'Ngấm đòn' Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn liên tục đón dòng tiền từ kênh trái phiếu

Trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thời gian gần đây, nhiều dự án nghỉ dưỡng vẫn được các nhóm doanh nghiệp như Tân Hoàng Minh, TNG Holdings hay MIKGroup,... tích cực gọi vốn.
'Ngấm đòn' đại dịch, BĐS nghỉ dưỡng vẫn liên tục đón dòng tiền từ kênh trái phiếu - Ảnh 1.

Khung cảnh vắng vẻ tại một dự án nghỉ dưỡng ở TP Phan Thiết, Bình Thuận. (Ảnh: Hoàng Huy).

BĐS nghỉ dưỡng "ngấm đòn" đại dịch

Từ cuối tháng 4 đến nay, cả nước vẫn đang phải chống chọi với làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng,... và nhiều địa phương lần lượt rơi vào trạng thái giãn cách xã hội dài hạn. 

Trong bối cảnh đó, ngành du lịch, dịch vụ đang thực sự chịu ảnh hưởng nặng nề. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 105.000 lượt người, giảm hơn 97% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thực trạng này đồng thời kéo theo những tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng.

Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong tháng 8, phân khúc biệt thự biển ghi nhận hai dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 47 sản phẩm, tương đương 26% so với tháng trước (179 căn), chủ yếu tập trung ở Khánh Hòa và Phú Yên. Trong đó, tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới chỉ đạt 6% (ba sản phẩm).

Đối với shophouse biển, trong tháng 8 chỉ có một dự án mở bán, cung cấp mới 34 sản phẩm, trong đó tỷ lệ tiêu thụ cũng ở mức thấp, khoảng 12% (4 sản phẩm). Nhiều dự án phải tạm ngừng triển khai, khóa giỏ hàng chờ qua dịch.

Phân khúc Condotel thậm chí rơi vào trạng thái "ngủ đông" khi hai tháng liên tiếp không ghi nhận nguồn cung mới, sức cầu chung toàn thị trường cũng rất thấp. DKRA cho biết đây là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19.

Với phân khúc khách sạn, báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy trong những tháng qua, thị trường chứng kiến hàng trăm khách sạn lớn nhỏ được rao bán do làn sóng dịch bệnh.

Sẽ hồi phục chậm

'Ngấm đòn' Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn liên tục đón dòng tiền từ kênh trái phiếu - Ảnh 2.

Cung đường ven biển Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. (Ảnh: Khải An).

Mặc dù đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, song theo các đơn vị thị trường, BĐS nghỉ duỡng được dự báo sẽ phục hồi trong thời gian tới.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết trước dịch, ngành du lịch Việt Nam luôn ở trong trạng thái cao điểm. Các khu nghỉ dưỡng và khách sạn mới được khai trương hàng loạt, các hãng hàng không bùng nổ, BĐS nghỉ dưỡng là loại hình tài sản được giới đầu tư yêu thích.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam có thế mạnh là tập trung rất tốt vào nhóm đối tượng khách du lịch trong nước, thay vì phụ thuộc vào khách quốc tế như Thái Lan, Singapore, Philippines... 

"Thị trường du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại. Thời gian qua, việc dự trữ tài chính sẽ giúp người dân sẵn sàng cho nhu cầu mua sắm, du lịch ngay khi dịch bệnh kết thúc", ông Troy Griffiths khẳng định.

Về phía DKRA , đơn vị này dự báo, trong những tháng cuối năm, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, biệt thự biển và shophouse biển được dự báo sẽ hồi phục ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Bình Thuận. Condotel cũng có thể dần hồi phục nhưng khó có sự đột phá về sức cầu.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam tỏ ra thận trọng: "Khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi, bất kỳ phân khúc BĐS nào cũng rất tiềm năng. Tuy nhiên, BĐS nghỉ dưỡng cần thêm độ trễ về thời gian chứ chưa thể phục hồi mạnh mẽ như BĐS nhà ở hay BĐS công nghiệp". 

Dòng vốn vẫn đều đặn chảy về

Không chỉ các đơn vị thị trường, các doanh nghiệp dường như cũng nhìn nhận được tiềm năng lâu dài của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Có thể thấy rõ điều này khi các dự án nghỉ dưỡng không ngừng được gọi vốn thông qua kênh trái phiếu trong nhiều tháng gần đây, với giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. 

