Nghề vũ công - những nỗi buồn ẩn giấu sau ánh đèn sân khấu

Tuổi nghề ngắn, thu nhập thấp, chấn thương rình rập... là những nỗi buồn ẩn giấu sau nghề vũ công.

Nghề vũ công - công việc xuất phát từ đam mê và năng khiếu cá nhân dần được công nhận tại Việt Nam những năm trở lại đây. 

Khi thị trường giải trí phát triển, bên cạnh ca hát, diễn xuất và vũ đạo giúp sân khấu sôi động hơn được nhiều nghệ sĩ chú trọng, trở thành phương tiện tiệm cận với khán giả trẻ.

Nghề vũ công - những nỗi buồn ẩn giấu sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 1.

(Nguồn: KIENGCAN team)

Nỗi buồn ẩn giấu sau những ánh đèn danh vọng

Nếu vũ công Ballet từng được miêu tả như "những con thiên nga mang đôi bàn chân quỷ dữ" thì người trẻ nhảy Hiphop lại mang dáng vóc đương thời, cách tân. Vậy diễn viên múa đương đại, nghệ sĩ hoạt động theo vũ đoàn, công ty, họ đang và sẽ ở đâu trong tương lai với những lần "sống vì đam mê, vì yêu thích tuổi trẻ".

Nghề vũ công - những nỗi buồn ẩn giấu sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 2.

(Nguồn: KIENGCAN team)

Là người từng có nhiều năm gắn bó, tham gia chụp ảnh cho các ca sĩ, vũ đoàn, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Kiếng Cận đã bày tỏ sự đồng cảm về nghề vũ công khi chia sẻ trên trang cá nhân 13 nỗi buồn của công việc này tại Việt Nam như: hình thể, sức khỏe, liên tục dùng thuốc giảm đau, chấn thương, thu nhập thấp... để nói về một nghề vừa mới, vừa quen.

Anh viết: "Sau vài cái tên được nhắc đến như một nghệ sĩ thực thụ, như những ngôi sao trong làng múa - nhảy, nghề của vũ công ở Việt Nam đa số là công việc của những con người thầm lặng dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ, u hoài trong những nhạc điệu nhảy múa vui tươi… là tiếng lòng nặng nhọc hơn những bước nhảy rướm máu dưới chân mình". 

Nghề vũ công - những nỗi buồn ẩn giấu sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 3.

(Nguồn: KIENGCAN team)

Ngoài ra, anh còn cho rằng nghề nào cũng có đắng cay, thử thách và khó khăn nhưng với những vũ công tại Việt Nam, công việc mang lại những bẽ bàng, cay đắng. Bên cạnh đó, vị nhiếp ảnh gia nói thêm: "Tại sao cùng đứng cạnh ánh hào quang, lung linh cùng dưới ánh đèn sân khấu, lộng lẫy trong những trang phục cầu kì, nhưng dường như chẳng mấy ai quan tâm đến họ là ai, đến từ đâu, tên gì… Cho đến khi họ bị té ngã, đời tư biến cố, hoặc chỉ đơn giản là nhảy múa sai nhịp… thì khán giả/xã hội lại có cái nhìn "không mấy công tâm" để phán xét về phận nghề long đong này?".

Nghề vũ công - những nỗi buồn ẩn giấu sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 4.

(Nguồn: KIENGCAN team)

Dòng trạng thái về những nỗi buồn ẩn giấu đằng sau nghề vũ công nói trên được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi. Nghề vũ công đánh đổi hình thể, sức khỏe, liên tục sử dụng thuốc giảm đau, gặp chấn thương, tai nạn nghề nghiệp. "Để có một tác phẩm biểu diễn trên sân khấu chỉ vài phút họ mất cả vài tháng để tập luyện. Hình thể, sức khoẻ… là những vấn đề họ phải đánh đổi, khắt khe từ cuộc sống để có được, như ăn uống tập luyện khắc nghiệt, vì chỉ cần trông quá béo hoặc quá ôm yếu cũng không thể đeo đuổi với nghề, luôn bị mặc cảm tự ái…", nhiếp ảnh gia Kiếng cận viết.

Bên cạnh đó, anh bày tỏ nghề vũ công chưa được xem trọng tại Việt Nam, thu nhập thấp. Người theo đuổi nghề dễ bị lầm tưởng, sa vào cám dỗ trong giới nghệ thuật. Chưa kể, nghề này phải bươn chải từ những sân khấu lớn cho tới đêm diễn đám cưới, hội chợ... mà chẳng được khán giả, người xem nhớ mặt, điểm tên. 

Nghề vũ công - những nỗi buồn ẩn giấu sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 5.

