Người giữ ‘hồn’ cho đại ngàn Tây Nguyên

Mất ăn mất ngủ vì lo cho văn hóa Tây Nguyên bị mai một theo thời gian, anh Hưng đã ngược xuôi tìm các cổ vật gắn với con người, cuộc sống, văn hóa của đồng bào dân tộc trên rẻo cao để cất giữ và trưng bày. Lâu dần, ngôi nhà anh như một kho tàng văn hóa thu nhỏ.

Ăn, ngủ cùng cổ vật

nguoi giu hon cho dai ngan
Anh Hưng bên những cổ vật “vô giá” của mình.

Hẹn gặp anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1970) tại nhà riêng thuộc thôn 6, thị trấn Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Đó là căn nhà gỗ lụp xụp, nép mình sau những rẫy cà phê bạt ngàn, nhưng không vì thế mà ngôi nhà trở nên buồn tẻ, cô lập.

Tuy nghèo về vật chất nhưng anh đang nắm trong tay những kỉ vật vô cùng giá trị về mặt tinh thần với những chiếc ghè ché, cồng chiêng... và vô số đồ vật mang đậm nét truyền thống văn hóa của người dân Tây Nguyên xưa.

Nhà nhỏ, vỏn vẹn 60m2 nhưng phần lớn diện tích anh dùng để trưng bày cổ vật, còn lại sử dụng cho sinh hoạt trong gia đình. Hơn 16 năm qua, ngôi nhà của anh được xem như một bảo tàng thu nhỏ để chứa các hiện vật văn hóa-lịch sử. Ngay cả chính anh còn không nhớ hết đã sở hữu bao nhiêu hiện vật. Do không gian chật hẹp, hiện vật lại nhiều nên nhiều món được xếp cao đến tận mái nhà.

“Hiện vật cổ ở Tây Nguyên chắc không ai nhiều bằng tôi, cùng với đó, đồ đá của người tiền sử nơi đây cũng nhiều nhất cả nước”, anh Hưng khẳng định.

Khi hỏi về cơ duyên khiến anh đam mê sưu tập đồ cổ, văn hóa Tây Nguyên, anh Hưng nhớ lại: “Trước đây, khi còn nhỏ tôi chỉ là đứa bé chăn trâu nhưng thích tìm tòi và nhặt nhạnh những vật lạ dưới đất. Sau này, khi vào mảnh đất Tây Nguyên sống gần đồng bào dân tộc thiểu số tôi phát hiện họ có nhiều vật dụng độc đáo nên say mê sưu tầm đến tận bây giờ”.

Anh Hưng kể, theo tục lệ của một số đồng bào dân tộc khi trong làng có người chết thì đồ dùng gắn liền với người đó sẽ được chôn theo, đó là “tục chia của”. Cùng với đó, những tay buôn đồ cổ luôn tìm cách để dụ dỗ bà con bán lại các cổ vật. Chính vì vậy, anh muốn gìn giữ nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc nên lặn lội đến nhiều nơi để đưa cổ vật về trưng bày.

Mê cổ vật còn hơn “mê vợ”

nguoi giu hon cho dai ngan
Những cổ vật của anh Hưng chiếm hết khuôn viên ngôi nhà.

Cổ vật đầu tiên anh mang về nhà là một cái ché. “Năm đó, vị già làng trước khi mất đã dặn con cháu mình chôn bộ ché theo cùng. Nghe tin, tôi lập tức đến nhà thuyết phục ông giữ lại và bán cho tôi. Sau hồi lâu, ông mới chấp nhận nhưng đổi lại tôi phải đưa ông một con bò to khỏe”, ông Hưng nhớ lại.

Lúc đó, do con bò của gia đình gầy gò, ốm yếu nên vị già làng không chịu nên anh Hưng phải vay mượn tiền để mua con bò của hàng xóm đưa ông.

Chị Hà Thị Thúy (SN 1977) tiếp lời chồng: “Anh Hưng còn xem đồ cổ quang trọng hơn cả vợ con đấy. Lúc con quấy khóc, anh không dỗ mà còn chạy ngay đi để xem đồ cổ là thứ gì. Mưa dột ướt cả mẹ con, nhưng anh lại lấy áo mưa đi che cho đồ cổ của mình. Nhiều lúc ấm ức, tủi thân lắm nhưng nghe anh giải thích ngọn ngành thì tôi đã hiểu và quý anh nhiều hơn”.

Không cần biết hiện vật đó tốn bao nhiêu tiền, nhưng chỉ cần nghe ở đâu có đồ độc, lạ anh đều tìm đến. Một khi đã “ưng” thì anh sẵn sàng vay mượn tiền bạc để mang chúng về.

Được biết, kinh tế nhà anh chỉ phụ thuộc vào ít cà phê, nên phần lớn anh phải vay mượn để mua đồ cổ rồi sau đó trả dần. Anh Hưng tâm sự: “Năm 2005, tôi nghe tin một người nông dân đào được con dao bằng đá ở thời kì đồ đá nên tức tốc đến ngay, nhưng lúc đến nơi đã bị một người săn đồ cổ mua trước. Một năm sau, bỗng dưng người này lại xuất hiện và bán lại cho tôi với giá 6 triệu, bằng 6 tạ cà phê nhân lúc đấy. Mặc dù, nhà không đủ tiền để mua nhưng lúc đó tôi nghĩ nếu bỏ qua thì sau này sẽ hối hận. Chính vì vậy đã chạy vạy khắp nơi để vay mượn tiền bạc lấy con dao đá”.

Hiện nay, bộ sưu tập của anh Hưng gồm 18 bộ cồng chiêng, hơn chục ghè ché và rất nhiều đao, kiếm, cung tên. Bên cạnh những cổ vật mang đậm văn hóa lịch sử truyền thống, anh còn sở hữu nhiều cổ vật như bàn mài, rìu, bàn cháy... Nhiều người đến nhà với ý hỏi mua lại với giá cao, nhưng anh đều từ chối. Đối với anh, những cổ vật đưa về để trưng bày, lưu giữ lại cho các thế hệ sau này chứ không vì mục đích kinh doanh.

Do số cổ vật vượt quá sức chứa của căn nhà nên anh Hưng đang đề xuất xin ý kiến UBND huyện để mở một bảo tàng trưng bày các hiện vật mang đậm văn hóa Tây Nguyên. Từ đây, nhiều người dân sẽ tìm đến tham quan và hiểu hơn về phong tục tập quán và con người ở mảnh đất đầy nắng và gió.

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: “Tôi đã được biết đến câu chuyện anh Hưng bỏ công sức, tiền bạc để sưu tập các hiện vật văn hóa. Đây là một ý tưởng đáng khen, cần được mọi người học hỏi và phát huy. Nếu ý định mở bảo tàng của anh Hưng mà đảm bảo quy định của nhà nước thì ngành Văn hóa sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa”.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.