Câu chuyện về người mẹ đơn thân rao bán trái tim mình để có tiền chữa bệnh cho con vẫn là đề tài gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện, họ cho rằng người mẹ trẻ đang "làm màu" để ăn mày lòng thương của xã hội.
Và chị Hoa - người mẹ trẻ trong câu chuyện ấy cũng gật đầu xác nhận rằng, chị cũng đã phải đi "ăn mày" lòng thương của xã hội. Nhưng chị làm vậy không phải để làm lợi cho bản thân, mà tất cả vì đứa con thân yêu đang mang trọng bệnh.
|
Bé Phúc sinh ra mắc hai chứng bệnh tan máu bẩm sinh và bại liệt. 7 năm trời chị Hoa cùng con chiến đấu với bệnh tan máu bẩm sinh và gần 5 năm chống chịu với căn bệnh bại liệt.
Tùy theo chế độ dinh dưỡng, cứ khoảng ba bốn tuần cháu Phúc sẽ được truyền máu một lần. Mẹ con đi khắp nơi từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bạch Mai, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để chạy chữa căn bệnh này.
Tại những nơi cháu Phúc điều trị, chị Hoa vừa chăm con vừa lo buôn bán nhỏ khi là bán trà đá, khi là bán trứng vịt lộn, ngày kiếm vài trăm ngàn, góp thêm tiền chữa bệnh cho con.
Hy vọng đến khi Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đưa ra phương pháp cấy tế bào gốc để điều trị triệt để căn bệnh tan máu bẩm sinh. Chị Trần Thị Hoa cho biết: kinh phí cho ca cấy ghép và điều trị sau cấy ghép ước chừng 1 tỷ.
"Tôi là một người Phụ nữ hoàn toàn khoẻ mạnh và cũng như bao người phụ nữ khác tôi đã được làm Mẹ , một người mẹ trẻ đơn thân. Con trai tôi đã hơn 7 tuổi. Tôi yêu và thương con trai của mình hơn chính cả bản thân mìn, và có lẽ sẽ không có điều gì khiến tôi có thể lấy con mình ra để đánh đổi hết cả.
Cuộc sống của con tôi bất hạnh thay vì mang căn bệnh tan máu bẩm sinh, và bây giờ tôi cần 600 triệu để có thể cứu sống con của mình. Tôi đã hoàn toàn cạn kiệt và cũng đã kêu gọi nhờ vả giúp đỡ từ cộng đồng nhưng vô vọng.Tôi không biết phải làm thế nào nữa nhưng nếu cơ hội lần này qua đi con tôi sau này dù có tiền cũng không thể nào chữa hết được căn bệnh này bởi vì ghép tế bào gốc (TBG) được xét trên kg cân nặng và độ tuổi thì khả năng thành công sẽ cao hơn rất nhiều, Tôi là người làm mẹ không cam lòng đứng nhìn con trai mình phải chịu cái chết hay không được điều trị tiếp để được hết bệnh tôi không cam tâm.
Suốt hơn 6 tháng qua, có bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng tôi đã lo cho cháu nhưng giờ tôi hoàn toàn cạn kiệt, nhờ vả, vay mượn các nơi nhưng không được.
Tôi không thể làm được gì ngoài việc bán đi trái tim, hiến các bộ phận nội tạng, giác mạc mắt của mình... Tôi chấp nhận chết để lấy 600 triệu đồng nhằm ghép được tế bào gốc điều trị cho con. Mong mọi người hãy thông cảm và thấu hiểu cho hoàn cảnh của tôi. Trong thời gian qua nhiều người ibox nói tôi đi ăn xin lang thang trên mạng. Vâng, vì cứu con của mình tôi chấp nhận quỳ lạy lê la khắp mọi nơi van xin để cứu con. Tôi sẽ làm tất cả để cứu con. Đọc những dòng chửi mắng, nói tôi lừa đảo do một số người bình luận trên facebook tôi đau lòng lắm, buồn lắm...", Chị Hoa nghẹn ngào nói.
