Nhà giáo Lê Mai Hương: Em bé dám nói 'không' tốt hơn em bé luôn ngoan ngoãn gật đầu

Cuộc sống có vô số đáp án cho cùng một vấn đề, nhưng khi cha mẹ và giáo viên tin rằng mình luôn đúng, trẻ phải nghe theo ý mình, họ đã tước đoạt đi của trẻ quyền được tư duy và giải quyết vấn đề theo cách của riêng mình – Nhà giáo Montessori 3-6 Lê Mai Hương chia sẻ.
 
nha giao le mai huong em be dam noi khong tot hon em be luon ngoan ngoan gat dau
“Em bé dám nói ‘không’ thì tốt hơn em bé luôn ngoan ngoãn gật đầu!” (Ảnh: Annietao)

“Em bé dám nói ‘không’ thì tốt hơn em bé luôn ngoan ngoãn gật đầu!”

Cũng giống như những bố mẹ thuộc thế hệ 8X, khi còn nhỏ, nhà giáo Lê Mai Hương cũng được giáo dục theo cách truyền thống, phải làm theo những điều mà cha mẹ, người lớn nghĩ là tốt nhất. Trong quá trình lớn lên, cũng có đôi lúc chị làm theo ý của mình, nhưng về cơ bản vẫn là một đứa trẻ ngoan ngoãn như bao đứa trẻ Việt Nam khác. Cho đến khi theo học Montessori tại Học viện Maria Montessori tại Anh, chị Mai Hương mới tìm lại được chính mình, biết được mình là ai, mình thích điều gì, mình muốn làm gì trong cuộc đời mình.

Ở đất nước mình, giáo viên và cả cha mẹ luôn nghĩ rằng nghĩa vụ của mình là phải dạy, nghĩa vụ của trẻ là phải học, nên chúng ta hăm hở dạy, hăm hở sửa, nếu con làm sai thì “con sai rồi, con phải làm như thế này mới đúng!” Suy nghĩ rằng “mình luôn luôn đúng, còn tất cả những người khác là sai”, thiếu tư duy đa chiều là một điểm yếu của người Việt.

Trong khi đó, cuộc sống thực có vô số đáp án cho cùng một vấn đề, mọi dòng sông đi ra tới biển không đi đường thẳng mà phải trải qua bao nhiêu lần quanh co, uốn lượn, ghềnh thác. Nếu làm A không được thì phải thử B, C, D, thử cách này không được thì phải thử cách khác… nhưng chúng ta không được dậy như thế, văn có văn mẫu, các môn tự nhiên có bài giải mẫu, đó là con đường mọi người đều đi – THEO MẪU.

Khi được giáo dục theo cách “người lớn luôn đúng”, “chỉ có cách A là đúng”… trẻ em sẽ trở thành những người lớn không có chính kiến và tư duy đa chiều, đi làm không dám cãi lại sếp, không dám nói ra điều mình cho là đúng và bảo vệ những điều mình suy nghĩ. Bởi vậy, một em bé trả lời “không” thì tốt hơn là em bé luôn gật đầu, bởi điều đó cho thấy em bé có tư duy của riêng mình, biết mình thích và muốn làm gì, nói lên được sở thích của mình.

Trong phương pháp giáo dục Montessori, em bé là người quyết định toàn bộ mọi thứ. Trong giáo án của giáo viên Montessori, luôn có chữ “mời” em bé tham gia hoạt động, em có quyền lựa chọn làm điều mà mình thích, tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với hành động của mình.

nha giao le mai huong em be dam noi khong tot hon em be luon ngoan ngoan gat dau
Nhà giáo Lê Mai Hương: Em bé sinh ra đã hòa bình, chính cách nuôi dạy biến các em thành người cạnh tranh.

Em bé sinh ra đã hòa bình, chính cách nuôi dạy biến các em thành người cạnh tranh

Do được trao quyền để giải quyết vấn đề của mình, tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm, các em bé trong lớp học Montessori không bao giờ đổ lỗi cho người khác và luôn nghĩ ra cách để giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Qua thời gian dài trải nghiệm cuộc sống cùng các em bé, chị Lê Mai Hương nhận thấy bản thân các em bé rất hòa bình, sinh ra đã hòa bình. “ Có lần tôi chứng kiến một em bé đang thực hiện hoạt động câu cá. Một em bé khác nhìn thấy thì rất thích, em quấn thảm quanh người thành một cái váy và đi tới chỗ bạn vô tình làm đổ hết đồ câu cá xuống đất. Em bé câu cá không nói không rằng chỉ nhặt hoạt động của mình đtặ lại lên bàn cũng không ngẩng lên xem người làm đổ là ai. Một em bé 2 tuổi ngồi cạnh đó cũng không nói không rằng, vui vẻ cúi xuống nhặt con cá rơi lên đính vào đầu dính nam châm cho bạn.”

