng.
Song, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 863 tỷ đồng do tăng các khoản phải thu và hàng tồn kho, dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm 1.083 tỷ đồng do phát sinh thêm khoản chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Qua đó, dòng tiền thuần trong kỳ của Năm Bảy Bảy âm hơn 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 3,8 tỷ đồng.