"Tôi liên tục đặt câu hỏi: TP HCM thường xuyên bị kẹt xe là do ôtô hay xe máy? Các nước trên thế giới có phải tốn nhiều nhân lực ra mặt đường để điều tiết giao thông hay không?". Ông Trần Bửu Tùng, nguyên cán bộ Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, mở đầu câu chuyện với chúng tôi về chủ đề người dân tham gia cùng chính quyền xây dựng đô thị thông minh.
Ông Trần Bửu Tùng cho biết trong hơn 30 năm làm tham mưu trong ngành CSGT, ông luôn cùng ngành loay hoay đi tìm nguyên nhân gây kẹt xe. Theo ông, có những trục đường huyết mạch dẫn vào trung tâm TP, những lúc rơi vào khung giờ cao điểm, lực lượng CSGT phải bật bộ đàm thông báo cho nhau đồng loạt bật đèn xanh hoặc đèn đỏ để điều tiết dòng người lưu thông ổn định hơn.
Những năm gần đây, với sự phát triển công nghệ thông tin, hàng loạt camera an ninh đường phố được lắp đặt có thể đo được mật độ giao thông và điều chỉnh thời gian chờ tín hiệu đèn phù hợp. Từ đó, những cách làm truyền thống và thủ công trở thành dĩ vãng, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được sức người và tiền bạc.
Tuy nhiên, điều còn hạn chế là hiện nay vào những giờ cao điểm, người dân muốn biết khu vực nào, tuyến đường nào mật độ giao thông đang ken dày để "né" vẫn không thể biết được ngoài theo dõi một số chương trình trên đài phát thanh.
Theo các chuyên gia về đô thị, để tiết giảm chi phí lắp đặt thiết bị ở tất cả tuyến đường thì vai trò "chia sẻ" của từng người dân là rất quan trọng, mỗi người là một "bộ dữ liệu sống". Mỗi khi ra đường, hễ ai sử dụng bản đồ giao thông TP thì đồng nghĩa việc người đó đang chia sẻ vị trí để hệ thống điều hành giao thông thông minh của TP nắm bắt, dựa vào số lượng người dùng và tốc độ di chuyển để phân tích dữ liệu chính xác hơn.
Người dân TP HCM hiện đã có thể theo dõi bản đồ quy hoạch, thông tin giao thông qua ứng dụng điện thoại thông minh.
"Theo tìm hiểu của tôi, hiện có nhiều người muốn góp sức cùng chính quyền TP xây dựng đô thị thông minh, đặc biệt là cán bộ hưu trí. Họ là những người có thể cảm nhận rõ nét sự chuyển mình của TP để đưa ra các hiến kế sát sườn.
Tuy nhiên, để chuyển tải được những ý tưởng đó cần có các diễn đàn. Đơn cử như Diễn đàn "Lắng nghe người dân hiến kế" do Báo Người Lao Động tổ chức đã trở thành địa chỉ để mọi người cùng thảo luận. Mọi sự phát triển đều xuất phát từ thực tiễn và dựa trên yếu tố con người" - ông Tùng nhấn mạnh.
Ứng dụng app SXD247 được Sở Xây dựng TP HCM đưa vào vận hành, đã giúp ích được rất nhiều cho người dân, doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin. Dù mới ra mắt hơn 4 tháng nhưng lượt truy cập và tính tương tác của người dân ngày càng gia tăng.
Bởi tại đây, ngoài việc cập nhật thủ tục hành chính tại nhà và nộp giấy phép xây dựng trên điện thoại thì người dân còn được phép phản ánh các vấn đề liên quan đến ngập nước, chiếu sáng và xây dựng không phép, sai phép.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc hạn chế đi lại và tụ tập đông người ở khu vực công cộng thì các ứng dụng thông minh này sẽ phát huy tác dụng mạnh hơn nữa.
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nhấn mạnh việc triển khai công nghệ thông tin và vận hành Cổng thông tin điện tử dịch vụ công đã nâng cao năng lực điều hành; giúp cơ quan quản lý đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời và người dân không còn cảnh xếp hàng chờ đợi như lâu nay.
