Nhạc Tết thời thị trường biến thành... nhạc quảng cáo

Sáng tác nhạc Tết là một xu hướng và đây là dịp để các nhãn hàng quảng bá các sản phẩm của mình thông qua… các MV nhạc Tết.

Mùa xuân và Tết là đề tài sáng tác muôn thuở của các văn nghệ sĩ. Cứ mỗi một mùa xuân mới, khán giả lại được nghe và xem những ca khúc mới, những MV mới với không khí rộn ràng, vui tươi cũng như mang đến nhiều ý nghĩa về ngày Tết.

Theo nhạc sĩ Trọng Đài, đề tài nhạc Tết hiện nay không chỉ gói gọn về thời khắc giao thừa hay mùa xuân mà mở rộng hơn, tựu chung đều động chạm đến cung bậc tình cảm và cảm xúc của con người. Có đôi khi, chỉ một ánh mắt, một lần gặp gỡ, một phút xuyến xao… đều có thể trở thành một ca khúc nhạc Tết. Có ca khúc vui vẻ, hân hoan, lại có ca khúc dịu dàng và đượm nỗi buồn.

nhac tet thoi thi truong bien thanh nhac quang cao
Hình ảnh trong MV Tết "Khai xuân đón lộc".

Theo thời gian, cách thức sáng tác, thể hiện nhạc Tết cũng có sự thay đổi. Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ, mỗi một thế hệ lại có một cách tiếp cận rất riêng với đề tài này. Trong chiến tranh, mùa xuân mang vẻ đẹp man mác buồn nhưng vẫn phải có sự vui tươi và động viên chiến sĩ, đồng bào. Còn trong thời bình, nhạc Tết lại lồng ghép vào nhiều ý nghĩa về giá trị cuộc sống, về gia đình với mùa xuân đất nước bên cạnh chủ đề tình yêu.

Người nhạc sĩ ở thế hệ trước không chịu nhiều áp lực về thị trường như hiện nay, cũng không đặt yếu tố kinh doanh lên đầu nên họ có không gian rộng rãi để sáng tạo. Âm nhạc đến từ tự nhiên và cảm hứng thì luôn khiến người nghe dễ chịu hơn, sâu sắc và có độ “thấm” hơn. Thời xưa, các phương tiện truyền hình, Internet còn hạn chế nên chỉ thông qua Đài TNVN, hàng triệu ca khúc dễ dàng đến với khán giả hơn. Còn bây giờ, nếu ca sĩ ra một MV mà không có vốn để quảng bá, khán giả lại có nhiều lựa chọn thì sẽ rất khó để ca khúc đó tạo dấu ấn.

Bởi vậy, dẫn đến hình thành một xu hướng sáng tác nhạc Tết mới: MV quảng cáo. Các nhạc sĩ, ca sĩ bắt tay với các nhãn hàng để có nhiều vốn đầu tư quảng bá, nâng cao chất lượng âm nhạc, nghệ thuật của ca khúc hơn. Trong khi đó, các nhãn hàng lại sử dụng những MV này để giới thiệu hoặc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của công ty mình.

Có thể kể đến một số MV quảng cáo gần đây như chuỗi MV “Khai xuân đón lộc” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Đông Nhi, Issac, Uyên Linh của nhãn hàng cà phê; MV “Nhẹ nhàng đón xuân” (Minh Hằng, Hương Giang) của một hãng trà hay MV “Đi rồi trở về” (Soobin Hoàng Sơn) của một nhãn hàng thời trang… Những MV này khi ra mắt đều nhận được sự chú ý lớn của khán giả một phần nhờ tên tuổi của cả các ca sĩ, bên cạnh đó là nội dung MV thu hút, bài hát có giai điệu bắt tai.

nhac tet thoi thi truong bien thanh nhac quang cao
Hình ảnh trong MV "Nhẹ nhàng đón xuân".

Bởi vậy, nhạc sĩ Doãn Nho đánh giá: “MV quảng cáo không phải là một điều xấu bởi đó là nhu cầu do chính thị trường sản sinh ra. Cách làm MV, ca khúc phải thay đổi để đáp ứng hoàn cảnh xã hội là điều rất bình thường”.

Nhạc sĩ trẻ Khắc Hưng cũng cho rằng: “Bây giờ âm nhạc không còn đi riêng rẽ mà phải đi đôi với truyền thông và nhiều yếu tố khác. Đằng sau một nghệ sĩ có khi là cả một ekip, từ chụp ảnh, hóa trang đến quản lý. Nói vậy để thấy được, cho ra mắt một sản phẩm là chiến lược bài bản và được đầu tư rất kỹ”.

Song, theo nhạc sĩ Trọng Đài, chính một phần bởi thị trường mà trong những năm gần đây không có quá nhiều những ca khúc về Tết hay và có sự đột phá. Những ca khúc được nghe nhiều nhất mỗi dịp Tết vẫn là các bài đã quá quen thuộc với khán giả như “Lắng nghe mùa xuân về”, “Khúc giao thừa”, “Phút giao thừa lặng lẽ”… Nhạc sĩ Khắc Hưng cũng nhận định, ca khúc xuân bây giờ đang đi theo lối mòn về mặt ý tưởng; ca từ chỉ vây quanh hoa mai, hoa đào, vui chơi... những yếu tố làm nên Tết chứ không có sự khác biệt.

Nền kinh tế thị trường một phần khiến các nghệ sĩ phải chạy theo nó và giới hạn sáng tạo của chính họ. Các nhà sản xuất hiện nay buộc phải đặt sự an toàn lên hàng đầu, đáp ứng thị hiếu nhất thời của khán giả. Song, nhìn một cách lâu dài, nếu chỉ chuyên tâm làm những sản phẩm quảng cáo như thế này thì không chỉ hại cho nghệ sĩ mà còn cả nền âm nhạc Việt Nam bởi không có sự sáng tạo, không có đột phá và không có cả dấu ấn.

MV quảng cáo chỉ tồn tại được một khoảng thời gian nhất định. Khán giả cũng cần những sản phẩm có chất lượng, mang tư tưởng riêng của nghệ sĩ chứ không phải chỉ theo đơn đặt hàng của các đơn vị. Cho đến khi, nhạc Tết có được một hướng đi mới thì những ca khúc kinh điển vẫn sẽ được khán giả yêu thích.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.