CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán: NTC) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu thuần 79,7 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nguồn thu chính từ kinh doanh bất động sản đầu tư đạt hơn 62,8 tỷ đồng, giảm gần 32%. Ngược lại, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng gần 35% lên 16,3 tỷ đồng.
Giá vốn trong quý tăng nhẹ, do đó, lợi nhuận gộp giảm 34% còn 52,6 tỷ đồng.
Trong quý, doanh thu tài chính giảm 60% chủ yếu do không ghi nhận cổ tức, lợi nhuận được chia, thay vì 27,6 tỷ đồng như cùng kỳ năm trước. Theo Nam Tân Uyên, đây cũng là lý do chính khiến lợi nhuận sau thuế giảm 44%, còn 46,3 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, Nam Tân Uyên ghi nhận doanh thu thuần 268 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 256 tỷ đồng, giảm lần lượt 1% và 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, công ty đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế gần 263 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 97% chỉ tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, tại ngày 31/12/2022, tổng doanh thu chưa thực hiện của Nam Tân Uyên đạt 3.076 tỷ đồng, giảm 3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, giá trị trong ngắn hạn là 92 tỷ đồng và trong dài hạn là 2.984 tỷ đồng, chủ yếu là doanh thu nhận trước tiền cho thuê đất, hạ tầng khu công nghiệp.
Cũng tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Nam Tân Uyên là gần 4.061 tỷ đồng, giảm 3,5% so với đầu năm.
Lượng tiền mặt ở mức 1.124 tỷ đồng, chiếm gần 28% trong tổng tài sản, đa phần là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 1.115 tỷ đồng, là khoản tiền gửi có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng tại các ngân hàng thương mại với lãi suất từ 5 - 11,5%/năm.
Đây cũng là khoản cao thứ hai trong tổng tài sản của Nam Tân Uyên, sau khoản chi phí trả trước dài hạn 1.801 tỷ đồng. Trong cơ cấu khoản chi phí này, tiền thuê nhất chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 1.003 tỷ đồng, là khoản công ty nộp tiền thuê đất trả một lần và sẽ phân bổ dần vào chi phí hàng năm theo thời gian thuê sau khi hết thời gian được miễn tiền thuê đất.
Bên cạnh đó, công ty cũng ghi nhận 9,7 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn và 170,9 tỷ đồng chi phí cơ bản xây dựng dở dang.
Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn ghi nhận tại dự án Khu dân cư Nam Tân Uyên mở rộng (Bình Dương; 19,8 ha), không đổi so với đầu năm. Còn chi phí xây dựng ghi nhận tại hai dự án là Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng (41 triệu đồng, hiện đã đưa vào cho thuê phần lớn) và Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (170,86 tỷ đồng, đang chờ phê duyệt cấp đất).
Nợ tài chính tại ngày 31/12/2022 của Nam Tân Uyên ghi nhận 71,6 tỷ đồng, giảm gần 65% so với đầu năm, chủ yếu do công ty tất toán khoản nợ Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam. Dư nợ trên là từ khoản vay Vietcombank, song đã giảm so với đầu năm. Bảng lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy, trong năm 2022, Nam Tân Uyên đã chi 422 tỷ đồng trả nợ gốc vay.
Dòng tiền tài chính qua đó âm gần 345 tỷ đồng, song nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư dương, dòng tiền thuần trong năm của Nam Tân Uyên dương hơn 165 triệu đồng, trong khi năm 2021 âm gần 203 tỷ đồng.
Nói thêm về các khoản đầu tư tài chính của Nam Tân Uyên, ngoài khoản tiền gửi như đã đề cập, công ty cũng ghi nhận khoản đầu tư tài chính với giá gốc 454,7 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị khác, tăng 21% so với đầu năm do tăng giá trị đầu tư tại CTCP Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú.
Trước đó vào tháng 8/2022, Nam Tân Uyên từng cho biết kế hoạch mua 4 triệu cổ phiếu phát hành thêm của tại đơn vị này với giá 20.000 đồng/cp, tổng giá trị là 80 tỷ đồng, thực hiện trong quý III - IV/2022. Mục đích là góp vốn, đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu cho việc thực hiện dự án mở rộng Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú - giai đoạn 2 (tỉnh Bình Phước).
Cùng thời điểm đó, Nam Tân Uyên cũng cho biết sẽ 4,4 triệu cổ phiếu của CTCP Khu công nghiệp Cao su Bình Long với giá 28.000 đồng/cp, tổng giá trị là hơn 123 tỷ đồng, nhằm đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu cho việc thực hiện dự án mở rộng Khu công nghiệp Minh Hưng 3 - giai đoạn 2, thời gian thực hiện là trước ngày 12/8/2022.
Song, tại ngày 31/12, giá trị đầu tư của Nam Tân Uyên tại đơn vị này chưa thay đổi.
Ở diễn biến khác, ngược chiều tăng của giá đầu tư gốc, giá trị hợp lý giảm gần 48% so với đầu năm, chủ yếu do giá đóng cửa trên thị trường Upcom của cổ phiếu các đơn vị là CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP), CTCP Khu công nghiệp Cao su Bình Long (mã: MH3) giảm so với đầu năm.
Trong đó, giá trị đầu tư hợp lý vào SIP giảm từ 1.153 tỷ đồng còn 560 tỷ đồng, còn giá trị vào MH3 giảm từ 265 tỷ đồng còn 176 tỷ đồng.