Chiều muộn 8/3, nhiều hàng hoa tươi, gấu bông… làm quà tặng dịp lễ Quốc tế Phụ nữ vẫn còn ê hề, tràn trong, tràn ngoài tại nhiều tuyến đường ở TP HCM.
Tràn ngập người bán hoa cặp hai bên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TP HCM) nhưng vắng khách mua. (Ảnh: Phúc Huy).
Gần 17h, nhưng hàng chục cửa hàng di động nằm khắp đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TP HCM) vẫn còn rất nhiều hoa tươi chưa bán được. Chủ nhiều gian hàng cho biết sức mua hoa tươi năm nay chậm hơn rất nhiều so với mọi năm.
"Ở đây chúng tôi chủ yếu bán cho học sinh, sinh viên và dân văn phòng vì có khá nhiều trường THPT, trường đại học và công sở nằm liền kề. Tuy nhiên, năm nay, lượng người mua hoa giảm rất nhiều. Bắt đầu bán từ đầu ngày nhưng đến giờ vẫn chưa được hơn chục bó hoa", chị Hiền Hòa vừa nói, vừa rầu rĩ chờ khách.
Những bó hoa có giá vài trăm nghìn đồng nhưng chỉ gồm vài hoa hồng lẻ tẻ khiến khách không mặn mà. (Ảnh: Phúc Huy).
Theo chị Hòa, sở dĩ người mua giảm vì giá hoa dịp này tăng cao, đặc biệt là loại hồng nhung vốn được ưa chuộng nhất. Cụ thể, mỗi cành hồng nhung đẹp nhất có giá lên đến 30.000 đồng. Số tiền 15.000 đồng chỉ mua được một cành hoa vừa nhỏ, vừa không đẹp.
"Chúng tôi không muốn tăng giá nhưng hoa nguyên liệu nhập từ Đà Lạt về đã tăng rất cao, gấp gần chục lần ngày thường. Giá mua tại vườn đã 8.000 đồng mỗi hoa, nhưng số lượng mua được không nhiều. Đây là mức giá cao kỉ lục từ trước đến nay", chị Hòa nói.
Săm soi chọn hoa từ điểm bán này đến điểm bán khác nhưng cuối cùng Hoàng Quân - sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, lại tay trắng bước ra và quyết định không mua hoa.
"Giá hoa cao quá. Mỗi bó từ 200.000 đồng trở lên nhưng chỉ gồm vài cành hồng nhung, trong khi đó, hoa phụ lại chiếm rất nhiều. Những dịp lễ trước, cùng số tiền này tôi có thể mua được những bó hoa đẹp hơn và to hơn. Chắc tối nay, tôi sẽ dẫn bạn gái đi ăn cho thiết thực", Quân nói.
Giá hoa hồng tăng cao khiến nhiều người e dè. Mỗi cành hoa èo uột thế này đã có giá từ 15.000-20.000 đồng. (Ảnh: Phúc Huy).
Do sức bán chậm, hoa tươi không được bảo quản với nhiệt độ thích hợp nên rất nhiều hoa hồng bị héo. Dù phải phun nước liên tục nhưng chủ nhiều cửa hàng cũng đành bó tay.
Nhiều người dự đoán, với tình hình này, nếu sức mua bổi tối tăng thì họ cũng chỉ huề vốn, vì số lượng hoa bỏ khá nhiều. Một người bán hoa tên Nam tiết lộ, do bán thời vụ, nên họ đầu tư khoảng vài triệu đồng cho những gian hàng di động thế này.
"Rất dễ đoán lời hay lỗ với việc bán hoa. Nếu sức mua đầu ngày cao thì chắc chắn hôm đó lời nhiều. Còn tình hình này thì…", anh Nam lắc đầu.
Gấu bông ê hề ở lề đường nhưng vẫn kém khách mua. (Ảnh: Phúc Huy).
Không phải lo lỗ vốn nhiều vì quà tặng nếu không bán hết trong buổi tối phải lên xe rác nhưng thị trường gấu bông cũng khá ảm đạm vì sức mua kém.
"Chính xác là tôi chỉ bán được 8 con gấu bông từ sáng đến giờ, trong khi tổng số bày biện dưới kia là hơn 100. Nếu tối nay vẫn bán không được thì sẽ chở hết về nhà, cất giữ cẩn thận để lễ sau mang ra bán tiếp", anh Ngọc Hiếu, nói.
Nhiều tuyến đường ở TP HCM như Nguyễn Văn Cừ, Ba Tháng Hai, Lê Quang Định, Phạm Văn Đồng… gấu bông đủ kích cỡ, giá từ vài chục đến vài trăm nằm la liệt nhưng rất hiếm khách mua. Thậm chí, tại một số nơi, số lượng người bán còn nhiều hơn cả người mua.
Ngồi bán từ đầu ngày đến cuối giờ chiều, chủ hàng hoa này bán ra chưa đến 30 giỏ hoa. (Ảnh: Phúc Huy).
Sau khi tìm hiểu giá, em học sinh này đã bỏ đi vì giá hoa dịp 8/3 tăng quá cao. (Ảnh: Phúc Huy).
Cánh phụ nữ cũng tự đi mua hoa dịp này để tặng sếp. (Ảnh: Phúc Huy).
Hoa hồng sáp lạ mắt theo kiểu dát vàng có giá 100.000 đồng mỗi bông nhưng cũng không hút khách. (Ảnh: Phúc Huy).
Gấu bông từ vài chục đến vài trăm nghìn nằm la liệt. (Ảnh: Phúc Huy).
Chủ một gian hàng cho hay nếu không bán hết sẽ mang gấu bông về bảo quản, lễ khác mang ra bán tiếp. (Ảnh: Phúc Huy).