Nam Tân Uyên đạt gần 55% mục tiêu lợi nhuận năm, tăng trữ tiền thông qua các khoản tiền gửi

6 tháng đầu năm nay, Nam Tân Uyên báo lãi sau thuế 155,3 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ và thực hiện gần 55% mục tiêu lợi nhuận năm nay. Tại thời điểm cuối quý II, lượng tiền gửi tăng khiến tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 6,2% so với đầu năm.

Thực hiện gần 55% mục tiêu lợi nhuận dù giảm doanh thu

CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán: NTC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần giảm 27% so với cùng kỳ, đạt 60,1 tỷ đồng, chủ yếu ghi nhận từ kinh doanh bất động sản đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).

Biên lợi nhuận gộp trong quý cũng giảm dẫn đến lợi nhuận gộp của công ty giảm 32% so với cùng kỳ. 

 KQKD của Nam Tân Uyên. (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC). 

Mặt khác, doanh thu tài chính tăng 59%, trong đó, ngoài ghi nhận lãi tiền gửi, lãi cho vay như cùng kỳ (với giá trị giảm 24%), công ty cũng có thêm cổ tức, lợi nhuận được chia từ CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Nam Tân Uyên là cổ đông lớn tại VRG) và lãi bán hàng trả chậm. 

Trong khi đó, các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 20% và 22%.

Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty báo lãi trước thuế giảm nhẹ so với cùng kỳ. Do doanh thu thuần giảm, chi phí thuế phải trả cũng giảm, kết quả, lợi nhuận sau thuế của Nam Tân Uyên vẫn đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, ghi nhận 75,5 tỷ đồng. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 118 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận sau thuế 155,3 tỷ đồng, tăng 1,4%. 

Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 284,45 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, công ty đã thực hiện 54,6% chỉ tiêu năm nay. 

Tăng trữ tiền thông qua các khoản tiền gửi, thay vì rót vào các dự án BĐS

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Nam Tân Uyên cho thấy, trong nửa đầu năm nay, ngoài dòng tiền từ thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác, công ty cũng có nguồn thu từ thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác và thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia. Bên cạnh đó, công ty cũng có dòng tiền từ đi vay hơn 140 tỷ đồng.

Do đó, dòng tiền thuần của Nam Tân Uyên vẫn dương sau khi chi hơn 180 tỷ đồng để trả nợ gốc vay; trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu và chi hơn 710 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư. 

Qua đó, tại thời điểm cuối quý II, tiền và tương đương tiền của công ty tăng 31% so với đầu năm, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận thêm 113 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dài hạn.

Đây là hai yếu tố chính khiến tổng tài sản của Nam Tân Uyên tăng 6,2% so với đầu năm lên mức gần 4.132 tỷ đồng. 

Ở chiều ngược lại, công ty không ghi nhận thay đổi tại chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại hai dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2, Khu dân cư Nam Tân Uyên mở rộng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (hay NTC-3) không thay đổi so với đầu năm. (Nguồn: BCTC). 

Trong đó, đối với dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (bắt đầu triển khai công trình từ năm 2017), công ty cho biết, tính đến ngày 30/6, dự án mới thực hiện các bước ban đầu về tư vấn, khảo sát thiết kế, thực hiện đền bù giải phòng mặt bằng. 

Về phần nguồn vốn của doanh nghiệp, chiếm 73,5% trong tổng nguồn vốn là doanh thu chưa thực hiện hơn 3.037 tỷ đồng, phần lớn là doanh thu nhận trước tiền cho thuê đất, hạ tầng khu công nghiệp. Khoản doanh thu này sẽ được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động kinh doanh trong các năm tiếp theo, căn cứ theo thời gian cho thuê đất còn lại mà khách hàng đã trả tiền trước.

Ngoài ra, công ty cũng đang ghi nhận khoản vay với dư nợ 175 tỷ đồng từ Vietcombank. Theo Nam Tân Uyên, khoản vay này là theo hợp đồng tín dụng ký hồi 15/6/2022 nhằm nộp thuế TNDN, thuế GTGT và trả cổ tức, trả lương thưởng.