Ngày Nga (Long Xuyên, An Giang) về làm dâu gia đình giàu có nhất nhì khu phố, nhiều người thân quen mừng cho cô gái đẹp người đẹp nết đã tìm được điểm tựa an nhàn. Nga tốt nghiệp đại học ngành tài chính, ra trường là về làm việc luôn cho công ty nhà chồng.
Sau cưới một năm chưa có tin mừng, vợ chồng cô đi khám thì không có bất thường lớn, chỉ có chút trục trặc là tinh trùng của anh xã có nhiều phần dị dạng. Theo hết bệnh viện này tới phòng khám nọ vẫn không có kết quả, Nga bị gia đình chồng chì chiết là mang điều xui xẻo tới. Cô muốn mua thuốc về cho hai vợ chồng uống từ một bác sĩ uy tín được bạn thân giới thiệu nhưng ba mẹ và anh chị chồng không cho. Họ còn cắt luôn khoản tiền "trợ cấp" cô được nhận hằng tháng. "Thực ra, đó là khoản lương đáng lý em được nhận", Nga kể.
Sau vài lần bóng gió đổ lỗi việc không có con là do con dâu, tháng trước, mẹ chồng giúi cho Nga xấp tiền, bảo cô hãy ly hôn để con mình đi lấy vợ khác. "Em chỉ muốn ra khỏi nhà đó ngay lập tức. Chỉ có điều, chồng em còn thương vợ, không muốn chia tay nên em mới cố", Nga thổ lộ với lương y chữa cho mình.
Từng tiếp nhận gần 7.000 cặp vợ chồng đến khám chữa vô sinh, lương y Nguyễn Thị Kim Tuyền (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, đoạn trường chữa vô sinh là vô vàn khó khăn, cay đắng, ngay cả với những người nhiều tiền, mà do những nguyên nhân tâm lý, xã hội chứ không phải tiền bạc.
Chữa vô sinh đã là hành trình đầy khó nhọc, đớn đau, nhiều phụ nữ còn phải chịu thêm những nhiếc móc, bạc bẽo từ phía nhà chồng. Ảnh: MT. |
Vừa tốt nghiệp trung học, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên khi được người quen mai mối cho một Việt Kiều đại gia ở Đài Loan, Hồng (Kiên Giang) chấp nhận cưới ngay chỉ sau hai lần gặp gỡ. Sang bên kia sống được gần một năm mà chưa có bầu, Hồng được chồng đưa đi khám thì phát hiện cô bị buồng trứng đa nang. Lúc này Hồng bị gia đình chồng đuổi khéo về nước chữa bệnh.
Suốt nửa năm ở Việt Nam điều trị, chồng Hồng chỉ thỉnh thoảng gọi điện hỏi tình hình vợ và gửi cho chút tiền, anh cũng như nhà chồng không một lần về thăm. Sau một đợt uống thuốc, Hồng sang Đài Loan với chồng được chưa đầy hai tháng thì có thai. Nhưng cũng đúng lúc này, cô biết gia đình đã làm đám hỏi cho anh với một người phụ nữ khác và hôn lễ sắp diễn ra.
Buồn và hận, Hồng trở về nước và phải vào viện sinh non một mình. Cô không dám nói nói cho ba mẹ ruột biết vì sợ họ lo lắng. Sau thời gian ở viện, Hồng thuê phòng trọ ở Sài Gòn sống. "Có lẽ con lớn chút em phải tìm đại gia nào đó cặp để kiếm tiền lo cho con. Giờ con bé bỏng vậy, muốn đi tìm việc gì mà vừa kiếm được tiền, vừa có thời gian chăm bé là quá khó", Hồng chua chát thổ lộ.
Lương y Tuyền cũng nhớ rõ đôi vợ chồng trẻ Tùng - Cúc tìm đến với mình vài tháng trước. Họ yêu nhau từ thời sinh viên. Lúc đã có công việc ổn định, cả hai muốn kết hôn nhưng bố mẹ Tùng - chủ một công ty lớn ở quận 7, TP HCM, lại muốn con trai làm rể một gia đình môn đăng hộ đối, vốn là đối tác ở Mỹ. Họ cũng có ý định ra nước ngoài định cư.
