Nhập khẩu thịt heo của Việt Nam tăng gần 7 lần kể từ khi dịch tả châu Phi xuất hiện

Tổng giá trị nhập khẩu thịt heo trong 4 tháng đầu năm đã tăng gấp gần 7 lần kể từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện. Dự kiến, mức tăng này có thể cao hơn nữa khi gần đây dịch đang diễn biến phức tạp.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tổng giá trị nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo trong 4 tháng đầu năm đạt 23,58 triệu USD, tăng 6,7 lần so với cùng kì năm ngoái.

Đây được xem là mức tăng đột biến, kể từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Việt Nam vào đầu tháng 2 năm nay tại tỉnh Hưng Yên. Sau đó, dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, mới đây nhất là phía Nam.

IMG_4318

Tổng giá trị nhập khẩu thịt heo trong 4 tháng đầu năm đã tăng gấp gần 7 lần kể từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện. (Ảnh: Phúc Huy).

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức số liệu nhập khẩu thịt heo trong tháng 5 và đầu có tháng 6, nhưng theo nhận định, con số có thể cao hơn nữa do tình hình dịch ngày càng lan rộng và diễn biến phức tạp. Đồng thời, một số doanh nghiệp có chủ trương nhập khẩu thịt heo ngoại, nhằm đảm bảo nguồn cung có thể khan hiếm vào các tháng cuối năm.

Song song đó, để đảm bảo nguồn cung, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã có chủ trương thực hiện phương pháp trữ đông thịt heo để dùng dần trong thời điểm cuối năm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng việc thu mua, giết mổ và cấp đông là biện pháp cấp bách và hiệu quả nhất hiện nay để khi nguồn cung giảm đi sẽ cung cấp lại cho thị trường. Theo ông, việc này triển khai càng sớm càng tốt khi vừa đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi, vừa giúp giảm ngân sách nhà nước trong việc tiêu hủy và bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã cho biết đề nghị các doanh nghiệp tích cực thu mua, giết mổ cấp đông đối với các sản phẩm thịt an toàn đã được ngành nông nghiệp chứng nhận. 

Vị này cũng nhấn mạnh thịt heo thu mua, giết mổ, cấp đông đều được kiểm dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Người dân không nên hoang mang mà quay lưng với thịt heo.

Cũng theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả heo châu Phi đã lan rộng đến 55 tỉnh, thành. Con số heo bị tiêu huỷ 2,5 triệu con, bằng 7,5% tổng đàn của cả nước tính đến 13/6. Đây là thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi.

Hiện tại ở phía Nam, khu vực Đông Nam Bộ, chỉ còn 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh chưa xảy ra dịch. Mới đây, ngày 11/6, TP HCM cũng đã công bố dịch, ổ dịch đầu tiên được phát hiện nằm tại quận 9. Vùng này được xác định không có mật độ chăn nuôi heo cao. Đồng thời, TP HCM đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ còn 2 tỉnh Long An và Bến Tre chưa xảy ra dịch.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.