Năm Bảy Bảy đối mặt khoản vay gần 800 tỷ sắp đáo hạn, khả năng đảo nợ nhờ các đơn vị cùng nhóm CII

Năm Bảy Bảy đang có gần 800 tỷ đồng nợ đáo hạn vào tháng 12 năm nay trong khi lượng tiền mặt hiện có chỉ 33 tỷ đồng. Bên cạnh kế hoạch bán cổ phiếu quỹ, công ty cũng tăng cường vay nợ dài hạn từ các đơn vị cùng nhóm CII nhằm tăng dòng tiền cho doanh nghiệp.

Năm Bảy Bảy trước bối cảnh sắp đáo hạn gần 800 tỷ đồng nợ vay

Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB), tại thời điểm cuối quý II/2022, doanh nghiệp đang có gần 852 tỷ đồng nợ vay tài chính trong ngắn hạn, tăng 1,8% so với đầu năm.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất là 750 tỷ đồng các khoản vay từ nhiều cá nhân, thời hạn vay đến ngày 31/12 hoặc một thời gian thỏa thuận khác. Bên cạnh đó, công ty cũng ghi nhận 102 tỷ đồng là nợ dài hạn đến hạn, phải trả trong vòng 12 tháng tới. 

Dư nợ tài chính ngắn hạn sau soát xét tăng 7,6% so với con số gần 792 tỷ đồng trên báo cáo tự lập mà Năm Bảy Bảy công bố trước đó, nguyên nhân do công ty tăng khoản nợ dài hạn đến hạn trả từ 42 tỷ đồng lên 102 tỷ đồng, trong đó, 42 tỷ đồng vay từ ACB với thời hạn 60 tháng đến ngày 30/12 tới đây.

So với đầu năm, dư nợ tài chính ngắn hạn đã giảm 5,4%, chủ yếu do “chuyển” khoản vay ngắn hạn 125 tỷ đồng từ CII thành khoản vay dài hạn với kỳ hạn vay là 36 tháng.  

Trước đó, theo báo cáo hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán của Năm Bảy Bảy, khoản vay này bắt đầu được ghi nhận vào nợ ngắn hạn từ quý IV/2021 và đáo hạn vào ngày 1/6/2024 hoặc một thời gian theo thỏa thuận. 

Hiện, khoản vay này đang được hạch toán như một khoản vay dài hạn trên báo cáo bán niên đã soát xét năm 2022. 

Bên cạnh đó, Năm Bảy Bảy cũng có khoản nợ từ một lô trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng 6/2024 với giá trị huy động 490 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý II, dư nợ của lô trái phiếu này là 300 tỷ đồng. Ngày 6/9 vừa qua, công ty cũng chi 10 tỷ đồng mua lại trước hạn một phần lô trái phiếu này, qua đó giảm giá trị còn 290 tỷ đồng.

Chi tiết các khoản nợ tài chính của Năm Bảy Bảy tại thời điểm cuối quý II/2022. (Nguồn: BCTC bán niên đã soát xét của doanh nghiệp). 

Cũng tại thời điểm cuối quý II, công ty có gần 33,3 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Phần lớn tài sản ngắn hạn của công ty được ghi nhận dưới dạng các khoản phải thu ngắn hạn (1.428 tỷ đồng) và hàng tồn kho (1.193 tỷ đồng). 

Tiền trả nợ từ đâu?

Trước bối cảnh phải tất toán khoảng 800 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm trong khi lượng tiền mặt giữ tỷ trọng thấp, ngày 18/8, HĐQT Năm Bảy Bảy đã thông qua phương án bán toàn bộ 315.861 cổ phiếu quỹ để phục vụ cho nhu cầu tài chính trong năm nay của doanh nghiệp. 

Giá bán chưa được công bố cụ thể. Công ty cho biết sẽ xác định giá bán theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch.

Theo báo cáo tài chính, tổng số cổ phiếu quỹ của công ty có giá trị gần 7,1 tỷ đồng, tương đương khoảng 22.437 đồng/cp, lớn hơn 10% so với giá cổ phiếu NBB trên thị trường chứng khoán tại thời điểm chốt phiên ngày 18/8. 

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, Năm Bảy Bảy cũng đẩy mạnh vay nợ với số tiền thu được hơn 1.940 tỷ đồng. Phần lớn khoản vay phát sinh là từ các doanh nghiệp cùng nhóm CII với tổng cộng 1.235 tỷ đồng, lãi suất từ 7% - 8,5%, thời hạn vay từ 5 - 20 năm và không có tài sản đảm bảo nhằm thực hiện và phát triển các hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, công ty cũng phát sinh khoản vay dài hạn Vietcombank 607 tỷ đồng, lãi suất 8,5% với tài sản thế chấp là là quyền khai thác, quản lý và lợi ích từ dự án De Lagi nhằm rót vốn cho dự án này. Thời hạn vay đến tháng 5/2034.

