Trang Business Insider cho rằng: "Cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến hàng triệu người Mỹ mất nguồn thu nhập, nhưng túi tiền của Eric Nguyên thì dày lên nhanh chóng. Eric Nguyên là người sáng lập ứng dụng hội nghị trực tuyến Zoom.
Chỉ một năm sau khi gia nhập Câu lạc bộ "Ba dấu phẩy", tên ấn phẩm thường niên hàng năm của Forbes, với nội dung nói về những người giàu có bậc nhất thế giới, Nguyên đã tích lũy được khối tài sản trị giá hơn 7,5 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index .
Eric Nguyên, 49 tuổi, là một trong số ít người Mỹ gốc Hoa điều hành một công ty lớn ở Thung lũng Silicon. Nguyên sinh ra ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, cha mẹ làm kĩ sư về ngành khai thác.
Nguyên có bằng đại học về toán ứng dụng và thạc sĩ kĩ thuật. Ông đã dành bốn năm làm việc tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp, nhưng được truyền cảm hứng chuyển đến Thung lũng Silicon của California, để làm việc cho một công ty khởi nghiệp internet, sau khi nghe Bill Gates phát biểu về bong bóng dot-com.
Ông đã từng bị Mỹ từ chối thị thực đến 8 lần, nhưng người đàn ông này vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ làm việc tại Thung lũng Silcon. Ông làm việc trong lĩnh vực hội nghị trực tuyến kể từ khi đến Mỹ vào năm 1997.
Tỉ phú này không giỏi tiếng Anh khi lần đầu tiên đến xứ người. Vì vậy, ông ấy đã tập trung vào công việc để bận rộn. "Trong vài năm đầu tiên, tôi chỉ viết code và tôi đã rất bận rộn", ông từng chia sẻ trên CNBC. Chơi bóng đá pick-up là một trong những sở thích duy nhất của Eric Nguyên thời gian đó.
Trước khi thành lập Zoom, Nguyên là Phó chủ tịch của công ty thiết bị viễn thông Cisco Systems. Ông làm việc cho một công ty hội nghị trực tuyến khác có tên WebEx, được Cisco mua lại vào năm 2007.
Nguyên nảy ra ý tưởng với Zoom trong khi cố gắng tìm cách kết nối với bạn gái ở xa của mình. Khi còn sống ở Trung Quốc, Nguyên và bạn gái của ông đã ghi danh vào hai trường đại học khác nhau, cách nhau 10 giờ đi tàu. Về sau, hai người kết hôn.
"Tôi chỉ có thể nhìn thấy cô ấy hai lần một năm, và phải mất hơn 10 giờ để đến đó bằng tàu hỏa", Eric Nguyên nói với Forbes trong một buổi phỏng vấn vào năm 2017.
"Tôi khi đó còn trẻ, 18 hoặc 19 tuổi, và tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu trong tương lai có một công cụ, mà tôi chỉ cần nhấp vào nút là có thể nhìn thấy và nói chuyện với cô ấy", ông nói.
Điều này đã tiếp cho Nguyên ý tưởng kết hợp video vào các hệ thống hội nghị, dựa trên điện thoại như của Cisco. Ông muốn tạo ra một hệ thống hội nghị thân thiện hơn với người dùng, rất thú vị khi sử dụng. Và Zoom được biết đến với hình nền ảo, cho phép người dùng làm như thể họ đang ở trên bãi biển hoặc trước cầu Golden Gate.
Ông chủ Zoom ban đầu khá chật vật để tìm cách hỗ trợ cho nền tảng của mình. Nguyên đã giới thiệu cho Cisco một hệ thống hội nghị trực tuyến mới, thân thiện với điện thoại thông minh vào năm 2011, nhưng nhận về thái độ không hài lòng.
Nguyên rời khỏi Cisco để "toàn tâm toàn ý" cho Zoom.
