Tại sao không nên áp dụng thưởng phạt trong giáo dục trẻ? |
Rất nhiều cha mẹ cho rằng thưởng phạt là cần thiết trong quá trình giáo dục. Họ cho rằng phạt là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa hành vi và để thể hiện nguyên tắc/giá trị của cha mẹ, và tương tự, thưởng tạo nên động lực.
Những tai hại của thưởng phạt trong giáo dục trẻ
1. Thưởng tạo nên hệ thống giá trị giả. Đứa trẻ sẽ thực hiện hành vi để đạt tới cái có lợi cho nó, mà không hiểu sự cần thiết và lý do của hành vi.
2. Phạt gây tổn thương cho đứa trẻ, khiến nó sợ hãi, phá hủy lòng tự trọng và niềm tin của đứa trẻ vào cha mẹ, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ cha mẹ-con cái. Phạt bao gồm cả những lời lẽ gây tổn thương, nặng nề, xúc phạm, chì chiết, phán xét, bạo lực thể chất từ nhẹ tới nặng, cách ly khỏi cha mẹ và xung quanh, nhốt vào phòng, lấy đi những thứ đứa trẻ thích, cấm nó làm việc gì nó thích chỉ vì lỗi lầm của nó,…
3. Đứa trẻ sẽ bị lệ thuộc vào thưởng và phạt cũng như người lớn để quyết định xem nó nên làm gì. Nó khó phát triển được khả năng tự suy nghĩ, đánh giá xem tại sao mình cần làm gì cũng như khả năng tự xem xét bản thân, linh hoạt đánh giá từng tình huống để điều chỉnh hành vi. Thưởng phạt tạo nên một công thức máy móc; đứa trẻ cũng thường thực hiện hành vi ở mức tối thiểu để đạt được cái nó muốn hoặc tránh được cái nó sợ.
4. Thưởng phạt không tạo ra hành vi bền vững. Mất thưởng, mất phạt, hành vi của đứa trẻ sẽ quay về chỗ cũ. Hoặc đứa trẻ sẽ lén lút sau lưng bố mẹ để làm thứ bố mẹ cấm đoán.
5. Thưởng phạt lấy đi của đứa trẻ cơ hội để nó tự nỗ lực và hạnh phúc trong quá trình. Hãy nhìn một đứa trẻ quét nhà, tưới cây, phơi quần áo, rửa bát,… vì nó thích việc ấy. (Ồ, không phải đứa trẻ trong tưởng tượng, đó là con tôi và đó cũng là những đứa trẻ được lớn lên trong môi trường không thưởng phạt và được cha mẹ tôn trọng.)
Nó hăng say lắm. Nó vui từ đầu đến cuối quá trình. Đó chính là phần thưởng cao nhất. Mong muốn của nó được làm điều ấy chính là động lực cao nhất. Khi được hứa hẹn phần thưởng, đứa trẻ sẽ chỉ còn làm cho xong. Nó bị vướng bận bởi ý nghĩ về phần thưởng. Nó không còn vui nữa. Hạnh phúc của nó đã bị lệ thuộc vào những gì ở bên ngoài.
6. Đứa trẻ thực hiện hành vi để chiều lòng người lớn. Bản thân nó có thể chẳng cảm thấy gì cả. Ý thức trách nhiệm sẽ phát triển ra sao nếu một hành vi chỉ là lấy lòng người khác?
Không thưởng không phạt, vậy làm gì?
Nhiều cha mẹ bị hấp dẫn bởi thưởng phạt bởi họ cũng đã từng được giáo dục theo cách như thế. Họ tin tưởng rằng không có cách nào khác. Và hơn thế nữa, họ cũng rất đồng tình với nó bởi thưởng phạt đem lại một kết quả nhanh bất ngờ. Từ một đứa trẻ không chịu làm gì hết, khi được thưởng hoặc bị dọa phạt, hành vi sẽ thay đổi tức khắc. Khi ấy, người lớn tưởng họ đã thành công.
Có quá nhiều người lớn vẫn nói: “Phải làm cho nó sợ. Không biết sợ ai thì nguy hiểm!” Song bất kỳ một thay đổi nào diễn ra nhanh chóng như thế hoặc hành vi thực hiện do sợ sệt đều là những dấu hiệu vô cùng đáng lo ngại. Giáo dục đích thực không bao giờ có đường tắt, và luôn diễn ra chầm chậm như nước nhỏ giọt; kết quả tính theo hàng tháng, hàng năm. Nếu không ăn mì ăn liền hàng ngày mà trông chờ có được sức khỏe tốt, thì đừng áp dụng thưởng phạt nếu muốn có một đứa trẻ tự giác và có trách nhiệm.
