Làm gì có người mẹ nào là “mẹ vụng”. (Ảnh minh họa) |
Làm gì có người mẹ nào là “mẹ vụng”!
Đừng bao giờ nói với người làm mẹ rằng họ là “mẹ vụng”, “mẹ không biết chăm con”. Dù họ đang lóng ngóng với tư thế cho con bú thì họ cũng là người duy nhất mang đến dòng sữa hoàn hảo nhất nuôi lớn đứa trẻ. Không một ai khác có thể thay thế được nhiệm vụ thiêng liêng này. Dù đứa trẻ gầy, nhưng hãy nhìn cách đứa trẻ đó vui chơi nhanh nhẹn, hoạt bát. Khi ấy mẹ của em bé đó đáng lẽ phải được khen là “mẹ đảm” mới đúng. Dù đứa trẻ 9 tháng vẫn chưa nhú răng, 14 tháng vẫn chưa đi vững…vì chỉ được bú mỗi sữa mẹ, hãy thử hỏi mẹ bé xem bé ít ốm thế nào, ít dùng kháng sinh ra sao, trước khi phán xét người mẹ ấy.
Khái niệm “mẹ vụng” thực sự đâu có tồn tại. Nó chỉ là một lời bình phẩm người ta cứ gán cho người làm mẹ. Ngay từ khi phôi thai hình thành trong tử cung, cơ thể mẹ được tạo hóa lập trình một cách diệu kỳ, hoàn hảo, không một chi tiết sai sót. Để từ đấy trong suốt 9 tháng 10 ngày, cơ thể mẹ tạo ra một em bé đủ hình hài, bộ phận. Dòng sữa mẹ cũng được chuẩn bị sẵn từ trước, chỉ chờ đến ngày em bé chào đời là cho mút bú. Bản năng của người mẹ, ôm ấp con thế nào, cưng nựng con ra sao cũng đều tự nhiên đến mà không cần ai phải dạy hay chỉ bảo.
Bản năng vô hình đó tự nhiên biến một người mẹ không hề biết nấu nướng, bỗng dưng trở thành “đầu bếp tại gia” của con khi con bắt đầu ăn dặm. Cũng vẫn từ bản năng đó, người mẹ ít nói trở nên nói nhiều, vì con họ cần nói chuyện, cần được tương tác với mẹ trong những năm đầu đời; họ cũng biến từ chậm chạp trở nên nhanh nhẹn, lười biếng trở nên chu toàn…
Mẹ nào cũng là mẹ khéo chăm con, nếu như người ta chịu lùi ra xa, để yên cho người mẹ được làm mẹ trong thế giới riêng của họ. (Ảnh minh họa) |
Mẹ nào cũng là mẹ khéo chăm con, nếu như…
Mẹ nào cũng là mẹ khéo chăm con, nếu như người ta chịu lùi ra xa, để yên cho người mẹ được làm mẹ trong thế giới riêng của họ. Bản năng làm mẹ vốn đã thôi thúc họ phải tự tìm tòi, học hỏi, chọn lọc cách chăm sóc, nuôi dạy con. Người mẹ cũng là người hiểu con mình nhất. Không một ai khác có thể biết được một đứa trẻ phù hợp với cách nuôi nấng, dạy bảo nào ngoại trừ người mẹ của chính đứa trẻ ấy.
Nếu như người mẹ được yên tĩnh, được toàn quyền lắng nghe bản năng bên trong mình thì chắc chắn họ sẽ có những quyết định đúng đắn trên hành trình làm mẹ của họ, từ những việc nhỏ nhặt như cho con bú sữa gì, ăn dặm theo phương pháp nào đến những vấn đề lớn hơn như dạy con cái gì, có nên giáo dục sớm hay không?
Một người mẹ rất có thể sẽ nuôi con sữa mẹ thành công, không bị stress vì ít sữa nếu như người ta không nói rằng người mẹ đó “ngực nhỏ quá, làm gì có sữa”, “sữa màu nhợt thế, không có chất”, “sữa không thơm, sữa hôi, con không tăng cân”, “con khóc quá, nó đói, mẹ cơ địa ít sữa rồi”….
Một người mẹ rất có thể sẽ dạy con biết ăn thô sớm, tự biết xúc thìa sớm nếu như không có quá nhiều người xung quanh khuyên rằng: “phải xay nhuyễn mọi thứ, con mới hấp thụ hết chất dinh dưỡng”, “cho ăn thô sớm là hại dạ dày con”…
Một người mẹ rất có thể sẽ biết dạy con chủ động chào người lớn với vẻ mặt hào hứng, không chút miễn cưỡng nếu như người ta không nói rằng: “trẻ con chào người lớn trước mới là ngoan”, “nhìn thấy người lớn tuổi mà không chào, thật là hư quá”.
Làm mẹ là phải có bản lĩnh và niềm tin. (Ảnh minh họa) |
Suy cho cùng, việc phán xét một người làm mẹ không làm cho họ tự tin lên, mà chỉ khiến họ nghi ngờ bản năng làm mẹ của chính mình. Nó như một kiểu “tự kỷ ám thị”, khi người ta nói bạn là “mẹ vụng”, bạn sẽ “dán nhãn” cho mình rằng: “Ồ tôi đúng là một bà mẹ không biết chăm con”, và bạn cứ thế tin rằng mình vụng thật, mình không thể chăm và nuôi dạy con tốt như những bà mẹ khác.
Vậy nên, làm mẹ thời nay là phải có bản lĩnh và niềm tin! Bản lĩnh là để có thể “giả ngơ, giả câm, giả điếc” và cười xòa cho qua những lời khuyên chưa biết có đúng không của tất thảy mọi người xung quanh. Giữa vô vàn những cách nuôi dạy con được giới thiệu nhan nhản trong sách vở, trên ti vi báo đài, từ kinh nghiệm truyền miệng dân gian, chỉ có bản lĩnh mới giúp người làm mẹ phân biệt được cách nuôi dạy nào hợp với con mình, cách nào không.
Còn niềm tin là để không nghi ngờ vào bản năng làm mẹ sẵn có. Tin rằng mình không “vụng” như lời người ta nói, tin rằng mình luôn luôn là người mẹ tốt, và mình là điều đẹp đẽ nhất trong thế giới những năm đầu đời của con.