Tổng công ty Điện lực TP HCM cho biết trong tháng 3, toàn thành phố đã sử dụng 2,38 tỉ kWh điện, tăng gần gấp rưỡi so với tháng 2. Tuy nhiên, đây chỉ mới là kỉ lục của tháng 3, bởi tháng 4 được dự báo số lượng điện năng tiêu thụ sẽ khủng hơn nữa do nắng nóng kéo dài.
Tổng công ty Điện lực TP HCM cho biết trong tháng 3, toàn thành phố đã sử dụng 2,38 tỉ kWh điện, tăng gần gấp rưỡi so với tháng 2. (Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ).
Tính đến ngày 25/4, toàn thành phố đã sử dụng 2,05 tỉ kWh. Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP HCM còn cho thấy lượng điện tiêu thụ mỗi ngày trên địa bàn đang ở mức rất cao.
Cụ thể, tháng 4 này, kỉ lục sử dụng điện rơi vào ngày 24/4, với sản lượng tiêu thụ hơn 90 triệu kWh, cao hơn 10% số lượng điện tiêu thụ trong ngày cao nhất của năm 2018.
Trong khi đó, ngày tiêu thụ kỉ lục của tháng 3 chỉ khoảng hơn 80 triệu kWh.
Ngoài ra, số liệu thống kê cũng cho thấy từ năm 2014 đến nay, lượng điện dùng trong tháng 2 luôn thấp hơn nhiều so với tháng 3 và tháng 4.
Tổng công ty điện lực TP HCM cho rằng tương ứng với lượng điện năng tiêu thụ, hoá đơn tiền điện trong các tháng này luôn cao hơn nhiều so với tháng 2.
Hơn nửa tháng nay, câu chuyện hoá đơn tiền điện tháng 4 bỗng tăng đột biến là chủ đề nóng của mỗi hộ gia đình tại TP HCM. Không chỉ những gia đình thường sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng tỏ ra hoảng hốt, mà những người không có nhu cầu cao về điện cũng rất hoang mang.
Nhận hoá đơn tiền điện tháng 4 trễ hơn so với bạn bè cùng cơ quan, chị Ngọc Nga (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) tá hoả khi hoá đơn điện tử báo số tiền phải đóng gần gấp đôi những tháng trước.
Nhiều hộ gia đình tại TP HCM phản ánh dù không dùng máy lạnh nhưng tiền điện vẫn tăng gấp đôi. (Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ).
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng chị Nga đóng chỉ khoảng 500.000 đồng tiền điện, thậm chí tháng Tết Nguyên đán, với nhu cầu sử dụng nhiều hơn nhưng cũng không cán mốc 600.000 đồng. Tuy nhiên, kì tháng 4 này, gia đình chị Nga phải đóng gần 900.000 đồng tiền điện, tức tăng gần gấp đôi.
"Trước đó, nhiều đồng nghiệp đã ca thán về tiền điện kì giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 tăng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng họ sử dụng máy lạnh nhiều nên số kWh mới tăng, còn gia đình tôi sẽ không bị ảnh hưởng do không dùng máy lạnh. Vào mùa nắng nóng các năm trước, nhà tôi không dùng máy lạnh nên tiền điện phải đóng hầu như không thay đổi nhiều. Nhưng năm nay, tiền điện bỗng tăng gần gấp đôi thì quá bất hợp lí, dù nhu cầu sử dụng điện như trước", chị Nga nói.
Nhân viên văn phòng này cho hay các thiết bị điện trong gia đình chị hầu như không thay đổi, không có thêm những thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng như máy lạnh, lò nướng… nên rất bức xúc với hoá đơn này.
Cũng giống chị Nga, nhiều hộ gia đình tại TP HCM cho rằng số tiền điện phải đóng trong tháng 4 tăng cao đột biến.
"Tôi đã lường trước việc điều chỉnh giá điện từ ngày 20/3. Nhưng thông báo tăng giá điện tăng ở mức tăng 8,36% thì tôi tính chỉ phải trả thêm từ vài chục nghìn đồng, cùng lắm là 100.000 đồng mỗi tháng. Trường hợp sử dụng 400 kWh/tháng cũng chỉ phải trả thêm chưa đến 80.000 đồng, nhưng thực tế con số tăng trong tháng 4 này quá bất thường. Hóa đơn tiền điện tôi phải trả kì này gần 2,2 triệu đồng, trong khi kì trước chưa đến 1 triệu đồng. Mùa nóng năm ngoái, tháng nào sử dụng nhiều nhất gia đình tôi cũng chỉ trả 1,2-1,3 triệu", chị Dung ở quận 9 nói.
