Chị Nguyễn Thị Trọng hiện đang là giáo viên tại một trường mầm non thuộc thị trấn Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Vì yêu hoa từ nhỏ, thích vẻ đẹp đa dạng sắc màu và hương thơm của các loài hoa nên chị luôn ước mơ, một ngày nào đó sẽ được sở hữu những cây hoa rực rỡ, được tự tay chăm sóc và ngắm nhìn thành quả của mình.
Chị Nguyễn Thị Trọng bên những cây hồng trồng trong vườn nhà. |
Các thành viên trong gia đình nhỏ cũng rất yêu hoa. |
Hồng ngoại rực rỡ trước sân. |
Chị Trọng yêu hoa từ thuở bé. |
Dọc tường rào được chị trồng hồng leo. |
Hồng rực rỡ hai bên lối đi vào nhà. |
Hồng tỏa nắng trước sân. |
Không gian đẹp ấn tượng với hoa hồng. |
Đến năm 2015, khi vợ chồng chị xây dựng xong ngôi nhà mơ ước, chị quyết tâm thực hiện giấc mơ từ thuở bé. Thời gian đầu, chị thường mua những cây hồng nhỏ chỉ vài chục nghìn để trồng thử. Mới làm nhà còn nợ nần nhiều, cũng ngại với mẹ chồng nên khi mua về, chị còn gửi gắm nhà anh trai, đêm đến lò dò mang về lúi húi trồng. Mẹ chồng hồi ấy chưa thích hoa nên bảo rằng: “Trồng hoa có ăn được đâu, trông cây khác thích hợp hơn”.
Thế nhưng nhìn thấy những bông hoa đầu tiên nở rực rỡ trong vườn, mẹ chồng chị Trọng dần yêu thích những khóm hoa ấy. Có lần đi dạy về muộn, chị rất cảm động khi thấy mẹ đi nhặt sỏi cuội xếp vào trong chậu hoa cho đẹp. Chị cũng rất vui vì đã chinh phục được mẹ, càng vui hơn khi chồng chị cũng ủng hộ vợ, đi làm về là cùng vợ xin phân chuồng về ủ mục để bón cho cây.
Khoảng sân trước nhà được chị Trọng đặt những gốc hồng yêu thích. |
Nở rộ rực rỡ. |
Hồng chị trồng rất sai hoa. |
Góc sân đẹp mê hồn. |
Cổ Sapa nở hoa rực rỡ. |
Mới trồng hoa, cũng nghĩ đơn giản, cứ trồng là cây sẽ lớn như cây mít, cây nhãn… nên chị mua nhiều, trồng quanh khu vực nhà ở, bờ ao… Khi cây bị bệnh, chị hoang mang và bắt đầu tìm hiểu thì biết cây bị nhện đỏ. Chị mua thuốc về phun cho cây khỏi bệnh. Sau một thời gian cây lại bị phấn trắng, trĩ nên cần phun thuốc định kỳ. Cũng nhờ tham gia các hội nhóm với những người cùng chung sở thích, nhận được sự tư vấn, chia sẻ nhiệt tình nên chị tự tin hơn khi trồng hồng.
Thời gian sau, khi đã có thêm kiến thức, chị cùng chồng đã mở rộng quy mô vườn hồng rộng 1000m2 quanh nhà, vườn, ruộng, thậm chí bờ ao… với đa dạng chủng loại hồng cổ như điều cổ, Sapa cổ, vân khôi, bạch cổ, đào cổ, cổ Trung Quốc, cổ Hải Phòng, cổ Đà Lạt và các giống hồng leo, bụi, rủ như leo Spirit, Gahathomas, Lady Shalot, leo cổ Hải Phòng…
Thu hoạch hoa trong vườn. |
Ngoài thời gian đi dạy, chị Trọng luôn dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để nâng niu, chăm sóc từng gốc hồng như những đứa con tinh thần của cả gia đình. Cũng có khi là bón phân mục cho cây ban đêm, cắt hoa tàn và đeo đèn soi lên đầu để làm chỉ vì ít thời gian nhưng vô cùng yêu hoa, nghiện hoa.
Trong gia đình chị Trọng, không chỉ mẹ chồng và chồng ủng hộ mà hai con của chị cũng thường phụ mẹ tưới hoa, chăm sóc cây. “Mình rất vui và hạnh phúc sau mỗi ngày làm việc, khi trở về ngôi nhà yêu dấu, ngắm các loài hoa nở tưng bừng như đón chào, mời gọi, mình cảm thấy bốn mùa đều là mùa xuân”, chị Trọng tâm sự.
Mỗi dịp Tết, hay các ngày lễ, chị Trọng đều cắt hoa thắp hương, bó những bó hoa thật đẹp đi tặng các cô giáo của hai con. Chị Trọng cho biết, cảm giác được thu hoạch những bông hoa mình tự tay chăm sóc rất vui và hạnh phúc.
Chủ nhân của vườn hồng đáng mơ ước chia sẻ thêm bí quyết trồng hồng: “Để cây hồng sai hoa và khỏe mạnh, mình chú ý đến các yếu tố như: cách chọn cây giống, nên chọn cây khỏe mạnh không bệnh tật, ghép giâm hay chiết nếu biết cách chăm sóc đều rất khỏe, vì giàn hồng leo khủng nhà mình toàn bộ là cây ghép Việt.
Đất trồng là yếu tố vô cùng quan trọng: mình thường dùng đất ruộng đập vụn trộn cùng trấu hun dở, xỉ than, phân hoai mục, một chút vôi bột để cây bổ sung đủ dinh dưỡng. Nếu trồng chậu nhựa hay chậu xi măng mình đều lót xỉ than dưới đáy chậu để cây không bị úng khi mùa mưa đến. Nếu trồng cây ra đất có dộ ẩm tự nhiên cây sẽ phát triển tốt nhất: đào hố rộng gấp 2 đến 3 lần bầu cây để cây được phát triển tốt nhất”.
Để cây hồng sai hoa, khi hết lứa hoa, chị Trọng bấm tỉa tạo tán theo ý thích, cắt đồng loạt để cây ra đồng loạt. Sau khi cắt chị bổ sung bón humic giúp bộ rễ phát triển mạnh, hút được nhiều dinh dưỡng nuôi cây. Tiếp đó chị bón phân cá vi sinh, phân mục và phân tan chậm. Chị bón sau vài ngày, khi cây đóng nụ, chị dùng kali pha loãng tưới để hoa bền màu đẹp.
Trong khu vườn nghìn gốc rực rỡ muôn màu ấy, cô giáo mầm non yêu nhất là hồng cổ Sapa. Bởi theo chị, cây hồng cổ không chỉ sở hữu form hoa đẹp, mềm mại dễ tỉa tạo tán mà độ khỏe, sai hoa, lặp nhanh và kháng bệnh rất tốt. Sau một thời gian không ngắn gắn bó với hồng, chị biết được rằng, trồng hoa, được sống cùng hoa là một mối duyên lành và cũng là sự may mắn mà cuộc sống ban tặng cho gia đình chị.
Lối sống 12:00 | 24/08/2018
Lối sống 01:00 | 24/08/2018
Lối sống 11:03 | 23/08/2018
Lối sống 03:11 | 14/08/2018
Lối sống 04:18 | 11/08/2018
Lối sống 08:48 | 09/08/2018
Lối sống 13:00 | 08/08/2018
Lối sống 10:35 | 07/08/2018