Ngân hàng thế giới đã cảnh báo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu, đôn đốc Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước phải có những hành động cần thiết kịp thời, bởi lãi suất thấp kỉ lục có thể không đủ để bù đắp cho một cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (GEP) được công bố hai năm một lần tại trụ sở của Ngân hàng thế giới ở Washington DC cho biết, đã có 4 làn sóng tích luỹ nợ trong 50 năm qua.
Làn sóng hiện tại bắt đầu từ năm 2010, được cho là giai đoạn có mức vay nợ tăng nhanh nhất, rộng nhất và lớn nhất kể từ năm 1970.
Ngân hàng thế giới cho biết mức lãi suất thấp, mà thị trường tài chính dự kiến sẽ duy trì trong trung hạn, sẽ giảm thiểu một số rủi ro liên quan đến mức nợ cao, tuy nhiên nó không thể giải quyết được vấn đề.
Trước đó, ba đợt tích luỹ nợ trên diện rộng đã kết thúc bằng những cuộc khủng hoảng tài chính ở nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
“Lãi suất thấp chỉ là một biện pháp phòng vệ yếu ớt chống lại các cuộc khủng hoảng tài chính”, Ayhan Kose, Trưởng nhóm nghiên cứu Triển vọng kinh tế toàn cầu, chia sẻ.
“Lịch sử của các làn sóng tích luỹ nợ trong quá khứ cho thấy những làn sóng này thường có kết thúc không mấy tốt đẹp. Trong môi trường toàn cầu mong manh, những cải tiến chính sách là rất quan trọng, để giảm thiểu rủi ro liên quan đến làn sóng vay nợ hiện tại”, ông nói thêm.
Ngân hàng thế giới cho biết năm 2018, nợ toàn cầu đã tăng lên mức cao kỉ lục, chiếm khoảng 230% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó, tổng nợ từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đạt mức cao nhất mọi thời đại, gần 170% GDP.
Trung Quốc đang là quốc gia vay nợ nhiều nhất, một phần do quy mô nền kinh tế của nó. Tuy nhiên, Ngân hàng thế giới nhấn mạnh rằng việc tích luỹ nợ gia tăng đã xảy ra từ đầu những năm 2010.
Cái gọi là làn sóng vay nợ hiện tại được phát hiện có nhiều điểm tương đồng so với ba giai đoạn trước đó.
Chẳng hạn, bối cảnh tài chính toàn cầu đang thay đổi tạo ra các lỗ hổng và lo ngại về việc sử dụng vốn vay không hiệu quả. Ba làn sóng tích luỹ nợ toàn cầu được xác định là từ 1970-1989, 1990-2001 và từ 2002 - 2009.
Ngân hàng thế giới đã liệt kê các biện pháp cần thiết để giảm bớt tác động tiêu cực, khi cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu xảy ra.
Đầu tiên, các Ngân hàng Trung ương và Chính phủ các nước cần quản lí nợ hợp lí và minh bạch. Điều này sẽ giúp giảm chi phi vay, và giảm thiểu những rủi ro tài chính.
Thứ hai, khung tiền tệ, tỉ giá hối đoái và chính sách tài khoá mạnh mẽ có thể bảo vệ các nền kinh tế đang phát triển, cũng như mới nổi trong một môi trường kinh tế mong manh.
Thứ ba, quy định và giám sát chặt chẽ ngành tài chính để nhận biết và giải quyết các rủi ro mới nổi.
Và cuối cùng, quản lí tài chính công hiệu quả, thúc đẩy các chính sách quản trị doanh nghiệp tốt, có thể giúp đảm bảo rằng các khoản vay nợ được sử dụng có ích.
Ngân hàng thế giới cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020, từ 2,4% lên 2,5%, tuy nhiên cảnh báo rủi ro suy thoái vẫn tồn tại.
Sự tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi có khả năng sẽ chậm lại. “Các nhà hoạch định chính sách nên nắm bắt cơ hội để thực hiện cải cách cơ cấu, nhằm thúc đẩy tăng trưởng trên diện rộng. Đây là điều kiện cần thiết để giảm nghèo”, ông Ceyla Pazarbasioglu chuyên gia nghiên cứu về tăng trưởng công bằng, tài chính và thể chế, cho biết trong báo cáo.
“Các biện pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, luật pháp, quản lí nợ và năng suất có thể giúp đạt được sự tăng trưởng bền vững”, Ceyla Pazarbasioglu nói.