Nhạc 'chế' quảng cáo: Đừng gây phản cảm!

Chọn một bản nhạc hit (ăn khách) sẵn có, 'chế lời' phù hợp với nhãn hàng, xu hướng nhạc quảng cáo mới này đang thu hút dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

"Ước gì, ăn mà không nặng nề. Ước gì Tết nào cũng nhẹ nhàng. Cả nhà mình đừng lo nữa nha. Vì nay đã có Tea+" - bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh được chế lời này, do chính ca sĩ Mỹ Tâm thể hiện để quảng cáo cho sản phẩm trà Tea+.

Xu hướng tiện dụng

Kiểu chế lời bài hát hit làm nhạc quảng cáo đang trở nên phổ biến, được các nhãn hàng ưa chuộng. Nếu trước đây, nhạc quảng cáo được đặt hàng riêng thì nay có thay đổi. Một ca khúc hit được chọn làm nhạc quảng cáo chỉnh sửa đôi ba chỗ cho phù hợp với nhãn hàng, sản phẩm là được.

nhac che quang cao dung gay phan cam
Mỹ Tâm hát "Ước gì" phiên bản quảng cáo cho sản phẩm Tea+ Ảnh: TVC

Chẳng hạn bản nhạc ăn khách "Yêu không đòi quà" của Only C khuấy đảo mọi bảng xếp hạng âm nhạc trong nước một dạo nay trở thành bài hát quảng cáo đinh cho thương hiệu Điện máy Xanh. "Từ phụ kiện tới smartphone, tablet, laptop gì cũng có. Em ơi yêu anh đi mà. Muốn chi đã có anh lo. Luôn luôn tặng em quà như ý". Bài hát được khán giả khá yêu thích vì lời lẽ vui vẻ. So với bản hit gốc, lời chế quảng cáo cho Điện máy Xanh cũng không quá khác biệt. Hơn nữa, thông điệp quảng cáo thậm chí còn phù hợp với ý nghĩa mỉa mai mà ca khúc hit "Anh không đòi quà" đề cập trước đó.

Bên cạnh việc đầu tư khoản tiền lớn để đặt hàng viết ca khúc riêng cho nhãn hàng, việc mua bản quyền ca khúc hit sẵn có sử dụng cho quảng cáo sẽ mang lại hiệu ứng cao hơn. Bởi lẽ, ca khúc đã có sẵn lượng người hâm mộ (fan), cộng thêm lượng người tiêu dùng mới là fan của giọng ca ngôi sao gắn liền với bản hit đó được mời hát cho clip quảng cáo. "Không thể so sánh cách nào tốn kém hơn vì mức đầu tư bên nào cũng có giá đúng. Nhưng việc sử dụng ca khúc hit làm nhạc quảng cáo có thể gặt hái được hiệu ứng tức thời bởi sự gần gũi, quen thuộc" - một CEO trong lĩnh vực quảng cáo chia sẻ. "Chanh muối 360 cho ngày thêm tiếng cười. Mang lại thêm sức sống, bừng sáng cuộc đời tươi đẹp" - phiên bản quảng cáo của bài hát hit "Anh là soái ca" của Đàm Vĩnh Hưng đủ sức lôi kéo thêm lượng khán giả sẵn có của giọng ca này đến với sản phẩm mà thần tượng họ quảng cáo.

Giới chuyên môn cũng cho rằng nghe nhạc chế lại lời ca khúc hit cũng thấy vui tai. "Với tôi, việc các thương hiệu, nhãn hàng mua bản quyền ca khúc hit rồi chế lời quảng cáo cho sản phẩm của mình là một lựa chọn khôn ngoan" - nhạc sĩ Only C bày tỏ. Điều này không hề quá lời bởi nhiều ca khúc hit viết lại lời cho sản phẩm cũng được yêu thích không kém. Nhãn hàng Bioré Vietnam với phiên bản "Vũ điệu diệt khuẩn" từ bản hit "Bống bống bang bang" của nhóm 365 thậm chí còn là clip đứng đầu trong tốp 10 video quảng cáo được xem nhiều nhất trên YouTube trong năm qua. Lời lẽ viết lại cho sản phẩm khá đáng yêu và ý nhị, kiểu "Ngày nay, nay ơi là nay khi hè sang tận làng Ninja. Nhà kia có hai mẹ con tiêu diệt vi khuẩn đang quấy phá…".

Với những bài quảng cáo này, khán giả truyền hình, đặc biệt khán giả nhí cực kỳ nhanh thuộc, nhanh nhớ các sản phẩm được quảng bá bởi ca khúc hit là bài hát được công chúng yêu thích trước đó. Nay với lời mới, vui vẻ, gần gũi hơn, ca khúc quảng cáo lại càng dễ tạo ấn tượng hơn với khán giả.