Vậy, nếu không thưởng phạt, thì cha mẹ làm gì?
Tôi xin làm rõ rằng chúng ta vẫn cần phải thể hiện rõ thái độ của chúng ta trước các hành vi của con cái, để qua đó chúng xác định được hành vi nào là nên làm, hành vi nào là không tốt, và tại sao lại như thế. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta phải làm tổn thương con. Cha mẹ nên thừa nhận rằng nếu chúng ta đang nhận xét về con mà làm tổn thương con, thì đó là do khả năng điều tiết cảm xúc và kiềm chế hành vi chưa tốt, chứ không phải là do con hư. Tuyệt đối không biện minh “Mày mà không hư thì tao mắng làm gì?”
Tôi xin đưa ra đây các điểm quan trọng về cách thức thay thế:
1. Quan sát và hiểu
Luôn luôn quan sát con để biết được hành vi của con và TẠI SAO con làm như thế. Nếu không có quá trình quan sát, thì cha mẹ không thể hiểu được nguyên nhân gì khiến con hành xử theo một cách nào đó. Nguyên nhân gì dẫn đến hành vi quan trọng hơn rất nhiều việc đó là hành vi gì. Cha mẹ thường quá chú trọng vào những gì diễn ra bên ngoài, nhưng thiếu khả năng nhìn sâu hơn để thấy được nguyên do sâu xa. Ví dụ: Một đứa trẻ hay cấu véo em; cha mẹ nó cho rằng nó hư, nên lúc thì khuyên bảo, lúc thì mắng, thậm chí đánh, nhưng nó vẫn không ngừng. Cha mẹ không hiểu rằng nó cấu véo em hóa ra là để lôi kéo sự chú ý của cha mẹ, vì họ đã quá quan tâm tới đứa nhỏ và quên không dành thời gian cho nó.
Nếu không quan sát để hiểu được nguyên do của hành vi, thì cha mẹ KHÔNG THỂ giúp được đứa trẻ.
Có những cha mẹ khi thấy con nhỏ có hành vi không đúng, bèn đưa ra một loạt câu hỏi: “Con làm sao thế? Tại sao con lại làm thế? Con nghĩ gì thế? Nói xem nào.” Đứa trẻ làm sao mà trả lời được nếu cha mẹ không diễn đạt lại cho nó để dần dần nó học được cách thể hiện? Một số cha mẹ kiểu này phàn nàn: “Hỏi mà nó không nói. Lười nói!”
2. Ghi nhận đúng lúc
Nếu con có hành vi tốt, cho thấy sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm, giúp đỡ, quan tâm đến mọi người,… hãy ghi nhận ngay. Tránh nói “Con của mẹ giỏi quá!” mà hãy mô tả cụ thể cho con biết là con đã làm được gì tốt, ví dụ như: “Mẹ rất vui vì con biết giúp mẹ sắp xếp bát đũa.” Mỗi một lần được ghi nhận, con sẽ càng muốn lặp lại hành vi vào lần sau.
Nhiều cha mẹ vội vàng chỉ trích, nêu ra khuyết điểm nhưng hầu như không nói với đứa trẻ nó đã làm gì tốt. Họ chỉ thầm lặng giữ nó ở trong lòng, hoặc tệ hơn là hoàn toàn không để ý.
3. Phản hồi đúng cách
Khi đứa trẻ có hành vi không đúng, hãy nói rõ ràng với nó ngay: “Bố mẹ không đồng ý với việc con làm. Khi con làm việc đó, hậu quả là…. Con nên….” Các cha mẹ thường lý lẽ “Nhưng nói như thế không đủ để tác động tới nó.” Thật sao? Thế nào là tác động? Là khiến con phát khóc? Có những cha mẹ khi nói một lần thấy con chưa có biểu hiện gì thì tiếp tục nói tiếp với lời lẽ nặng hơn, và chỉ dừng lại khi con đã phát khóc.
Đứa trẻ luôn có mong muốn làm hài lòng những người lớn gần gũi với nó, trong đó có cha mẹ. Chỉ riêng sự không đồng ý của cha mẹ đã đủ để ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức của nó về hành vi. Hãy nêu cụ thể điều mà đứa trẻ làm không đúng, giải thích ngắn gọn lý do, và chỉ cho nó hành vi mà nó nên làm. Tuyệt đối không tấn công con người của con hay dán nhãn như “Con hư, ương bướng, hỗn, láo, vớ vẩn, không biết nghe, lì lợm,…”
Và các cha mẹ sẽ nói thêm “Nhưng nói rồi mà nó vẫn tiếp tục?” Hành vi đúng của đứa trẻ mất nhiều thời gian để hình thành. Không thể một sớm một chiều. Mong đợi thay đổi ngay lập tức là không thực tế một chút nào.
