Ngày 27/2, tại TPHCM Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue khu vực phía Nam.
Tại Hội nghị, nhiều nhà chuyên môn đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác thu dung, chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại các bệnh viện tuyến cơ sở.
Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ đầu năm đến nay tại đây đã có 13 bệnh nhi tử vong vì bệnh sốt xuất huyết. Hầu hết bệnh nhân tử vong đều được chuyển đến trong tình trạng nặng, không còn khả năng cứu chữa.
BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, cho hay: Hầu hết bệnh nhi rơi vào tình trạng nặng đều bị tuyến dưới chẩn đoán không đúng bệnh vì thế, bệnh nhân không được điều trị theo phác đồ, khi bệnh vào sốc thì đã muộn.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, với 10 ca mắc sốt xuất huyết tử vong trong năm 2017. Hầu hết những bệnh nhân không qua khỏi đều được chuyển đến từ bệnh viện tuyến cơ sở.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại nhiều địa phương trên cả nước. |
Phân tích của BS Trương Ngọc Trung, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến của bệnh viện, chỉ ra: trong số 10 trường hợp tử vong, có 30% bệnh nhân không được chống sốc kịp thời, lựa chọn dịch truyền chống sốc không đúng, tốc độ dịch truyền không đúng phác đồ điều trị, không phân biệt được sốc do thất thoát huyết tương hay do quá tải dịch truyền.
Bên cạnh đó, một số trường hợp chỉ định truyền máu không phù hợp, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp nhưng không được hỗ trợ đúng cách mà lại sử dụng thuốc lợi tiểu… Đặc biệt, nhiều bệnh nhân không được điều trị theo dõi hợp lý dẫn đến khi phát hiện tình trạng bệnh nhân sốc thì đã quá muộn, không chú ý phát hiện xuất huyết nơi tiêm chích, tiêu hóa, âm đạo, mông, đùi…
Nhiều bệnh nhân được cho xuất viện không hợp lý, mới ngày thứ 5 khi bệnh nhân giảm sốt đã cho xuất viện. Tuy nhiên, sau khi rời bệnh viện, người bệnh vào sốc, rơi vào tình trạng nguy kịch.
Nhiều bệnh nhân đã rơi vào nguy kịch, tử vong vì không được chẩn đoán, điều trị đúng. |
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết ở tuyến cơ sở, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại nhiều địa phương, trọng tâm là các tỉnh khu vực phía Nam.
Trong năm nay, sốt xuất huyết đã gia tăng mạnh tại các tỉnh khu vực phía Bắc đặc biệt là Hà Nội. Đây có thể xem là loại bệnh thường gặp, tuy nhiên công tác điều trị cho người bệnh còn nhiều bất cập khiến nhiều ca bệnh tử vong.
Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 181.054 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 152.659 ca nhập viện với 30 trường hợp tử vong. Nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lẽ ra được cứu sống nhưng lại không qua được nguy kịch một phần vì bệnh nặng phần khác vì bác sĩ thiếu kinh nghiệm chuyên môn dẫn đến chẩn đoán sai hoặc theo dõi bệnh chưa sát, điều trị không tuân thủ phác đồ…”
Để hạn chế những cái chết oan uổng do bệnh sốt xuất huyết vì không được chẩn đoán đúng và điều trị trúng ngay từ tuyến cơ sở, các bác sĩ đầu ngành tại TPHCM kiến nghị Bộ Y tế cần có chương trình, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới. Những đơn vị như: trạm y tế, bệnh viện quận huyện, các phòng khám tư nhân là nơi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên nếu bác sĩ vững chuyên môn thì người bệnh sẽ được phát hiện sớm các triệu chứng cảnh báo có giải pháp xử lý hiệu quả ngay từ đầu là tiền đề quan trọng hạn chế nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.
Những con số ‘biết nói’ về đại dịch sốt xuất huyết năm 2017 | |
Lịch sử đáng sợ của căn bệnh sốt xuất huyết |