"Cisco đã tập trung hơn vào mạng xã hội, cố gắng tạo ra một doanh-nghiệp-Facebook. Cisco đã phạm sai lầm. Ba năm sau khi tôi rời đi, họ nhận ra những gì tôi nói là đúng", Eric Nguyên chia sẻ với Forbes
Ông cũng không thể thuyết phục bất kì nhà đầu tư nào ủng hộ liên doanh mới của mình, vì vậy ông đã vay tiền từ bạn bè và gia đình để ra mắt Zoom. "Họ nghĩ rằng thị trường đang rất đông đúc, cuộc chơi đã kết thúc", ông nói với tờ Financial Times .
Vợ của ông ban đầu cũng khuyên nhủ về quyết định rời khỏi Cisco. "Tôi nói với cô ấy: 'Anh biết đó là một hành trình dài và rất vất vả, nhưng nếu không thử, anh sẽ hối hận'", ông kể lại.
Trong những ngày đầu của Zoom, cựu kĩ sư đã tham gia vào mọi hoạt động kinh doanh - bao gồm cả dịch vụ khách hàng.
"Trong giai đoạn đầu của Zoom, cá nhân tôi đã gửi email cho mọi khách hàng đã hủy dịch vụ của chúng tôi. Một khách hàng đã trả lời và cáo buộc tôi gửi email tự động. Anh ấy nói Zoom là một công ty không trung thực!
Tôi đã phản hồi rằng email thực sự là của tôi, và nó không được tạo ra bởi một trong những công cụ tiếp thị của chúng tôi. Anh ấy vẫn không tin tôi. Vì vậy, tôi tiếp tục phản hồi và đề nghị gặp anh ấy trong một cuộc gọi Zoom ngay lúc đó, để chứng minh rằng đó là tôi đang viết email". Eric Nguyên kể lại giai đoạn gian truân của mình trong một cuộc phỏng vấn với Thrive Global vào năm 2017.
Eric Nguyên cực kì nổi tiếng với nhân viên của Zoom. Ông có tỉ lệ phê duyệt 99% từ các nhân viên trên trang web đánh giá nơi làm việc Glassdoor. Glassdoor đã đặt tên Nguyên là CEO của công ty lớn trong năm 2018. Ông sống theo phương châm "làm việc chăm chỉ và khiêm tốn".
Thời gian qua đi, đến ngày Eric Nguyên trở thành tỉ phú sau đợt IPO của Zoom vào tháng 4/2019. Zoom trở thành một trong những vụ IPO thành công nhất trong năm, khiến công ty có giá trị cao hơn cả Lyft và Pinterest, theo The Financial Times.
Forbes đưa tin, giá cổ phiếu của Zoom đã tăng 72% chỉ trong ngày đầu tiên giao dịch.
Theo The Financial Times, công ty hiện trị giá 35 tỉ USD. Zoom có hơn 30.000 khách hàng doanh nghiệp, bao gồm Samsung, Uber, Walmart và Capital One. Ông chủ Zoom đã có thêm hơn 4 tỉ USD vào tài sản ròng của mình trong 3 tháng qua, bắt đầu từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Việc sử dụng Zoom đã tăng 1.900% kể từ tháng 12/2019, khi các trường học và nơi làm việc ở Trung Quốc chuyển sang trực tuyến trong giai đoạn cách li xã hội. Giá trị của cổ phiếu Zoom tăng hơn gấp đôi trong 3 tháng qua, cũng khiến giá trị tài sản của Eric Nguyên tăng lên.
Theo Bloomberg Billionaires Index, phần lớn khối tài sản trị giá 7,57 tỉ USD của ông bắt nguồn từ 19% cổ phần trong Zoom.
Eric Nguyên đang xếp thứ 192 trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới của Bloomberg. Trước năm 2020, ông thậm chí không có tên trong danh sách.