(Nguồn: KIENGCAN team)

Kiếng Cận bày tỏ thêm: "Chưa có nhiều công ty hay mô hình quản lí chuyên nghiệp đứng ra đào tạo, quản lí, bảo vệ quyền lợi hay làm việc một cách chuyên nghiệp dành cho nghề vũ công, có thì rất hiếm hoặc là rất "nghiệp dư". Nên đôi khi chính họ có những cạnh tranh không lành mạnh hoặc mang tiếng với chính nghề của mình".

Nghề vũ công - những nỗi buồn ẩn giấu sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 6.

(Nguồn: KIENGCAN team)

Nghề vũ công tại Việt Nam gặp nhiều gian nan với vấn đề tuổi tác, cơ hội thăng tiến, ngoại hình...  "Nghề vũ công khắc nghiệt về tuổi nghề như người mẫu, nhưng danh phận của vũ công thật sự quá chua chát để đặt để trong thang bậc của công việc hoạt động nghệ thuật. Một công việc không chỉ đòi hỏi sắc mà còn cả chuyên môn và sức khoẻ!", Kiếng Cận cho biết. 

Nghề vũ công và những tương lai cần có tại Việt Nam

Cuối những dòng chia sẻ, nhiếp ảnh gia Kiếng Cận bày tỏ thêm rằng: "Đam mê là 2 từ dư thừa để nói đến những người vũ công khi đã chọn lựa công việc này vận vào số phận mình. Tuy nhiên nghề nào cũng vậy khi càng thử thách, ngọn lửa đam mê càng bùng cháy, ở đó nghịch cảnh đã tạo nên tinh thần bất diệt. Người ta nói "hãy để 50 vũ công gặp nhau sáng tạo" họ sẽ làm nên những điều tuyệt diệu".

Nghề vũ công - những nỗi buồn ẩn giấu sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 7.

(Nguồn: KIENGCAN team)

Cùng đứng chung một sân khấu, hoạt động trong ngành nghệ thuật, nhiều người thắc mắc tại sao ca sĩ, diễn viên dễ kiếm cho mình chỗ đứng, tên tuổi được đẩy xa với khán giả, còn vũ công thì không? 

Nghề vũ công - những nỗi buồn ẩn giấu sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 8.

(Nguồn: KIENGCAN team)

Nhiều tên tuổi biên đạo Việt như Linh Nga, John Huy Trần, Ly Ly, Tuyết Minh, Khánh Thi... giữ được chỗ đứng vững chắc trong giới hoạt động nghệ thuật bởi sự tìm hiểu, học hỏi từ quốc tế, thành tích gặt hái cùng sự năng nổ, không giới hạn tuổi tác trong việc sáng tạo với nghề. Bên cạnh đó, những tên tuổi lớn có nhiều cơ hội làm việc, tiếp xúc trong môi trường chuyên nghiệp, họ được đào tạo và sở hữu những kĩ năng, đủ gánh vác chương trình, tiết mục lớn.

Những điều nghề vũ công cần không chỉ chuyên môn giỏi, sự sáng tạo hay đam mê, hơn cả là cơ hội và may mắn trên con đường thăng tiến. Đam mê thực sự trọn vẹn khi những mưu cầu vật chất đủ đầy, cuộc sống yên bình để tiếp tục làm điều mình thích, sống trong khoảnh khắc cơ thể được chuyển động, hòa quyện cùng âm nhạc.

Nghề vũ công - những nỗi buồn ẩn giấu sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 9.

(Nguồn: KIENGCAN team)

Ngoài Dancesport được công nhận là môn khiêu vũ thể thao, thì nhảy Hiphop, múa đương đại... cũng cần được nhà nước và các tổ chức nghệ thuật biểu diễn công nhận, giúp đỡ. Không ít những vũ công nhảy Breaking, Waacking, Hiphop... hiện nay tự tham gia thi đấu nước ngoài, không có sự tài trợ và giúp sức từ ban ngành thể thao. Vì vậy, cơ hội để phát triển, học hỏi trở nên hạn hẹp.

"Tinh thần tập thể, sự kết nối thông qua ngôn ngữ hình thể khi được biểu diễn, người vũ công luôn luôn tận dụng từng phút giây để cháy hết mình như cách mà họ giải tỏa thay cho những nốt lặng trầm mà họ mang nặng từ nhiều ngày tháng đồng hành với nghề mà không thể chia sẻ với bất cứ ai, vì không phải ai cũng lắng nghe tiếng lòng của một người làm nghề "vũ công" một cách sâu sắc và trọn vẹn cả!", nhiếp ảnh gia Kiếng Cận bày tỏ.