Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: TN |
Hôm qua (27/10), sau khi nghe tờ trình, thẩm tra Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại tổ.
“Thêm lĩnh vực hành chính nữa, không biết thước đo mênh mông thế nào?”
Dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong ba lĩnh vực: Quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình (ĐBQH Quảng Ngãi) nêu quan điểm, các quyết định hành chính gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường. Nhưng xưa nay, chủ yếu bồi thường trong tư pháp hình sự, oan sai, còn hành chính thì chưa có.
“Tôi cũng theo dõi mấy vụ án oan sai, thực sự mà nói bồi thường kiểu gì cũng bị lên án. Nếu bồi thường đúng quy định của luật, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phải có chứng cứ, phải có giấy tờ xác nhận chi tiêu thì bồi thường không được bao nhiêu như vụ ông Huỳnh Văn Nén. Dư luận đặt câu hỏi: Sao mười mấy năm mà chỉ có bấy nhiêu? Còn vận dụng số tiền bồi thường quá nhiều, cũng sẽ có một luồng dư luận khác lên án, tại sao tiền Nhà nước mất nhiều thế như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn”.
Chánh án TAND Tối cao thở dài: “Tôi nói riêng trong lĩnh vực hình sự đã khó thế rồi, giờ lại thêm lĩnh vực hành chính nữa thì không biết thước đo mênh mông thế nào. Đó là áp lực”.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên), “đã sai, là phải nhận lỗi”, “đã sai oan là phải bồi thường”, đấy là bảo vệ quyền cho công dân, cũng là mục đích hoạt động của Nhà nước. Tuy nhiên, phạm vi trách nhiệm bồi thường thì xem xét, cân nhắc từng bước.
"Một người đi tù oan chỉ cần 1 năm thôi nếu tính triệt để thì không có gì bồi thường được. Cho nên chúng ta cũng thông cảm một bước, mở rộng dần dần. Nhưng cũng không thể vin vào cớ đó để nói rằng, người đi tù mười mấy năm mà bồi thường số tiền rất là nhỏ, mang tính tượng trưng, như thế là không được. Hành chính cũng thế, cứ quyết định nào sai thì bồi thường, hoạt động có chùng lại không? Nên trường hợp nào bồi thường thì cần thảo luận”, bà Nga nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo cơ quan thẩm tra - Ủy ban Pháp luật, việc Dự án Luật giới hạn chỉ trong 3 lĩnh vực là chưa bảo đảm phù hợp với Hiến định và thống nhất với các đạo luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Tố cáo… sẽ dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra không được pháp luật bảo vệ đầy đủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: TN |
“Tránh quýt làm cam chịu”
Dự thảo Luật quy định Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách để kịp thời chi trả, khắc phục tình trạng quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của tòa án về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị thiệt hại phải đợi lâu mới nhận được tiền bồi thường. Đây là một trong những vấn đề nữa được các ĐB quan tâm. Tại diễn đàn Quốc hội cũng từng đặt ra câu chuyện rất nóng rằng, chính là lấy tiền từ dân để bồi thường cho việc làm sai của một số người.
“Trên thế giới một số nước lập ra 1 quỹ, nguồn tiền lấy từ tất cả những khoản thu được do phạm tội mà có, hối lộ, buôn lậu, ma tuý, rửa tiền... và lấy quỹ này để bồi thường, không phải từ tiền thuế của dân. Ở các nước nguồn tiền này là đủ. Đây là câu chuyện nên tham khảo”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Ông Bình đề nghị không nên phân tầng các cơ quan bồi thường ở từng giai đoạn như hiện nay vì rất cồng kềnh, đẻ thêm biên chế. “Các nước họ giao đầu mối Bộ Tư pháp. Có phải lúc nào cũng có oan sai đâu, như ở cấp toà án, 10 năm mới có ông Chấn, 17 năm mới có vụ ông Nén. Giờ lập ra một cơ quan ngồi chờ mười mấy năm không có việc thì nên cân nhắc”.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì cho rằng, cơ quan nào có người làm sai thì phải chịu trách nhiệm, tránh quýt làm cam chịu, người này làm ra nhưng người khác phải chịu trách nhiệm. Cơ quan nào có nhiều người làm sai thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Liên quan đến trách nhiệm hoàn trả, theo ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cần nghiên cứu, cân nhắc quy định hợp lý về mức hoàn trả cụ thể để một mặt bảo đảm tính răn đe, tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ. Mặt khác, không tạo tâm lý e ngại của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý Nhà nước nói chung, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói riêng.
Phó Bí thư Bình Thuận: Phải vận dụng pháp luật tối đa để bồi thường cho ông Nén Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nói về việc bồi thường oan sai cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, Phó Bí thư Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, cơ quan tòa án đã có những bước tính, thỏa thuận bồi thường lần thứ 3 ở mức cũng khá cao. Và đúng là đến lần thương lượng thứ 4, mức bồi thường còn 2,6 tỷ. “Tôi nghĩ, việc tính toán, xác định mức bồi thường cho ông Nén phải căn cứ quy định của pháp luật. Mức bồi thường thương lượng lần thứ 3 so với lần thứ 4 có mức chênh lệch khá lớn như vậy có thể do vận dụng pháp luật không chuẩn, không bảo đảm nên đã khi rà soát lại mức bồi thường giảm xuống. Những điều này đều phải có căn cứ pháp luật”. Thế nhưng, ông Nén đi tù 17 năm thì làm sao có thể có đủ hóa đơn, chứng từ để chứng minh được thiệt hại? theo ông Huỳnh Thanh Cảnh, cơ quan chức năng phải có sự vận dụng tối đa để bồi thường. “Tòa án với trách nhiệm cơ quan làm oan sai phải có trách nhiệm rà soát lại thật kỹ vận dụng tối đa để bồi thường thỏa đáng nhất, cao nhất cho ông Nén. Nhưng tôi cũng đã nói phải căn cứ quy định của pháp luật. Vận dụng tối đa cũng phải theo quy định của pháp luật”. |