Nhà tồn kho tại Trung Quốc đủ cho 150 triệu người ở

Tồn kho nhà ở tại Trung Quốc đạt gần 5 tỷ m2 vào cuối năm ngoái, đủ chỗ ở cho 150 triệu người, theo Nikkei.

"Với mức giá 620.000 nhân dân tệ (86.300 USD), căn hộ rộng 110 m2 này đã giảm 22%. Chúng tôi có thể bớt thêm nếu bạn quan tâm", một nhân viên bán hàng của Country Garden Holdings ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên cho biết.

Gặp khó khăn tài chính, chủ đầu tư này đang tổ chức đợt bán tháo để kiếm ít tiền mặt. Các nền tảng rao bán bất động sản online cũng sôi nổi tin giảm giá. Ví dụ, một căn hộ ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh chào giá 8.300 nhân dân tệ mỗi m2, giảm 3.000 nhân dân tệ.

Cuộc đua giảm giá khốc liệt diễn ra khi thị trường nhà đất bão hòa. Mức tồn kho - tính bằng tổng diện tích xây dựng trừ đi diện tích đã bán - xấp xỉ 5 tỷ m2 vào cuối 2023. Theo Nikkei, giả sử mỗi căn hộ có diện tích 100 m2 và 3 người ở, thì đang thừa nhà cho 150 triệu người, tương đương 50 triệu căn.

Các khu dân cư ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ngày 8/1. Ảnh: AFP.

Trung Quốc đang vật lộn với hậu quả của bong bóng nhà đất. Cơn sốt xây nhà hạ nhiệt sau khi nước này bắt đầu thắt chặt các quy định năm 2020 nhưng lượng tồn kho vẫn ở mức cao do doanh số bán hàng chậm chạp.

Năm ngoái, diện tích sàn nhà ở được bán đạt tổng cộng 940 triệu m2, giảm 40% so với mức đỉnh 1,56 tỷ m2 vào 2021. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết thị trường bất động sản nước này khép lại năm 2023 với giá nhà mới giảm sâu nhất gần 9 năm, đầu tư giảm 9,6%, và số công trình xây dựng giảm 20,4%.

Theo khảo sát của China Index Academy, tổng doanh thu tháng 1/2024 của 100 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu giảm 33,3% so với cùng kỳ 2023, cao hơn mức giảm cùng kỳ năm ngoái là 1,6 điểm phần trăm. Doanh số thường thấp vào tháng đầu năm do các công ty tập trung khuyến mại để đẩy hàng cuối năm nhưng chuyên gia nói xu hướng giảm đang cho thấy tâm lý mua nhà vẫn yếu.

China Index Academy dự báo hoạt động thị trường có thể khởi sắc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 10 đến 17/2. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vấn đề nợ nần của Evergrande vẫn đang phủ bóng lên lĩnh vực này.

Hôm 29/1, Tòa án tại Hong Kong ra phán quyết buộc Evergrande thanh lý tài sản, để giải quyết khối nợ 300 tỷ USD. Fitch Ratings đánh giá lệnh thanh lý này "có thể là một quá trình kéo dài với mức độ bất ổn cao". Ngoài ra, diễn biến này cũng ảnh hưởng đến tâm lý các chủ nợ nước ngoài đối với trái phiếu do các công ty bất động sản Trung Quốc phát hành.

Nước này đã đưa ra các chính sách giúp vực dậy lĩnh vực bất động sản và khôi phục tâm lý mua hàng suốt năm qua. Điều này đã giúp ổn định thị trường ở một số thành phố, nhưng giá nhà và nhu cầu vẫn thấp tại nhiều nơi.

Chuyên gia kinh tế Nie Wen của Hwabao Trust cho rằng chính sách của chính phủ nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản có thể bắt đầu phát huy tác dụng năm nay. "Có khả năng cao hơn là mức giảm doanh số bán hàng vào 2024 sẽ thu hẹp so với đà lao dốc thẳng đứng hai năm trước", Nie dự báo.

Theo Nikkei, Trung Quốc có thể mất 5 năm để giải quyết lượng nhà tồn kho. Nhưng quá trình này cũng không dễ do vấn đề nhân khẩu học và lối sống.

Năm 2020, Trung Quốc có hơn 220 triệu người ở độ tuổi 30 - những người mua nhà lần đầu tiềm năng - nhưng con số này dự kiến sẽ giảm xuống dưới 160 triệu vào năm 2035. Hơn nữa, việc mở rộng không gian sống của Trung Quốc - được nhiều người xem là thước đo hạnh phúc - đã chấm dứt.

Năm 1978, khi chính sách mở cửa của nước này bắt đầu, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người chỉ 8 m2. Để cải thiện điều kiện sống, người dân nỗ lực tích cóp mua nhà nhằm giúp không gian sinh hoạt rộng rãi và thoải mái hơn, đẩy diện tích bình quân đầu người lên hơn 40 m2, ngang bằng với Nhật Bản và Anh.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.