Được xác định có tội, các nguyên lãnh daio95 Navibank bị tuyên phạt nhiều năm tù. Ảnh: Ngọc Hoa |
Chiều 19/3, TAND TP HCM đã quyết định tuyên án đối với 10 cựu lãnh đạo Navibank về cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, các bị cáo Lê Quang Trí (cựu TGĐ Navibank), Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn (đều là cựu Phó TGĐ Navibank) cùng Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát, Trần Thanh Bình, Đinh Thị Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Oanh, Phạm Thị Thu Hiền (cựu trưởng các phòng ban thuộc ngân hàng Navibank) đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo đã có hành vi giúp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như (cựu phó trưởng phòng Quản lý rủi ro ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh TP HCM) chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank.
Trước đó, tại các phiên tòa xét xử, 9/10 bị cáo kêu oan bởi cho rằng, hành vi của mình không cấu thành tội Cố ý làm trái. Nên việc cáo trạng truy tố các bị cáo về tội danh là là không đúng.
9/10 bị cáo cho biết bản thân làm việc vì sự phát triển của ngân hàng, không được hưởng lợi gì từ việc thống nhất mang hơn 1.500 tỳ đồng của Navibank sang Vietinbank gửi dẫn đến bị thiệt hại số tiền 200 tỷ đồng.
Các bị cáo kêu oan cũng cho rằng, số tiền 200 tỷ đồng không phải là tiền thiệt hại của vụ án, bởi số tiền này đang nằm tại Vietinbank. Và nếu đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt từ là Huyền Như chiếm đoạt của Vietinbank chứ không phải của Navibank.
Các luật sư bào chữa cho 9/10 bị cáo cũng đưa ra nhiều lập luận, chứng cứ chứng minh 9/10 bị cáo không phạm tội và đề nghị tuyên các bị cáo có tội.
Chỉ có duy nhất 1 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng cho rằng việc làm sai trái của mình là do có nguyên nhân đặc biệt, và xin pháp luật khoan hồng, bởi thật sự không nhận thức được hành vi của mình là có tội, không được hưởng lợi gì.
Trước đó, trong phần bào chữa cho các bị cáo, một số luật sư thắc trong hồ sơ vụ án không có bản án xét xử Huỳnh Thị Huyền Như tội lừa đảo trước đó, sau nhiều ngày xét xử, HĐXX mới tạm ngưng phiên tòa để bổ sung.
VKS nói thiệt hại trong vụ án này mặc nhiên được thừa nhận bởi bản án Huyền Như lừa đảo đã có hiệu lực pháp luật, thiệt hại đã được xác định trong vụ án này. Nhưng lại không đính kèm bản án này trong hồ sơ vụ án thì VKS lấy cơ sở đâu truy tố 10 bị cáo.
Về vấn đề này, đại diện VKS cho rằng, có sự sơ suất của các cơ quan tố tụng, nhưng không đáng kể, Hiện bản án đã được bổ sung đầy đủ nên không ảnh hưởng đến quá trình xét xử, cũng như không làm thay đổi bản chất của vụ án.
Về việc 9/10 bị cáo kêu oan, đại diện VKS cho rằng sẽ không tách riêng ra để trả lời cho từng bị cáo có oan hay không, bởi hành vi của của các bị cáo là giống nhau nên sẽ trả lời chung với các bị cáo.
Theo đó, đại diện VKS giải thích, nếu các bị cáo đem tiền gửi thị trường liên ngân hàng, mà vẫn bắt và xét xử các bị cáo thì đó mới oan. Nhưng các bị cáo đã có chủ trương, thống nhất chủ trương thông qua Hội đồng Alco, giả cách cho nhân viên vay nhưng thực chất là thông qua các nhân viên, đem tiền của Navibank đi gửi để hưởng lãi trong, lãi ngoài. Và thực tế, nhân viên của Navibank đã liên hệ Huyền Như để nhận lãi ngoài. Hành vi của các bị cáo dẫn đến việc Navibank bị thiệt hại 200 tỳ đồng là quá rõ ràng.
Về việc các bị cáo có vi phạm Thông tu 02 của NHNN hay không, trước đó các luật sư bào chữa cho các bị cáo viện dẫn Thông tư 02 của NHNN chỉ cấm tổ chức, không cấm cá nhân.
Tuy nhiên, ngân hàng là đơn vị kinh doanh đặc biệt, nếu có sai sót sẻ làm lũng đoạn thị trường. Thời điểm xảy ra việc gửi tiền, NHNN đã ban hành Thông tu 02, các bị cáo biết có sự hiện diện của thông tư này, đáng lẽ các bị cáo phải gửi tiền qua thị trường liên ngân hàng theo đúng quy định, đằng này, các bị cáo giả cách cho các nhân viên vay, thực chất là mang tiền ngân hàng mình đem gửi ở một tổ chức tín dụng khác, để hậu quả xảy ra như cáo trạng quy buộc.