|
Nói về hoàn cảnh của cô em gái, chị Lệ (chị gái chị Hoa) kể: "Hoa là đứa em nhanh nhẹn, tháo vát, cũng phải nói là lanh lợi hơn tôi. Năm 19 tuổi Hoa lấy chồng, gia đình nhà chồng nghèo, nhưng ba mẹ chồng sống tình cảm, thấy em tôi vui vẻ, gia đình cũng yên tâm phần nào. Về nhà chồng một thời gian thì Hoa có thai, Hoa thiếu sự quan tâm của chồng, nhà chồng nghèo quá muốn bồi dưỡng cũng không có điều kiện. Rồi chồng Hoa đem nó về nhà ngoại nhờ chăm sóc giúp. Từ đấy cho đến khi em gái tôi sinh đều ở nhà ngoại, ngày sinh chồng cũng không có mặt."
Chị Lệ cho biết thêm, khi bé Phúc được hai tháng tuổi thì phải đi viện vì con sốt cao, bỏ bú, nôn ói, da xanh xao. Khi ấy bác sĩ nói con thiếu chất. Một tháng sau, vẫn tình trạng như thế, lại đi viện truyền máu. Lần này bác sĩ chẩn đoán lại bệnh, gửi kết quả máu để xét nghiệm lại, và làm cho cháu một cái thẻ bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh). Từ đó cứ mỗi tháng mẹ con Hoa lại ôm ấp nhau lên bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh để lọc máu.
Suốt thời gian con bị bệnh, cha bé Phúc chưa một lần đưa con đi viện, một mình chị Hoa chạy ngược chạy xuôi, bắt xe đi từ Bình Dương, về An Giang để xin giấy chuyển tuyến, rồi từ An Giang bắt xe lên TP HCM để vào máu cho con.
"Sự vô tâm và vô trách nhiệm của cha cháu càng thấy rõ hơn, rồi những trận đòn vùi dập mẹ cháu nhiều hơn. Hoa quyết định li hôn", chị Lệ cho biết.
Cũng theo thông tin từ người nhà chị Hoa, đây không phải lần đầu tiên chị có ý nghĩ bán nội tạng để có tiền chạy chữa cho bé Phúc. Cách đây chưa lâu, chị Hoa từng rao bán một bên thận lấy vài trăm triệu, gia đình đã khuyên can. Lần này chị Hoa quyết định bạn tim cho người ta mà không nói với gia đình, phải đến khi các phương tiện truyền thông đưa tin về sự việc thì mọi người mới biết.
Xin khép lại bài viết bằng ý kiến của một độc giả: "Sao những người đã không giúp không cho lại lớn tiếng nói cô ấy lừa đảo, lười làm ôm con ăn sẵn. Nếu lười lao động sao cô ấy có 20 triệu/ tháng để điều trị duy trì cho con gần chục năm nay. Nếu sợ tai tiếng, sĩ diện, sợ tổn thương, thì chỉ còn cách mang con về chờ chết. Rồi mọi người cũng sẽ quên luôn mẹ con cô ấy. Đến mức này, kể cả phải đi ăn mày để nuôi dưỡng tia hy vọng. Kể cả mang tiếng đến ê chề cũng phải xin.
Nếu ai giúp được, dù một chút cũng là quý giá. Không giúp cũng không sai. Vì không ai có nghĩa vụ phải giúp người xa lạ. Nhưng nên chăng hãy im lặng, hoặc nói với cô ấy. Đừng ném đá cô ấy không tiếc thương như vậy. Thử hỏi một người phụ nữ khỏe mạnh xinh đẹp có bao giờ muốn chôn vùi tuổi xuân của mẹ và tuổi thơ của con trong bệnh viện 7 năm trời như vậy không? Liệu ngồi không mà ăn tiền từ thiện trong cái bệnh viện đầy mùi thuốc với bốn bức tường và một đứa con ngơ ngẩn vì bệnh hiểm nghèo. Phải chăng đó là niềm vui của cô ấy?"