Khi chứng kiến câu chuyện này, nhà giáo Lê Mai Hương nhận thấy trẻ em còn giỏi hơn người lớn, người lớn bị quệt xe thì sẽ có xu hướng mắng cho người kia một trận, ăn miếng trả miếng… Còn em bé trong câu chuyện trên đã bình tĩnh, nhặt hết mọi thứ lên, và người bạn 2 tuổi đã nhìn thấy việc mình có thể giúp để lặng lẽ làm mà không nói một câu nào. Mọi chuyện diễn ra êm đẹp hòa bình mà không cần nói một câu nào, nếu cô giáo bận rộn dạy mà không dành thời gian quan sát thì đã bỏ lỡ những điều tốt đẹp mà mình vừa nhìn thấy.

Hòa bình có sẵn trong mỗi em bé, mỗi con người. Chính cách nuôi dạy cạnh tranh hay so sánh, con mình giỏi hơn con người khác, thi các cuộc thì thì phải thắng, dùng gương nọ gương kia gây áp lực cho trẻ… đã hình thành ở các em thói quen cạnh tranh, không hòa bình nữa. Trong Montessori không khen chê trẻ, không chấm điểm trẻ, không công bố đánh giá về trẻ trong các cuộc họp phụ huynh… bởi quan điểm không bao giờ lấy người khác làm thước đo trẻ mà trẻ chỉ so sánh bản thân mình ở hiện tại với quá khứ.

Trong trường học Việt Nam, chúng ta thường khen ngợi và dành sự chú ý cho những em bé đứng đầu, những em bé đạt giải thưởng, những em bé điểm cao nhất, và tất cả những đứa trẻ còn lại trở thành những công dân hạng hai, mặc cảm vì mình không giỏi bằng người khác. Nếu không có khen chê, trẻ em sẽ không bị áp lực là mình phải giống người khác, không cạnh tranh với người khác mà sống hòa bình, hợp tác như bản chất lúc được sinh ra.

nha giao le mai huong em be dam noi khong tot hon em be luon ngoan ngoan gat dau
Khủng hoảng tuổi lên 3: Không có khủng hoảng nào cả. (Ảnh: Annietao)

Khủng hoảng tuổi lên 3: Không có khủng hoảng nào cả

Nhiều bố mẹ gọi tuổi 2-3 là chiến sự là khủng hoảng, là đang trầm trọng hóa vấn đề. Không có khủng hoảng nào cả mà là em bé đang dần trở nên độc lập. Em bé không muốn mặc chiếc áo màu xanh mà thích mặc chiếc áo màu đỏ. Không ăn món này mà thích ăn món kia. Các em bé cố bảo vệ cái tôi bé tẹo của mình mà bị bao nhiêu người tấn công từ ông bà, người giúp việc, thầy cô giáo… bắt phải như này như kia theo ý mình, đến lúc bố mẹ đi làm về lại tước nốt phần còn lại, phải nghe nốt bố mẹ.

Khi trẻ em không duy trì được biên giới hữu hình và vo hình của mình với mọi người xung quanh thì các em bé sẽ tức giận, phá phách để phản đối và dùng cái vũ khí duy nhất mà mình có là “á á á’ – khóc to lên cho người lớn biết. Cả bố mẹ và con đều bị xung đột, không ai hạnh phúc.

Không có khủng hoảng nào ở tuổi 2-3 trừ khủng hoảng trong đầu bố mẹ. Em bé cần cái gì hãy cung cái đó, trong một biên giới đúng được tạo ra ngay từ khi sinh con ra. Chẳng hạn con được có một hộp sô cô la cho một tháng, mỗi ngày con được ăn một viên, nếu hôm nay con ăn 3 cái liền thì sau đó sẽ có hai ngày không được ăn viên nào. Hãy giới hạn sự lựa chọn ngay từ đầu, sau đó con có thể lựa chọn theo ý thích của con. Đến mùa hè cất hết quần áo mùa đông. Số quần áo mùa hè còn lại em bé chọn màu nào chẳng được. Em bé được trao quyền từ từ trong khả năng kiểm soát của mình để dần dần trở nên độc lập và có trách nhiệm.

Giai đoạn 0-6 là quan trọng nhất của cuộc đời, chứ không phải là đại học

Phương pháp Montessori cho rằng bậc học 0 -6 tuổi là quan trọng nhất cuộc đời chứ không phải đại học. Giống như một ngôi nhà, móng chắc thì nhà cao mấy cũng xây được. Nếu ở bậc học mầm non, nhà trường, cha mẹ và xã hội tạo điều kiện để trẻ phát triển đầy đủ 9 loại hình thông minh (thể chất, ngôn ngữ, tương tác và giao tiếp, toán học và logic, âm nhạc và thính giác, nội tâm, tương tác và giao tiếp, triết học) thì trẻ có nền tảng tốt để phát triển về mọi mặt, như nhà chồng bao nhiêu tầng cũng không đổ.

