Nhận diện nguyên nhân cản tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Đánh giá một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam bị chậm tiến độ là do thời tiết trong năm mưa nhiều và kéo dài.

Tại gói thầu 10-XL, Công ty Xây dựng Xuân Trường đã huy động thêm nhiều máy móc và mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ. (Ảnh: TTXVN ).

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hiện tại, trong 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang triển khai, 6 dự án thành phần vẫn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Đánh giá nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do thời tiết trong năm mưa nhiều và kéo dài.

Cụ thể, tính đến ngày 18/10, dự án thành phần Mai Sơn – quốc lộ 45 (dài 63,4 km) do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư  có sản lượng thực hiện đạt 68,4% giá trị hợp đồng, chậm 1,4%. Tại dự án này, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 80 ngày mưa. Đây là dự án phải hoàn thành trong năm nay vì vậy, tiến độ của dự án đang rất căng thẳng.

Cũng phải hoàn thành trong năm nay, hai dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cũng gặp bất lợi về thời tiết. Tính từ đầu năm đến nay khu vực triển khai 2 dự án này có số lượng ngày mưa lên tới 59 ngày. Chính vì vậy sản lượng của hai dự án này cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Cụ thể, tính đến ngày 18/10, sản lượng thi công dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết do Ban Quản lý dự án 7 làm đại diện chủ đầu tư mới đạt 47,74% giá trị hợp đồng, chậm 5,3% so với kế hoạch điều chỉnh.

Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư cũng mới đạt sản lượng đạt 53% giá trị hợp đồng, chậm 1,33% so với kế hoạch điều chỉnh.

Trong khi đó, dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, sản lượng thực hiện đạt 47,3% giá trị hợp đồng, chậm 1,99%. Tại khu vực dự án này, từ đầu năm đến nay có gần 60 ngày mưa). Tuy nhiên, dự án này cũng đang dễ thở hơn về tiến độ khi mốc phải hoàn thành là tháng 7/2023.

Với khoảng 20 ngày mưa tính riêng trong tháng 9/2022 cộng với khó khăn về nhiên, vật liệu, dự án thành phần PPP (hợp tác công tư) Cam Lâm - Vĩnh Hảo hiện đạt khoảng 20,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,8% so với kế hoạch.

Riêng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, ảnh hưởng của mưa lũ kết hợp với khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng trước đó khiến sản lượng thực hiện dự án đến nay đạt khoảng gần 15% giá trị hợp đồng, chậm 5,1% so với tiến độ điều chỉnh.

Bên cạnh 6 dự án thành phần chậm tiến độ, 4 dự án thành phần còn lại vẫn đáp ứng sản lượng theo kế hoạch, gồm: đoạn Cam Lộ - La Sơn sản lượng đạt khoảng 93,6% và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng này. Đoan Nghi Sơn - Diễn Châu khối lượng đạt khoảng 44,6%, đoạn Nha Trang - Cam Lâm khối lượng đạt khoảng 41,9% và cầu Mỹ Thuận 2 sản lượng đạt khoảng 57,3%.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 trải dài trên 13 tỉnh, quá trình thực hiện phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nên tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng một số dự án thành phần chậm.

Dự án có tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần gồm  8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hiện chỉ mới có 1 dự án thành phần hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.