Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa dịch H1N1 năm 2023

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM đã phát hiện nhiều điểm dịch H1N1 ở một số trường học tại khu vực quận 10 và quận Bình Thạnh. Cùng tìm hiểu các thông tin quan trọng về dịch H1N1 để phòng ngừa và hạn chế tình trạng lây lan của dịch bệnh.

Xuất hiện nhiều điểm dịch H1N1 tại khu vực TP HCM 2023

Vào ngày 22/3 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết vừa phát hiện ổ dịch cúm A (H1N1) tại Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10.

Theo đó, ngay sau khi nhận được tin báo của Trung tâm Y tế Quận 10 về số học sinh nghỉ ốm tăng bất thường tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, HCDC đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Trung tâm Y tế Quận 10 thực hiện điều tra dịch tễ, tổ chức thăm khám cho các trẻ.

Ghi nhận trong hai ngày 15 - 16/3, số học sinh nghỉ học vì bệnh đã tăng cao bất thường. Cụ thể, có tổng cộng 20 học sinh bị bệnh với các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, nôn, một số học sinh sốt cao đến 39.

Qua quá trình thăm khám cho các học sinh có triệu chứng, các bác sĩ nhận định ban đầu nghi ngờ các trẻ mắc cúm và thực hiện lấy ngẫu nhiên 6 mẫu xét nghiệm cúm.

Đến ngày 17/3, kết quả cho thấy 6/6 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A (H1N1). Song, tính từ ngày 17/3 đến nay, lớp học chưa ghi nhận thêm trường hợp mới có triệu chứng.

Ngoài ra, vào ngày 23/2, TP HCM đã phát hiện thêm các điểm dịch mới tại Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn, quận Bình Thạnh, khiến số học sinh nghỉ học tăng cao bất thường.

HCDC cho hay, theo số liệu giám sát trong những tháng đầu năm, Thành phố đã ghi nhận các chùm ca bệnh hô hấp ở trường học ở quận Bình Thạnh và mới đây là Quận 10.

Đặc biệt, TP HCM đang vào mùa cao điểm của các bệnh đường hô hấp, dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người. Hiện, các chùm ca bệnh đã được ghi nhận và xử lý sớm giúp hạn chế lây lan.

Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC)

Những điều cần biết và dịch bệnh cúm H1N1

Bệnh cúm H1N1 là một trong các bệnh cúm mùa gây ra bởi cơ thể nhiễm virus H1N1, một loại virus cúm được phát hiện vào năm 2009 và đôi khi còn được gọi là cúm lợn vì ban đầu các nhà khoa học cho rằng chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn.

Nhóm đối tượng có nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc phải bệnh H1N1 là những người lớn tuổi, thai phụ, người có bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính, còn lại các đối tượng khác hầu hết đều được chẩn đoán là lành tính và có thể tự khỏi sau vài ngày.

Với đặc điểm của virus cúm rất dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người. Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM đã nhận định rằng, H1N1 là loại bệnh có thể dự phòng được.

Nguyên nhân gây ra bệnh cúm H1N1

Virus cúm H1N1 được phát hiện trên lợn đầu tiên, song loại virus này có khả năng lây nhiễm từ người sang người vô cùng mạnh mẽ và tấn công vào lá phổi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Người mắc bệnh cúm H1N1 có thể xuất phát từ những nguyên nhân dưới đây:

- Hít phải không khí có chứa dịch tiết của người nhiễm bệnh khi họ sổ mũi, ho, hắt hơi.

- Tiếp xúc gián tiếp: Khi chạm tay vào đồ vật có chứa virus H1N1 như mặt bàn, ly uống nước, khăn tắm, bàn chải đánh răng,… rồi đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi, miệng, virus sẽ theo đường hô hấp xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh cúm.

- Tiếp xúc trực tiếp: Người bị nhiễm cúm H1N1 có khả năng lây bệnh cho người xung quanh trong vòng 7 ngày từ khi có triệu chứng của bệnh. Do đó, người bình thường khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua giao tiếp, hôn hoặc quan hệ tình dục thì nguy cơ lây nhiễm cúm H1N1 là rất cao. Đặc biệt là ở môi trường công cộng, đông người như công viên, lễ hội,… thì virus càng lây lan mạnh mẽ hơn.

Ảnh: Hello Bacsi

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh H1N1

Theo các chuyên gia y tế, người nhiễm cúm H1N1 thường có các triệu chứng như cúm bình thường, nhưng có kèm theo một số dấu hiệu đặc trưng hơn, cụ thể như sau:

- Sốt cao đột ngột kèm ớn lạnh. Người bệnh thường sốt cao hơn 38;

- Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau nhức cơ, biếng ăn, cơ thể suy nhược;

- Đau họng, viêm họng, ho khan;

- Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở;

- Buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy.

Theo đó, các triệu chứng của bệnh cúm H1N1 có thể từ nhẹ đến nặng tùy mỗi người.

Về cơ bản, người mắc cúm thường sốt 2 - 5 ngày, trong khi các bệnh về đường hô hấp do virus khác thường hết sốt sau 24 - 48 giờ.

Các triệu chứng cúm H1N1 thường được cải thiện sau 2 - 5 ngày mặc dù bệnh có thể kéo dài 7 ngày hoặc hơn.

Đặc biệt, người bệnh cần phân biệt các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và cúm H1N1 để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh H1N1

Để phòng chống cúm H1N1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp dưới đây:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế tối đa việc đưa tay trực tiếp lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; sử dụng hàng ngày các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt.

- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, nơi làm việc.

- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa nhiễm virus cúm, bảo vệ cơ thể.

- Những đối tượng có nguy cơ cao như người mắc bệnh mạn tính, trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ có thai cần tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc nghi mắc cúm.

- Phòng tránh lây nhiễm cúm H1N1 chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh: Người thân và bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế; khi tiếp xúc với người bệnh nên giữ khoảng cách trên 1m.

- Chủ động theo dõi sức khỏe, thông báo ngay cho cơ sở Y tế khi có triệu chứng cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe kịp thời. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong

- Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

- Chủ động tiêm chủng vắc xin cúm đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại hằng năm là biện pháp an toàn và hiệu quả để bảo vệ cơ thể trẻ em, người lớn chống lại bệnh cúm.

Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

chọn
Hà Nam chi hơn nghìn tỷ làm 5 km đường trục phía đông cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, hoàn thành năm 2027
Đường trục dọc phía đông cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn từ sông Châu đến hết địa phận TP Phủ Lý) có chiều dài hơn 5 km, với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.