Montessori cũng như các mô hình mầm non nổi tiếng trên thế giới đều chú trọng giáo dục toàn diện tất cả các lĩnh vực, mọi môn học đều quan trọng như nhau, không có môn nào chính, môn nào phụ. Lớp học Montessori được thiết kế luôn mở cửa, bởi “open door – open heart – open mind” mở cửa - mở trái tim, mở tâm trí… Đang ở trong lớp học, các em bé có thể chạy ra vườn để nghe tiếng chim hót, đi theo con bướm bay, dùng kính lúp quan sát một bông hoa, kiến tha mồi… tất cả đều là một phần của chương trình học. Sinh học cũng quan trọng như âm nhạc hay nghệ thuật hay toán hay ngôn ngữ.

Ở Việt Nam, nhiều bố mẹ coi trọng ngôn ngữ và toán hơn các môn học khác, và điều này có thể dẫn đến em bé rất mạnh các lĩnh vực này, nhưng lại không được phát triển các mảng khác cũng quan trọng không kém. Trong trường hợp đó, bố mẹ cần chú ý đến các lĩnh vực con mình còn yếu để tạo môi trường cho bé phát triển đầy đủ, tạo ra một nền tảng vững vàng cho giai đoạn mầm non.

nha giao le mai huong em be dam noi khong tot hon em be luon ngoan ngoan gat dau
Trường học tốt nhất cũng không quan trọng bằng văn hóa gia đình. (Ảnh: Annietao)

Trường học tốt nhất cũng không quan trọng bằng văn hóa gia đình

Nhiều bố mẹ muốn con vào trường học tốt nhất, băn khoăn lạc lối không biết nên chọn trường gì cho con giữa các phương pháp Montessori, Steiner, Reggio Emilia, HighScope đang có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên theo nhà giáo Lê Mai Hương, trường Montessori hay bất cứ trường nào khác cũng không quan trọng bằng văn hóa gia đình. Trường học chỉ đóng góp một phần trong sự phát triển của trẻ, bên cạnh gia đình và xã hội.

Kể cả những trường học tốt nhất ở những đất nước văn minh, giàu có nhất trên thế giới cũng không thay thế được tầm quan trọng của IQ, của nếp nhà và EQ học được từ khi sinh ra thể hiện qua cách người mẹ chăm con dậy con về tình yêu và lối sống. Khi người mẹ sinh con ra, ôm con cho bú, hát ru con ngủ, khi bàn tay người cha cẩn trọng thay bỉm, tắm táp, vuốt ve mát xa. Khi giọng nói nựng nịu ư, ư, ê, a của mọi người trong gia đình dù người ngoài nghe rất buồn cười chứa trong đó tất cả yêu thương mọi người dành cho bé.

Tất cả những điều đó là la bàn cho em bé về tình yêu, về cách đối xử giữa người với người, về cuộc sống mình cần phải học để thích nghi. Một em bé sống trong một gia đình hạnh phúc là một em bé luôn sản sinh ra hóc môn hạnh phúc, nuôi dưỡng hệ miễn dịch, giúp não phát triển, giúp cơ thể phát triển, giúp tâm hồn em bé phát triển, dạy em về biên giới giữa người với người và về tình yêu vô điều kiện. Vừa thay bỉm thối cũng vẫn “Mẹ yêu, mẹ yêu cái mông xinh thúi thúi.”… Tất cả những điều đó chỉ có trái tim và bàn tay cha mẹ mới làm được cho con.

Bởi thế, theo nhà giáo Lê Mai Hương, quay lại những gì giản dị, cốt lõi nhất, quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ, vẫn là vai trò của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng những đứa trẻ độc lập, chịu trách nhiệm, được chuẩn bị sẵn sàng để xây dựng cuộc sống an lành hạnh phúc giữa những người khác.

XEM THÊM

nha giao le mai huong em be dam noi khong tot hon em be luon ngoan ngoan gat dau 'Bạo hành trẻ em là tội ác'

Bạo hành trẻ dù chỉ bằng một lời nói cũng là vi phạm pháp luật cho dù đó là ai, thiết nghĩ điều đó đủ ...

nha giao le mai huong em be dam noi khong tot hon em be luon ngoan ngoan gat dau Phải làm gì với con?

Tôi phải làm gì để sửa những thói đó ở con? Tôi không dạy nó thì mai mốt nó sẽ biến thành cái gì? Rõ ...

nha giao le mai huong em be dam noi khong tot hon em be luon ngoan ngoan gat dau Đừng gọi chúng tôi là ‘mẹ vụng’, đừng động đến niềm kiêu hãnh của chúng tôi!

Làm gì có người mẹ nào "vụng", mẹ nào cũng là mẹ khéo chăm con, nếu như người ta chịu lùi ra xa, để yên ...

nha giao le mai huong em be dam noi khong tot hon em be luon ngoan ngoan gat dau Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng người ta lại coi nó là 'cái tội'

Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng trớ trêu thay, ở loài người, bám mẹ lại bị coi là “cái tội”.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030
Nam Định được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng điểm qua những thông tin nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.