Sáng ngày 16/8, nghi phạm Đoàn Thị Hương (30 tuổi, người Việt Nam) và Siti Aisyah (26 tuổi, người Indonesia) đã được áp giải đến Tòa Thượng thẩm Shah Alam ở thủ đô Kuala Lumpur để nghe tuyên án về vụ sát hại người được cho là Kim Jong-nam, anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tại sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) vào tháng 2/2017.
Sau quá trình đọc phán quyết kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Shah Alam Azmi Ariffin đã ra phán quyết Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah tiếp tục bị giam giữ để bước vào phiên tranh tụng nhằm bào chữa cho hành động của họ.
Việc đối chất của bị cáo Đoàn Thị Hương diễn ra vào đầu năm sau, trong các ngày 7-10/1 và 28-31/1/2019. Trong khi đó, Siti Aisyah sẽ bước vào các phiên đối chất trước, từ ngày 1/11/2018.
Đoàn Thị Hương (phải) và bị cáo người Indonesia Siti Aisyah. Ảnh: AP. |
Theo trang Telegraph, thẩm phán Azmi Ariffin nói rằng dựa trên bằng chứng được trình trước tòa, có một "âm mưu được chuẩn bị kỹ càng" giữa hai người phụ nữ và 4 nghi phạm (người Triều Tiên) nhằm sát hại ông Kim "một cách có hệ thống".
Đồng thời, thẩm phán Ariffin cũng không loại trừ khả năng đây là một vụ ám sát mang mục đích chính trị nhưng chưa có đủ bằng chứng để chứng minh điều đó.
Như vậy, sau một năm rưỡi điều tra và thẩm vấn, trải qua nhiều phiên tòa xét xử ở các cấp, Malaysia vẫn chưa thể đưa ra được quyết định cuối cùng về vụ án này cũng như định đoạt "số phận" Đoàn Thị Hương.
Trong suốt các phiên tòa kéo dài nhiều tháng qua, 34 nhân chứng đã xuất hiện và 236 tang chứng được trình trước tòa, các nghi phạm cũng được đưa tới sân bay quốc tế Kuala Lumpur để tái dựng hiện trường.
Đoàn Thị Hương rời khỏi tòa án Malaysia sau phiên phán quyết ngày 16/8. Ảnh: Reuters. |
Được biết, Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah là hai nghi phạm cuối cùng của vụ án sát hại ông Kim. Trước đó, chính phủ Malaysia đã thả nghi can người Triều Tiên và 4 nghi can khác tẩu thoát khỏi Malaysia ngay trong ngày xảy ra sự việc.
Luật sư của hai bị cáo chỉ trích việc Malaysia thả nghi can Triều Tiên về nước đã khiến các cô gái mất đi bằng chứng quan trọng chứng minh họ vô tội. Đồng thời, luật sư của Đoàn Thị Hương cũng cáo buộc phía Malaysia không điều tra đầy đủ vụ việc.
Trong những phiên tranh luận tại tòa Thượng thẩm, các luật sư cũng chỉ trích cuộc điều tra của cảnh sát Malaysia là “cẩu thả, thiên vị” và cho rằng phía công tố viên không làm rõ được động cơ trong vụ án mạng cũng như tình tiết vụ án này còn nhiều kẽ hở.
Về phần mình, Đoàn Thị Hương liên tục bác bỏ cáo buộc cho rằng họ đã sát hại công dân Triều Tiên mang hộ chiếu Kim Chol (người được cho là Kim Jong Nam) và khẳng định mình bị lừa tham gia vào một chương trình truyền hình.
Chưa được tuyên vô tội trong phiên phán quyết ngày 16/8 đồng nghĩa với việc Đoàn Thị Hương sẽ bước vào các phiên tranh tụng để biện hộ cho hành động của mình.
Như vậy, vụ nghi án sát hại ông Kim Jong-nam sẽ kéo dài thêm nhiều tháng nữa.
Luật sư của Đoàn Thị Hương muốn lấy lời khai nhân chứng Việt Nam
Luật sư của Đoàn Thị Hương cho biết họ sẽ viết thư cho Tổng chưởng lý Malaysia yêu cầu lấy lời khai từ các nhân ... |