Đến mức phản cảm

Từ những thành công nói trên, xu hướng mua bản quyền bản hit có sẵn chế lại thành nhạc quảng cáo càng được các thương hiệu ưa thích. Nhưng không phải lúc nào những phiên bản "chế" lời cho quảng cáo cũng dễ lọt tai người nghe. Đặc biệt là tâm lý "tham" vô tội vạ của nhiều nhãn hàng khiến cho bài hit bị "phá banh" đến mức không còn hình hài. Nhiều khán giả muốn "chết giấc" vì không còn nhận ra bài hát "Duyên phận" quen thuộc: "Phận là phụ nữ. Mua đồ là đam mê. Quạt nồi, bếp gas, bình, tách, ly muốn mua "quài quài". Mua ngay chị ơi. Giá không cần lo. Rẻ hơn nhiều luôn. Xem giá đi! Chảo ly nồi cơm, máy xay, bình đun. Nhiều lại rẻ, đến ngay Điện máy Xanh". Ngay trong phần bình luận dưới clip quảng cáo này trên YouTube, nhiều khán giả đã kêu trời: "Ông Thái Thịnh (tác giả bài hát "Duyên phận" -PV) nghe bài này xong chắc ổng chết luôn quá".

Hẳn nhiên, bài nhạc được mua bản quyền đã có sự đồng ý cho phép sử dụng từ tác giả. Nhưng có lẽ, không ai có thể nghĩ ra bài nhạc đã bị đặt lời thô bạo như thế này.

Tương tự, quảng cáo của sản phẩm mì gói Omachi "chế" lời mới từ bài hit "Bao giờ lấy chồng?" do Bích Phương Idol thể hiện: "Mì Omachi khoai tây này có thịt. Ôi vị ngon thật đủ đầy. Omachi giờ đây có thịt nha. Omachi mì khoai tây giờ có cả thịt". Cách đặt lời nhắc đi nhắc lại kiểu "cạn lời, cạn ý tưởng" của Omachi khiến bài hát "Bao giờ lấy chồng?" vốn đáng yêu trước đây, trở nên nhạt nhẽo.

Vui và tạo ấn tượng là cách để các thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng. Nhưng tạo vui một cách phản cảm như nhiều nhãn hiệu vấp phải lại là chơi dao hai lưỡi. Khán giả tẩy chay nhãn hàng chỉ vì chế lời quảng cáo "phá" bài hát họ yêu thích là có thật. "Dù có là nhạc quảng cáo thì nó vẫn cần phải mang hình hài của một tác phẩm nghệ thuật" - nhạc sĩ Quốc Bảo bày tỏ.

Tất nhiên, không phải nhãn hàng nào cũng muốn làm nổi sản phẩm của mình bằng mọi cách. Nhiều mẫu quảng cáo chọn ca khúc hit và cũng không cần chế lời để tôn vinh sản phẩm. Những bài hit được sử dụng nguyên bản và những đoạn TVC (quảng cáo truyền hình) được dàn dựng đúng với lời bài hát sẽ giúp cho bản hit có thêm những hình ảnh minh họa mới, để lại nhiều ấn tượng với người xem. Có thể kể đến: "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" (Mỹ Linh hát), "Sóng tình" (MTV hát), "Đôi cánh tình yêu" (Mỹ Tâm hát), "Phút yêu đầu" (Thu Minh hát), "Là con gái thật tuyệt" (Khởi My hát),… Khi được đưa vào các TVC, các bài hit này càng thêm cơ hội phổ biến rộng rãi và được công chúng thêm yêu thích.

Chỉ mang tính nhất thời

Với nghệ sĩ, bán ca khúc hit cho nhãn hàng có nhiều cái lợi, đặc biệt trong thời điểm thị trường nhạc Việt chưa thể bán ca khúc trên hệ thống nhạc số như nước ngoài. Việc một nhãn hàng đặt vấn đề mua ca khúc ăn khách để làm nhạc quảng cáo chẳng khác nào trao "quả ngọt" ngoài mong đợi. Nhạc sĩ có thêm nguồn thu không nhỏ, ca sĩ có thể bù lỗ cho khoản đầu tư lớn mà họ đã đầu tư cho sản phẩm âm nhạc của mình trước đó. Hơn nữa, ca khúc được đưa vào quảng cáo sẽ giúp có thêm lượng khán giả mới. Song nếu quảng cáo để "phá" nát bản hit thì có lẽ ca sĩ nào cũng phải đắn đo, dù được nhiều tiền, như bày tỏ của nhiều ca sĩ.

Nói cho cùng, việc sử dụng những ca khúc hit làm nhạc quảng cáo cũng chỉ là tận dụng sức hút của ca khúc. Giá trị của các TVC này cũng mang tính nhất thời vì tuổi thọ ca khúc hit hiện nay cũng ở dạng "sáng nở chiều tàn" mà thôi.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.