 

Qua đó, tổng nợ tài chính tại thời điểm cuối quý II của Năm Bảy Bảy đã tăng 1,6 lần so với đầu năm lên 3.060 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của công ty cũng tăng 78% so với đầu năm, đạt 4.519 tỷ đồng, trong khi đó, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp giảm nhẹ do giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 

Do đó, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Năm Bảy Bảy tại thời điểm cuối quý II là 2,5 lần, trong đó, tỷ lệ nợ tài chính/vốn chủ sở hữu là 1,7 lần. Công ty cũng ghi nhận tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu là 1,7 lần tại thời điểm cuối quý II.  

Có thể thấy, động thái đẩy mạnh vay nợ của công ty bắt đầu từ đầu năm nay, khi CII dần thoái vốn và chuyển Năm Bảy Bảy từ công ty con thành công ty liên kết. 

Nguồn thu BĐS chững lại, dòng tiền hoạt động phụ thuộc vào đi vay

Nói thêm về nguồn thu của Năm Bảy Bảy, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng và 1,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 60% và 99% so với cùng kỳ, chủ yếu do tắc nguồn thu từ bất động sản.

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 4 vừa qua, ông Lưu Hải Ca, Chủ tịch HĐQT công ty cũng cho biết, năm nay, những sản phẩm đủ điều kiện ghi nhận doanh thu của Năm Bảy Bảy không vượt quá 1.000 tỷ đồng, tập trung dự án Sơn Tịnh - Quảng Ngãi và những hợp tác đầu tư khác mang tính chất nhỏ. Điểm rơi doanh thu từ các dự án là vào giai đoạn 2023 - 2024.

 Phối cảnh dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi của Năm Bảy Bảy. (Nguồn: Năm Bảy Bảy). 

Lợi nhuận thấp trong khi các khoản phải thu, hàng tồn kho trong kỳ tăng dẫn đến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của Năm Bảy Bảy âm 904,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 178,6 tỷ đồng. 

Về phần hoạt động đầu tư, trong kỳ, công ty phát sinh thêm khoản chi 1.150 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác so với cùng kỳ, do đó dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 965 tỷ đồng.   

Trong khi đó, nhờ hơn 1.940 tỷ đồng tiền thu từ đi vay, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính của công ty dương 1.873 tỷ đồng, kéo dòng tiền thuần trong kỳ của Năm Bảy Bảy dương 3,1 tỷ đồng. 

Qua đó có thể thấy, trong bối cảnh nguồn thu từ bất động sản chững lại, nguồn tiền hoạt động chính trong kỳ của Năm Bảy Bảy đến từ nguồn vay nợ tài chính.

 

Nợ tài chính tăng dẫn đến tổng tài sản công ty tại cuối quý II tăng 45% so với thời điểm đầu năm, đạt 6.337 tỷ đồng.

Chiếm 48% tổng tài sản là các khoản phải thu 3.036 tỷ đồng trong cả ngắn hạn và dài hạn, tăng 119% so với đầu năm, trong đó có 1.181 tỷ đồng khoản phải thu vốn góp hợp tác đầu tư dài hạn tại dự án Cao ốc 152 Điện Biên Phủ từ CII và 439 tỷ đồng khoản hợp tác dài hạn với Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm để kinh doanh các dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.  

Danh mục hàng tồn kho của công ty ghi nhận 1.193 tỷ đồng, tăng 28%, chủ yếu là bất động sản dở dang tại các dự án như Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (522 tỷ đồng), dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi (574 tỷ đồng),...

Bên cạnh đó, công ty cũng có 1.594 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, giảm nhẹ so với đầu năm, chủ yếu ghi nhận tại các dự án NBB Garden III (815 tỷ đồng) và NBB II (777 tỷ đồng). 

chọn
Sắp xây toà nhà cao thứ ba Hà Nội?
Toà nhà Landmark 55 có tổng mức đầu tư 5.934 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ là toà nhà cao tầng thứ ba của Hà Nội, sau Keangnam Landmark và Lotte Center Hà Nội (65 tầng). Chủ đầu tư Taseco Land cho biết dự kiến quý II/2024 xin giấy phép xây dựng, quý III/2024 cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.