Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán: NDN), doanh thu thuần đạt gần 955 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt 72,3 tỷ đồng.
Doanh thu trong quý chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ, chủ yếu do giảm lãi đầu tư chứng khoán. Qua đó, công ty lỗ sau thuế 12,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 21,3 tỷ đồng.
Cả năm 2022, doanh thu thuần của Nhà Đà Nẵng đạt 3,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 509 tỷ đồng. Công ty cũng lỗ sau thuế 136,5 tỷ đồng, so với khoảng lãi 252 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, công ty từng cho biết mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm là hơn 107 tỷ đồng. Khi đó, Ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn hộ Monarchy Block B và bàn giao các căn hộ đủ điều kiện trong 6 tháng cuối năm 2022.
Cơ cấu doanh thu thuần năm 2022 cho thấy, công ty chỉ có nguồn thu từ cung cấp dịch vụ, ngoài ra, không có doanh thu từ xây lắp, đồng thời ghi nhận âm gần 126 triệu đồng từ chuyển nhượng bất động sản. Trước đó, mảng bất động sản từng là trụ cột doanh thu của Nhà Đà Nẵng, ghi nhận 508 tỷ đồng trong năm 2021.
Tính đến cuối năm 2022, giá trị tồn kho tại dự án Khu phức hợp Monarchy là hơn 247 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Mặt khác, khoản người mua trả tiền trước tại dự án này đạt 454 tỷ đồng, giảm gần 3%.
Theo Nhà Đà Nẵng, thị trường chứng khoán có nhiều biến động tiêu cực nên hoạt động đầu tư tài chính của công ty không hiệu quả. Cũng theo doanh nghiệp, đây là nguyên nhân chính khiến công ty báo lỗ sau thuế.
Năm 2022, lãi tiền gửi, tiền cho vay và cổ tức, lợi nhuận được chia giảm lần lượt 45% và 62% so với cùng kỳ. Nguồn thu chính là lãi đầu tư chứng khoán giảm gần 90%.
Mặt khác, lỗ đầu tư chứng khoán và dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh tăng cao (ghi nhận vào chi phí tài chính), qua đó kéo tổng chi phí trong năm tăng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, Nhà Đà Nẵng ghi nhận 699 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, giảm 35% so với đầu năm, trong đó, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 475 tỷ đồng.
Khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh có giá gốc là 310 tỷ đồng, phần lớn là khoản đầu tư vào mã VHM của CTCP Vinhomes (169 tỷ đồng). Bên cạnh VHM, Nhà Đà Nẵng cũng rót tiền vào 8 mã cổ phiếu khác, gồm mã ABB, AMV, GEG, HPG, ORS, QTP, SHB và TCB.
Giá trị hợp lý của khoản đầu tư chứng khoán này là 227,8 tỷ đồng, bằng 73% giá trị gốc đầu tư. Ngoài ra, công ty cũng trích lập dự phòng gần 86,5 tỷ đồng cho khoản đầu tư này, cao gấp 3,7 lần hồi đầu năm.
Trước đó, tại thời điểm đầu năm 2022, số mã cổ phiếu mà Nhà Đà Nẵng đầu tư là 24 mã cổ phiếu, giá trị gốc thời điểm đó là gần 486 tỷ đồng với giá trị hợp lý là gần 451 tỷ đồng
Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn nói trên cũng đóng góp vào lượng tiền mặt gần 770 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tài sản của Nhà Đà Nẵng. Tại cuối năm 2022, tổng tài sản đạt hơn 1.379 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm, trong đó, lượng.
Tại cuối năm 2022, công ty không ghi nhận dư nợ vay tài chính nào. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong năm, công ty đã vay 10 tỷ đồng và đã tất toán khoản vay.
Ngoài ra, công ty cũng chi hơn 143 tỷ đồng để trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu, do đó dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính ghi nhận giá trị âm.
Mặt khác, công ty có gần 1.087 tỷ đồng từ thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác; qua đó dòng tiền từ hoạt động đầu tư dương gần 134 tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng dương 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 678 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ trong năm là 320 tỷ đồng, thấp hơn con số 2.659 tỷ đồng năm 2021. Đồng thời, công ty có 460 tỷ đồng tiền thu bán hàng, cung cấp dịch vụ, doanh thu khác, tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh.
Kết quả, dòng tiền thuần năm 2022 của Nhà Đà Nẵng dương 28,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 6,2 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền cuối kỳ đạt hơn 40 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ ở mức gần 11,5 tỷ đồng.