Tấm bê tông đặt giữa làn xe máy khiến nam thanh niên tử vong.
Liên quan đến vụ "nam thanh niên chết oan vì tông dải phân cách giữa làn xe máy" của đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, ngày 13/3, đơn vị quản lí đã lên tiếng.
Cụ thể, ông Lê Ngọc Hùng - Giám đốc Khu quản lí giao thông đô thị số 2 (đơn vị quản lí đoạn đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) cho biết, trước đó đơn vị có lắp barie hạn chế độ cao để ngăn ô tô cố tình vào làn xe máy nhưng chỉ ngăn được xe lớn, không ngăn được ô tô con.
Do ô tô con vẫn cố tình đi vào làn dành cho xe máy nên đơn vị này đã bổ sung thêm dải phân cách bằng bê tông giữa làn xe máy.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Tuấn Anh cho biết, hành vi "bổ sung thêm dải phân cách bằng bê tông" có dấu hiệu tội cản trở giao thông đường bộ qui định tại Bộ luật hình sự 2015.
"Trong vụ việc này, người đứng đầu ban quản lí đoạn đường dẫn cao tốc phải chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo. Ngoài ra, người chỉ đạo việc đặt tấm bê tông ở làn đi xe máy phải chịu trách nhiệm cao nhất", luật sư Tuấn Anh cho biết.
Theo luật sư Tuấn Anh, trong vụ việc, có thể nạn nhân có lỗi như không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát... nhưng rõ ràng lỗi chính dẫn đến tai nạn là do đặt bê tông vào làn xe máy.
"Ban quản lí không thể vì lí do ô tô thường xuyên đi vào làn xe máy mà đặt tấm bê tông. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Việc ô tô đi vào làn xe máy, chúng ta đã có biển cấm, có lực lượng chức năng xử phạt.
Tại sao không dùng những biện pháp đúng qui định pháp luật mà lại dùng biên pháp tiêu cực, trái qui định pháp luật để đối phó với những hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng?", luật sư Tuấn Anh đặt câu hỏi.
Theo ông Tuấn Anh, đường dẫn lên cao tốc chỉ cần gắn camera, phạt nguội ô tô. Điều này sẽ khiến chủ các phương tiện đi vào khuôn khổ.
Trước đó, khoảng 18h chiều 12/3, anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, Cà Mau) điều khiển xe máy trên đường dẫn cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây theo hướng từ đường Đỗ Xuân Hợp về nút giao An Phú.
Khi đến địa phận phường An Phú (quận 2) thì tông vào dải phân cách bê tông đặt giữa làn đường xe máy, tử vong tại chỗ.
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tại các đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.