Nước mắm truyền thống muốn làm rõ công bố hàm lượng asen
Thông tin trên báo Tri Thức Trực Tuyến, cho rằng thông tin của Vinastas gây thiệt hại ngành hàng, các hiệp hội nước mắm truyền thống muốn cơ quan chức năng làm rõ, yêu cầu Vinastas đính chính và bồi thường.
Hơn 30 doanh nghiệp, hiệp hội nước mắm truyền thống đã nhóm họp cùng Hiệp hội thủy sản Việt Nam để bàn về hàm lượng asen trong nước mắm được công bố gây thiệt hại cho họ.
Đây là lần đầu tiên các hiệp hội doanh nghiệp nước mắm truyền thống ngồi lại với nhau để chống chọi với cơn bão thông tin đang tấn công họ những ngày vừa qua.
Các vấn đề bàn thảo tập trung sâu vào hàm lượng asen có trong nước mắm vì thông tin đại chúng vẫn chưa rõ ràng về hàm lượng này.
Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, cho biết hiệp hội này đang cân nhắc việc kiến nghị các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và có thể là Bộ Công an làm rõ thông tin nước mắm chứa asen vượt ngưỡng.
Thực tế asen hữu cơ không gây hại vì nằm trong con cá, còn asen vô cơ không có trong nước mắm. Hiệp hội sẽ kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ hai hoạt chất này.
|
Ông Tiến chỉ rõ, quy trình sản xuất nước mắm truyền thống chỉ có nguyên liệu cơ bản là nước, muối, cá lên men khoảng 8 – 10 tháng. Asen chứa nhiều trong cá nguyên liệu thì tất nhiên phải có trong nước mắm. Nếu nước mắm không có asen thì không phải làm từ cá.
“Mỗi người chỉ sử dụng tối đa 10ml nước mắm mỗi ngày thì hàm lượng asen hữu cơ này là không tác động đáng kể. Nếu nói asen hữu cơ trong nước mắm là có hại thì việc sử dụng hàng ký cá mỗi ngày còn độc hại gấp nhiều lần. Theo tôi cần có quy định rõ nước mắm thì phải có 10 độ đạm trở lên, còn lại thì nên gọi là nước chấm”, ông Tiến kiến nghị.
Trao đổi với báo Giao thông, TS. Nguyễn Tử Cương, chuyên viên cao cấp quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, nhấn mạnh: Dù nước mắm cổ truyền hay sản xuất theo quy trình hiện đại đều phải dùng nguyên lý cơ bản: Cá được ướp muối và lên men dưới nền nhiệt độ thích hợp. “Nước mắm phải là sản phẩm thủy phân từ cá, nếu không phải từ cá thì không thể gọi là nước mắm”, ông Cương nói. Tuy nhiên, ông Cương cho rằng, hiện nay nhiều loại nước chấm vô tư gắn lên mình mác “nước mắm” đánh lừa người tiêu dùng. “Người ta chế hương nước mắm, thêm chất chống thối, đường, bột điều vị... khi ăn có vị ngọt lừ nhờ mì chính. Đây là hành vi làm hàng giả gắn mác nước mắm, đánh lừa người tiêu dùng, phải bị xử phạt như tội làm hàng giả mới xác đáng!”, vị chuyên gia bức xúc.
Ngoài ra, theo ông Cương, người tiêu dùng hiện nay còn bị các thương hiệu nước mắm “phỉnh lừa” với lời quảng cáo “nổ” về độ đạm siêu cao, có khi lên tới 50 - 60 độ đạm. “Với mẻ nước mắm đầu tiên, chất lắm cũng chỉ lên tới 35 độ đạm, thông thường người ta phải pha với các đợt rút sau để độ đạm đều và ngon hơn”, ông Cương cho biết.
Nên minh bạch nước mắm, nước chấm
Thông tin trên báo Tuổi trẻ cách đây không lâu, theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách khoa), nếu không rạch ròi khái niệm “nước mắm” và “nước chấm” để có chuẩn mực phân biệt thì chính cơ quan quản lý cũng phải bất lực.
Đáng chú ý, quy chuẩn nước mắm được xây dựng năm 2012 cũng nhấn mạnh chỉ áp dụng đối với sản phẩm được sản xuất bằng phương pháp lên men từ cá và muối. “Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, những thứ nước chấm được sản xuất bằng cách mua mắm cốt về để pha chế, kèm thêm chất tạo ngọt, phụ gia và các chất bảo quản khác... được gọi là gì?”, ông Thịnh đặt câu hỏi và nhấn mạnh: “Trong thương mại, cần có khái niệm rõ ràng, không thể đánh lận con đen!”.
|
Theo ông Thịnh, để đánh giá xác minh phân biệt giữa nước mắm - nước chấm cần có tiêu chí xác đáng. “Nếu chỉ dựa vào độ đạm để đánh giá thì là điều sai lầm bởi các nhà sản xuất nước chấm cũng có rất nhiều cách tăng giả độ đạm trong sản phẩm của mình”.
Thông tin trên VTV, theo Chánh Thanh tra Bộ Y tế và các chuyên gia về lĩnh vực an toàn thực phẩm, nước mắm là sản phẩm chế biến từ cá và muối biển. Những sản phẩm không được sản xuất từ cá và muối theo quy trình truyền thống, mà thành phần chỉ được pha chế từ hương liệu và các hóa chất tạo vị với nước thì không được gọi là nước mắm mà chỉ nên đặt tên là nước chấm.
Thống kê sơ bộ, mỗi năm cả nước tiêu thụ trên 200 triệu lít nhưng có đến 75% trong số này là nước mắm pha chế công nghiệp hương vị nước mắm hay còn gọi là nước chấm. Nếu không rạch ròi khái niệm nước mắm và nước chấm để có chuẩn mực phân biệt thì chính cơ quan quản lý trong quá trình thanh, kiểm tra cũng gặp khó khăn.
An Yên (Tổng hợp)