Sau gần một năm thuyết phục không kết quả, hai người tổ chức một đám cưới nhỏ, chỉ có bạn bè và người thân phía cô dâu dự. Bố mẹ chú rể vẫn kịch liệt phản đối và nói nếu Tùng dám đăng ký kết hôn thì sẽ từ mặt và không được hưởng bất cứ tài sản nào. Đôi uyên ương về chung một nhà và nghĩ chỉ cần có cháu là bố mẹ sẽ chấp nhận, vì Tùng là con trai duy nhất.
Thế nhưng, hơn một năm vẫn chưa có tin mừng, đi khám, Tùng sốc khi biết mình không hề có tinh trùng. Chạy chữa nhiều nơi suốt một năm, anh quyết định mổ tìm "con giống". Nhưng khi thấy được vài con ít ỏi, họ lại không thể làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vì theo luật cả hai chưa phải vợ chồng.
Lúc này, Cúc nhún mình cùng chồng về năn nỉ ba mẹ anh cho phép làm giấy kết hôn để được hợp pháp làm IVF nhưng ông bà vẫn không đồng ý. "Họ sợ tôi 'đào mỏ' và sau này phải phân chia tài sản", Cúc kể.
Tháng sau, Tùng sẽ theo gia đình sang Mỹ. Anh bảo vợ đợi, khi ổn định sẽ về đón Cúc sang. "Chúng tôi đang uống thuốc và đi xét nghiệm thì anh đã có 'con giống', chỉ mong từ nay tới lúc anh đi có thể thụ thai tự nhiên. Nhưng tôi vẫn thấy mông lung quá, nhỡ đâu ba mẹ bắt anh ở luôn đó thì sao?", người phụ nữ 30 tuổi bộc bạch.
"Đa phần những chị em lấy chồng giàu, nếu không có gia thế tương đương hay kiếm tiền giỏi, họ sẽ bị coi thường, đối xử như tội đồ khi hiếm muộn. Nếu trục trặc là do người đàn ông, họ có thể bị nhà chồng đổ tội là mang vận ám tới. Còn khi vấn đề thuộc về người vợ, thì phần lớn đàn ông chỉ đồng hành khám chữa được 2-3 năm đầu, sau đó là ruồng rẫy, đi kiếm con với người khác", lương y Tuyền chia sẻ.
XEM THÊM
Mẹ hiếm muộn 10 năm mất con vì chờ ngày đẹp để sinh
Tất cả các thành viên trong gia đình đã chết lặng khi biết tin đứa trẻ mà họ mong chờ suốt 10 năm qua đã rời khỏi ... |
Nghẹn lòng trước giọt nước mắt của ông bố 47 tuổi ôm con mới chào đời sau 10 năm chạy chữa khắp nơi
Sau gần 10 năm chạy chữa khắp nơi, tốn biết bao nhiêu tiền bạc, công sức cuối cùng đứa bé đã đến với hai vợ ... |
Chuyện nữ đại gia đưa tinh trùng đông lạnh từ Mỹ về Việt Nam thụ tinh
Chiếc hộp nitơ lỏng chứa tinh trùng đông lạnh của người hiến được gửi về Việt Nam bằng đường hàng không. Sau đó, nó được ... |
Vợ chồng sống mòn bởi khát con trai
Thu nhập thấp, luôn trong tình trạng giật gấu vá vai, vợ chồng anh Vũ (Hà Nội) vẫn không tiếc tiền đi canh trứng để ... |
Phụ nữ hiếm muộn tăng khả năng thụ thai nhờ chế độ ăn này
Nghiên cứu của Hy Lạp cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải giúp tăng tỉ lệ thành công của thủ thuật IVF – thụ ... |