Nói về việc trải nghiệm các ứng dụng thông minh, ông Lê Kinh Thành (ngụ quận 7, TP HCM) cho rằng đây là cách làm tốt, giúp người dân giám sát được quá trình thực thi của cơ quan nhà nước.
"Tôi có 2 lần phản ánh về trật tự xây dựng qua các ứng dụng điện thoại của UBND TP, qua đó cho thấy sự hiệu quả và phản hồi tích cực. Lâu nay chỉ gửi đơn và gọi điện thoại nên không biết được thời gian xử lý, quá trình thực hiện ra sao" - ông Thành nói.
Kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam (chuyên gia về quy hoạch) cho biết nhiều năm ông công tác tại Singapore được hưởng lợi rất nhiều từ các ứng dụng đô thị thông minh, được hiển thị ở khu vực công cộng và trên điện thoại.
Buổi sáng, trước khi ra khỏi nhà, trên màn hình di động sẽ cập nhật tình hình thời tiết, không khí và thời gian tàu điện ngầm đến khu vực ga chuẩn bị khởi hành. Lúc gần đến văn phòng làm việc thì hệ thống định vị sẽ đo được khoảng cách, thời gian có mặt và tự động khởi động các thiết bị như máy lạnh, đèn chiếu sáng…
Khi đăng ký và làm các thủ tục hành chính chỉ cần nhớ mã số định danh và đa phần người dân thực hiện tại nhà thông qua khai báo trực tuyến. Để sớm đạt được mục tiêu trở thành đô thị thông minh, chính quyền cần phải xây dựng một chuỗi hệ thống tiện ích mà ở đó con người sử dụng công nghệ một cách thông minh, tiên tiến nhất.
Tại các điểm sử dụng wifi công cộng sẽ yêu cầu người dùng cung cấp thông tin như độ tuổi, công việc… và những truy cập sẽ được trung tâm dữ liệu ghi nhận, nắm bắt thêm thói quen, sở thích từ đó điều chỉnh các chính sách để phù hợp nhu cầu con người.
"Mục tiêu không phải mua thật nhiều thiết bị tiên tiến mà cần xây dựng kho dữ liệu dùng chung. Người dân chỉ cần tải một ứng dụng sẽ nắm bắt được tất cả thông tin như thời tiết, kẹt xe, ô nhiễm, thủ tục hành chính… Từ đó sẽ cải thiện được chất lượng cuộc sống" - chuyên gia Trần Vĩnh Nam chia sẻ.
Cùng quan điểm, PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Trưởng Khoa Đô thị học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho biết lâu nay, người dân vẫn sử dụng các giải pháp thông minh vào việc giám sát như camera an ninh, nhà vệ sinh tự động… Nhưng khi kết nối các ứng dụng đó thành một chuỗi sinh thái và chia sẻ dữ liệu dùng chung thì sẽ hình thành được một thành phố thông minh. Để đạt được mục tiêu này thì yếu tố bảo mật được đặt lên hàng đầu và nguồn nhân lực phải liên tục được bổ sung, nâng cao trình độ.
Đang dần rõ nét
Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho biết hiện nay, các trung tâm quản lý và xây dựng hạ tầng để hình thành đô thị thông minh đang dần rõ nét. Tính đến đầu năm 2020, đã thành lập được kho dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở; trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm an toàn thông tin, trung tâm mô phỏng dự báo... Ngay thời điểm này, người dân có thể truy cập vào địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn để nắm bắt thông tin về y tế, giáo dục, hồ sơ thủ tục, quy hoạch - xây dựng, văn bản điện tử, hộ tịch...
Ngoài ra, hệ thống camera giám sát đã được nâng cấp lên trên 1.000 thiết bị và có khả năng phân tích dữ liệu, xử lý vi phạm giao thông; ứng dụng thông tin địa lý GIS phục vụ công tác quản lý giao thông, xe buýt cũng đã được triển khai.