Về ý kiến của các luật sư việc các bị cáo trong vụ án này thực chất không được tham gia trong phiên tòa xét xử Huyền Như trước đó, nhưng lại kết tội các bị cáo dự vào thiệt hại từ việc Huyền Như lừa đảo là chưa thỏa đáng. “Cáo trạng số 80 căn cứ vào văn bản đã có hiệu lực trước đó để kết tội 10 nguyên lãnh đạo Navibank dựa trên bản án cũ là không thỏa đáng, vì trong những phiên tòa trước đó 10 bị cáo này không có mặt, không được quyền tham gia bào chữa và yêu cầu luật sư bào chữa cho mình, điều này trên thực tế là không thỏa đáng”, một trong các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo nêu quan điểm.
Về nội dung này, đại diện VKS cho rằng, phiên tòa xét xử Huyền Như tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn các bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, hai tội danh và hành vi khác nhau nên việc có tham dự hay không không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh các bị cáo có tội hay không.
Cũng theo đại diện VKS, trong phiên tòa xét xử Huyền Như, phía Navibank chỉ liên quan về mặt dân sự, tòa đã triệu tập đại diện của Navibank rồi, không cần thiết triệu tập cá nhân từng người được xác định có liên quan trong vụ án này.
Từ phần đối đáp này, đại diện VKSND TP HCM thực hành quyền công tố đề nghị HĐXX giữ nguyên cáo trạng, tuyên bị cáo Trí từ 14 – 15 năm tù. Các bị cáo Luật, Nam, Phát, Bình bị đề nghị cùng mức án từ 12 – 13 năm tù. Hai bị cáo Cương và Sơn bị đề nghị 10 - 11 năm tù. Bị cáo Trang bị đề nghị mức án 9 – 10 năm tù. Hai bị cáo còn lại là Oanh và Hiền bị đề nghị mức án từ 8 – 9 năm tù.
Theo HĐXX, trong vụ án này, có một số điểm VKS chưa “chuẩn” như việc VKS không đưa các tài liệu như sao kê, bản án phúc thẩm số 02…vào hồ sơ vụ án, tuy nhiên, việc thiếu sót này không ảnh hưởng đến tính chất của vụ án.
Bản án số 02 không bị kháng nghị, kháng cáo nên đã có hiệu lực pháp luật, không cần thiết phải bàn cãi.
Tại các phiên tòa, các bị cáo cho rằng mình bị dẫn dụ khai sai sự thật nhưng các bị cáo không thể chứng minh được điều này. Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên thực hành kiểm sát vụ án nhưng xét điều này là không cần thiết, và không có căn cứ.
Xét thấy, các bị cáo đã bất chấp lập các hợp đồng giả cách nhằm hưởng lãi suất cao và bị Huyền Như lừa. Navibank đã hưởng lợi số tiền hơn 24,3 tỷ đồng nhờ lãi suất ngoài. Hành vi của các bị cáo đã vi phạm luật Các Tổ chức tín dụng, vi phạm Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, xét hỏi công khai tại tòa và các tài liệu, chứng cứ khác đủ cơ sở khẳng định các bị cáo đã phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Do đó, quan điểm của các bị cáo, các luật sư bào chữa cho các bị cáo về việc không phạm tội là không có căn cứ.
HĐXX cho rằng, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cần thiết phải tuyên phạt các bị cáo mức án tương xứng để có giáo dục răn đe, phòng ngừa chung. Trong quá trình nghị án, HĐXX cũng cân nhắc, xem xét cho các bị cáo một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Sau khi cân nhắc, HĐXX quyết định tuyên phạt nguyên Tổng Giám đốc Navibank Lê Quang Trí 13 năm tù, Đoàn Đăng Luật 11 năm tù, Huỳnh Vĩnh Phát 11 năm, Cao Kim Sơn Cương 12 năm, Nguyễn Hùng Sơn 12 năm, Nguyễn Giang Nam 12 năm, Trần Thanh Bình 10 năm, Đinh Thị Đoan Trang 7 năm, Nguyễn ngọc oanh 7 năm và Phạm thị Thu Hiền 7 năm.
Về mặt dân sự, Navibank phải nộp lại 24,3 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, HĐXX kiến nghị cơ quan CSĐT tiếp tục làm rõ nhân viên VietinBank có hay không giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank.
Xử 10 cựu lãnh đạo Navibank: Các bị cáo khóc khi nói lời sau cùng
Sau khi kết thúc phần tranh luận, 10 bị cáo là cựu nhân viên, lãnh đạo Navibank đã khóc nức nở, trình bày lời sau ... |