Tuy nhiên, công việc lấy cảm hứng từ đại dịch không hoàn toàn thuận lợi cho Zoom. Càng ngày Zoom càng chịu sự giám sát gia tăng từ văn phòng Tổng chưởng lí New York, về thực tiễn bảo mật dữ liệu. Tổng chưởng lí Letitia James đã gửi cho Zoom một công điện, để hỏi liệu nền tảng này có thực hiện bất kì giao thức bảo mật bổ sung nào, trong bối cảnh lưu lượng truy cập bùng phát hay không.
Các cuộc gọi Zoom công khai ghi nhận ngày càng nhiều kẻ lạ tham gia. Các lớp học trực tuyến còn phải đối mặt với tình trạng một người lạ nhảy vào chiếm quyền điều khiển. Zoom đã giới thiệu một tính năng cho phép các máy chủ cuộc họp sàng lọc mọi người trước khi cho phép họ tham gia cuộc họp, để cắt giảm sự gián đoạn.
Eric Nguyên đã xin lỗi về các vấn đề bê bối bảo mật này trong một bài đăng trên blog. Ông viết: "Chúng tôi không thiết kế sản phẩm với tầm nhìn xa, rằng trong vài tuần, mọi người trên thế giới sẽ đột nhiên làm việc, học tập và giao tiếp tại nhà. Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đã thiếu đi sự kì vọng của cộng đồng và chính chúng tôi, về sự riêng tư và bảo mật. Vì vậy, tôi vô cùng xin lỗi và tôi muốn chia sẻ những gì chúng tôi đang làm về nó".
Mặc dù lịch trình bận rộn, Eric Nguyên vẫn là một người cha tận tâm. Ông đã tham dự rất nhiều trận bóng rổ của con trai lớn. Huấn luyện viên của con trai ông xác nhận với CNBC: "Trong đội gồm 15 đứa trẻ, Eric là phụ huynh tham gia nhiều nhất từ ngày đầu tiên. Rất nhiều CEO và nhà sáng lập hầu như không có thời gian đi chơi với con cái. Nhưng ông bố này không chỉ tham dự các trận đấu, mà còn cùng con luyện tập".
CEO này sống ở Saratoga, California. Cặp vợ chồng có hai con trai và một con gái. Đây là một trong những nơi giàu nhất ở Thung lũng Silicon, theo Business Insider.
Eric Nguyên gần như không bao giờ đi du lịch. Ông hiện sử dụng Zoom cho hầu hết các cuộc họp của mình, và cố gắng giới hạn các chuyến công tác trong hai năm một lần, để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, theo The Financial Times.
CEO này chỉ có 8 chuyến công tác trong 5 năm trước khi IPO của Zoom vào năm 2019, theo Forbes.
Không giống như các thành viên khác của Câu lạc bộ "Ba dấu phẩy", Eric Nguyên không sống một lối sống hào nhoáng. Ông lái chiếc Tesla, và Tesla là một trong những khách hàng của Zoom.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph, Eric Nguyên nói rằng sự giàu có gần đây không đặc biệt kích thích đối với ông. Điều ông rất háo hức muốn xem là một sự thay đổi vĩnh viễn trong cách nhân loại làm việc.
"Nếu tôi 25 tuổi, có lẽ tôi sẽ rất phấn khích. Nhưng giờ thì những điều đó không ảnh hưởng đến tôi. Tiền sẽ không mang lại cho tôi hạnh phúc", ông nói.
Ông nói mình chỉ phấn khích hơn nếu thuyết phục được nhiều người hơn chọn cách thực hiện công việc từ xa.
"Thế hệ Millennials (sinh từ những năm 90 đến năm 2000) lớn lên, nhận ra rằng họ có thể hoàn thành công việc mà không cần phải đến văn phòng. Có thể 10 năm hay nhiều năm nữa, thế hệ này mới trở thành những người lãnh đạo, và sau đó làm việc từ xa sẽ trở nên rất phổ biến.
Corona chỉ là chất xúc tác. Sớm hay muộn điều này sẽ trở nên bình thường vì thế giới không còn thuộc về chúng ta nữa, nó thuộc về thế hệ trẻ", Eric Nguyên khẳng định.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020