Trao đổi với luật sư Nguyễn Minh Long Giám Đốc Công ty Luật Dragon – Đoàn Luật sư Hà Nội về trường hợp bán tim để cứu con của chị Hoa, luật sư Long cho biết. "Trước hết, tôi xin chia sẻ với những khó khăn mà gia đình người mẹ đó đang phải gánh trên đôi vai.Vì tình cảm yêu thương của mình đối với người con đang bị bệnh hiểm nghèo nhưng do thiếu thốn về tài chính, mà chị phải giao bán tim của mình để mong có được tiền chữa bệnh cho con. Qua đây, tôi hết sức xúc động trước sự lo lắng, quan tâm sâu sắc và tình yêu bao la của người làm cha, làm mẹ dành cho con cái của chị. Trở lại vấn đề, tôi có quan điểm của mình về việc này như sau: Thứ nhất: Về mặt pháp lý Trong hệ thống Pháp luật Việt Nam hiện hành, đã có “LUẬT HIẾN, LẤY, GHÉP MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI VÀ HIẾN, LẤY XÁC 2006” quy định về vấn đề này. Theo đó tại Khoản 3 Điều 4 Luật này quy định về các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là “Không vì mục đích thương mại”. Ngoài theo quy định tại Điều 11 Luật này về các hành vi bị nghiêm cấm: “…. Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác. Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại …..” Pháp luật quy định như vậy bởi lẽ, “việc hiến tặng nội tạng” là mang ý nghĩa thể hiện tinh thần nhân đạo. Khi thương mại hóa vấn đề này, biến “việc hiến bộ phận cơ thể con người” thành món hàng hoá có thể mua đi, bán lại dễ dàng thuộc phạm trù văn hoá, pháp luật không cho phép Như vậy có thể thấy “hành vi raobán nội tạng của người mẹ” là trái với quy định của pháp luật. Thứ 2: Về chế tài xử lý Đây chính là một lỗ hổng pháp lý, bởi hiện nay theo Luật hình sự 1999 thì tội phạm về mua bán, môi giới nội tạng chưa được quy định . Còn theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 11, tuy nhiên lại không có văn bản hướng dẫn hay quy định liên quan nào đến việc xử lý những hành vi này. Sự thiếu hụt các văn bản hướng dẫn những chế tài của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết cho cơ quan pháp luật. Hơn nữa, việc người mẹ rao bán tim trên mạng cũng chưa vi phạm vào tội danh: “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn, mạng internet” theo Điều 226 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Bởi điều văn của điều luật này quy định như sau: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau xâm phạm lợi ích của cơ quan tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Căn cứ vào nội dung điều luật trên cho thấy hành vi của người mẹ đó mặc dù giao bán tim trên mạng xã hội nhưng khôngxâm phạm lợi ích của cá nhân, tổ chức nào và cũng không xâm phạm trật tự an toàn xã hội gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, trong trường hợp này, các cơ quan bảo vệ pháp luật không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được người mẹ theo Điều 226 trên của BLHS mà chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính về lỗi này. Thứ 3: Về tình cảm Theo tôi trong trường hợp này người mẹ cần nhận được sự chia sẻ thông cảm hơn của các cơ quan chức năng. Sai về mặt lý chiếu theo luật thì bị xử phạt. Song, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con lại đang bị bệnh hiểm nghèo nên người mẹ suy nghĩ chưa thấu đáo và có phần nông nổi mới làm như thế. Tôi cho rằng trường hợp của chị vừa đáng thương vừa đáng trách và cần có sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hảo tâm. Đặc biệt là chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương cùng chung tay giúp sức. Mặt trật tổ quốc, các cơ quan thông tấn báo trí, truyền hình cũng có thể thông tin để nhân dân cả nước biết và quyên góp về vật chất, tinh thần ủng hộ, giúp đỡ gia đình chị có đủ tài chính để chữa bệnh hiểm nghèo cho con chị." |