Vào tháng 3, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Phước Long đã chào bán thành công lô trái phiếu 650 tỷ đồng với kỳ hạn 60 tháng. Số tiền này được Phước Long đặt cọc nhận chuyển nhượng một phần khu du lịch Crowne Plaza Phú Quốc Starbay tại Phú Quốc, Kiên Giang do CTCP Starbay Việt Nam làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của người viết, Phước Long là công ty con của Công ty TNHH Bất động sản Thạch Bàn Lakeside, một doanh nghiệp liên quan MIKGroup.

Đến tháng 4, Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm, công ty con của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (Mã chứng khoán: KPF) đã phát hành 641 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 36 tháng. Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được Cam Lâm sử dụng để đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Prime Cam Ranh Bay Hotel & Resort giai đoạn 2.

Cam Ranh Bay Hotel & Resort có quy mô hơn 13 ha, nằm tại lô D14C, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa với 696 căn hộ và 175 căn biệt thự.

Một ông lớn có tiếng trong lĩnh vực khách sạn tại Nghệ An là CTCP Thương mại Vinh - Plaza cũng tích cực gọi vốn cho Khu du lịch sinh thái Thác Bạc Long Cung. Vào tháng 3 và tháng 5, doạnh nghiệp này đã huy động tổng cộng 527 tỷ đồng.

Khu du lịch sinh thái Thác Bạc Long Cung nằm tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình). Dự án này cách TP Hòa Bình hơn 20 km, cách Hà Nội 70 km, chủ đầu tư là CTCP Đại Lâm.

Tại huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, hồi tháng 6, CTCP Marina Mekong đã huy động 450 tỷ đồng để đầu tư vào Khu du lịch Ngân Hiệp - Hồ Tràm do CTCP Địa ốc Ngân Hiệp làm chủ đầu tư.

Địa ốc Ngân Hiệp được biết đến là công ty con của CTCP Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland, Mã chứng khoán: NVL). Khu du lịch của Ngân Hiệp đồng thời là một phần của dự án NovaWorld Ho Tram, theo giới thiệu của Novaland.

'Ngấm đòn' Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn liên tục đón dòng tiền từ kênh trái phiếu - Ảnh 3.

Các dự án nghỉ dưỡng được huy động vốn trong vài tháng qua. (Đồ họa và tổng hợp: Hoàng Huy).

Cũng trong tháng 6, CTCP BVB đã chào bán thành công lô trái phiếu 300 tỷ đồng. Một phần số tiền này sẽ được đầu tư vào dự án Khu du lịch Anh Đào (Takalau Residences Club & Resort) tại TP Phan Thiết, Bình Thuận.

BVB là công ty con của CTCP BB Group, một doanh nghiệp có liên quan với ông Vũ Quang Bảo, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Bitexco.

Vào tháng 4 và tháng 8, CTCP Đầu tư và Quản lý Khách sạn TNH (TNH Hotels & Resorts), thành viên của TNG Holdings đã phát hành hai lô trái phiếu với tổng giá trị 900 tỷ đồng. Số tiền này được TNH Hotels & Resorts bố trí đầu tư cho chuỗi khách sạn Sojo và các khách sạn mà doanh nghiệp này đang phát triển.

Sau đó không lâu, CTCP Khách sạn Vịnh Hạ Long, một doanh nghiệp nhóm VietnamTourism - Hanoi đã chào bán 250 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư vào dự án Khách sạn dịch vụ cao cấp 5 sao Vịnh Hạ Long tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (tên thương mại là The Holiday Hạ Long).

Dự án này có diện tích 4.139 m2, công trình chính là tòa tháp 39 tầng với 504 căn hộ khách sạn, dịch vụ, nghỉ dưỡng, tổng mức đầu tư là 800 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong tháng 7 và tháng 8 cũng có hai lần gọi vốn 1.250 tỷ đồng để đầu tư vào Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải. Dự án này có quy mô gần 12,4 ha, nằm ở khu vực Bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Mới đây nhất, vào ngày 31/8, Công ty TNHH KN Cam Ranh vừa phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu để triển khai Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise tại Bãi Dài, phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, Khánh Hòa.