Trả lời thắc mắc về việc tiền điện kì tháng 4 người tiêu dùng phải đóng tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với các tháng trước, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP HCM, cho biết hóa đơn tiền điện của người dân TP HCM tăng cao bởi nhiều nguyên nhân. Cụ thể là số ngày sử dụng nhiều hơn kì tháng 3 (giữa tháng 2 đến giữa tháng 3), giá điện vừa được điều chỉnh tăng, và đặc biệt lưu ý thời tiết nắng nóng kéo dài tại TP HCM.
Theo nhà đèn, nguyên nhân chính là do nắng nóng kéo dài từ tháng 3, với những ngày nền nhiệt ngoài trời lên đến 40 độ C khiến công suất sử dụng các thiết bị sinh hoạt trong gia đình tăng cao, sản lượng điện tiêu thụ vì vậy tăng theo.
Theo Tổng Công ty Điện lực TP HCM, nguyên nhân tiền điện tăng chủ yếu do nắng nóng kéo dài. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Lượng điện năng được gia đình sử dụng càng nhiều, mức thang tính giá điện càng cao, tương ứng với giá càng cao.
Ngoài ra, tiền điện tăng còn do tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3, với mức tăng trung bình 8,36% trên mỗi kWh điện.
Cụ thể, khung giá tính cho sinh hoạt theo bậc thang như sau:
Bậc 1: từ 0 - 50 kWh, tăng từ 1.549 đồng/kWh lên 1.678 đồng/kWh, tương ứng 8,33%. Bậc 2: từ 51-100 kWh, tăng từ 1.600 đồng/kWh lên 1.734 đồng/kWh, tương ứng 8,38%. Bậc 3: từ 101-200kWh, tăng từ mức 1.858 đồng/kWh lên 2.014 đồng/kWh, tương ứng 8,40%.
Bậc 4: từ 201 - 300kWh, tăng từ mức 2.340 đồng/kWh lên 2.536 đồng/kWh, tương ứng 8,38%. Bậc 5: từ 301 - 400kWh, tăng từ mức 2.615 đồng/kWh lên 2.834 đồng/kWh, tương ứng 8,37%. Bậc 6: từ 401 kWh trở lên, tăng từ 2.701 đồng/kWh lên 2.927 đồng/kWh, tương ứng 8,37%.
Ngoài ra, Tổng Công ty Điện lực TP HCM còn cho rằng hóa đơn tiền điện kì giữa tháng 3 đến giữa 4 cao so với kì trước là vì tháng 2 chỉ có 28 ngày. Nhiều gia đình về quê, đi du lịch dịp Tết Nguyên đán nên số ngày sử dụng điện trong kì tính tiền điện ít hơn.
Nhà đèn còn thông báo, cùng với việc lượng điện năng tiêu thụ của các hộ gia đình TP HCM đang ở mức kỉ lục trong tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, dự kiến số tiền điện kì giữa tháng 4 đến giữa tháng 5 của các gia đình có thể còn cao hơn cả kì ghi điện tháng 4.
Ngoài việc số tiền phải đóng tăng chóng mặt so với trước, các hộ gia đình tại TP HCM cũng hoang mang khi nhận được hoá đơn tiền điện từ nhân viên điện lực nhưng… không có số tiền phải đóng.
Tổng công ty Điện lực TP HCM yêu cầu khách hàng phải tự tra cứu thông tin tiền điện qua các kênh, như cài đặt ứng dụng của công ty, theo dõi trang của công ty trên Zalo, truy cập website hoặc tổng đài.
Đại diện Tổng công ty Điện lực TP HCM giải thích việc không ghi số tiền phải đóng trên hoá đơn tiền điện là do có thay đổi giá bán điện từ ngày 20/3, nên EVN HCMC không thông tin kịp thời số tiền chính xác trên giấy báo tiền điện.
Đại diện điện lực TP HCM cho hay từ ngày 1/5, việc in thông báo chỉ số tiêu thụ điện cũng như tiền điện mới trở lại như trước đây.
Tiêu dùng 07:31 | 19/12/2019
Tiêu dùng 21:01 | 18/12/2019
Tiêu dùng 15:27 | 07/11/2019
Tiêu dùng 06:03 | 05/10/2019
Tiêu dùng 18:12 | 30/05/2019
Kinh doanh 14:02 | 30/05/2019
Kinh doanh 11:54 | 30/05/2019
Kinh doanh 10:27 | 24/05/2019