4. Ngăn chặn kịp thời
Trẻ nhỏ dưới 5 có những lúc không kiềm chế được hành vi, đặc biệt là các trẻ 2-3. Các hành vi như đánh nhau, tranh giành, cắn bạn,… đều phổ biến. Đây là giai đoạn nhất thời khi nhận thức của trẻ chưa đủ phát triển, chưa có ý thức về cảm xúc, chưa đủ ngôn ngữ để diễn đạt cái mình muốn đòi hỏi cha mẹ phải quan sát, can thiệp đúng lúc.
Trong các trường hợp trẻ khóc lóc vì bị ngăn cản, hãy để cho trẻ khóc để giải tỏa cảm xúc. Sau đó, hẵng giải thích ngắn gọn. Với trẻ 1-3 tuổi, chỉ cần nói ngắn gọn: “Con không được đánh bạn. Đánh bạn đau.” Càng cô đọng, càng hiệu quả. Đừng giải thích quá nhiều, và tránh giải thích lúc trẻ đang khóc lóc, giận dữ.
5. Thảo luận cùng con
Tùy từng trẻ và tùy từng độ tuổi, chủ yếu là 3-4 tuổi trở lên, cha mẹ phải học cách thảo luận cùng con để giúp con hiểu về hành vi của con, hậu quả của từng hành vi nếu có, và các hành vi thay thế trong từng tình huống. Hãy nghe con, và để con được nói. Hãy chọn lúc con thoải mái, không đang mải mê làm gì, và đặt câu hỏi cho con về hành vi không đúng của con, ví dụ: “Mẹ thấy con đã làm điều B. Tại sao con làm vậy? Mình làm thế có được không nhỉ? Người khác sẽ cảm thấy thế nào? Liệu con là người đó, mà con bị như vậy, con có thích không? Lần sau, mình nên làm gì nhỉ?”
Mục đích là để cởi mở thảo luận, để cả hai bên cùng hiểu nhau, giúp con tự đánh giá được hành vi, chứ không phải là để làm con xấu hổ. Tuyệt đối không bắt con nhận rằng mình sai. Một cách thức có vẻ khá phổ biến mà nhiều cha mẹ và cô giáo mầm non áp dụng là bắt trẻ nhận rằng chúng sai, ví dụ như “Ai sai? Con đúng hay con sai?” Nếu chỉ dán nhãn “đúng” hay “sai” và bắt chúng xin lỗi, trẻ sẽ chỉ cảm thấy bị hạ thấp, tủi nhục, không học được cách đánh giá hành vi cũng như không học được cách đưa ra giải pháp thay thế.
Trong các trường hợp chuẩn bị tới chỗ lạ, hãy mô tả tình huống có thể gặp phải trước với trẻ, thảo luận cùng chúng xem chúng nên làm gì, và nêu các mong đợi cụ thể của bạn. Ví dụ: “Hôm nay mình sẽ tới chỗ đó có rất đông người. Mẹ biết con không thích đông người lắm. Nhưng có sân, con có thể ra sân chơi,…” Trẻ càng có sự chuẩn bị tốt và biết chúng cần làm gì thì chúng sẽ đỡ phản ứng mạnh và gây rắc rối.
6. Khen và chê đúng chỗ, đúng người
Hãy kể cho các thành viên khác xem con đã làm được gì tốt khi có mặt con. Khi chê con, đừng công khai kể cho gia đình hay với những người lớn khác khi có mặt trẻ. Tốt nhất là nếu bạn không thích bị nói xấu sau lưng, thì đừng chọn nói xấu trẻ sau lưng chúng. Khi nhận xét về hành vi không đúng, chỉ nói chuyện riêng với con.
Trẻ em không cần thưởng phạt. Không có thưởng phạt, khi trẻ được hướng dẫn, được cha mẹ phản hồi đúng cách, được ghi nhận, bị chê nhưng hoàn toàn vẫn được tôn trọng và lắng nghe, chúng sẽ có một nền tảng nhận thức đúng đắn, vững vàng, để xây dựng những thói quen và hành vi tích cực.
XEM THÊM
Trẻ nghịch ngợm, ném đồ đạc, đánh người khác: Xử trí ra sao? | |
Hãy để con được khóc và tự đối mặt với cảm xúc của con | |
Phải làm gì với con? |
Đặng Nam Phương
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Lối sống 07:57 | 15/03/2019
Lối sống 09:53 | 10/08/2018
Lối sống 07:18 | 10/08/2018
Lối sống 22:00 | 09/08/2018
Lối sống 03:12 | 09/08/2018
Lối sống 22:00 | 08/08/2018
Lối sống 11:00 | 08/08/2018
Lối sống 23:00 | 29/07/2018