Nhiều dự án bất động sản 'đắp chiếu' ở TP HCM hồi sinh

Nhiều dự án bất động sản ở TP HCM nằm "đắp chiếu" cả chục năm do thiếu vốn, vướng pháp lý, hiện được chủ đầu tư lên kế hoạch tái khởi động.

Mới đây CTCP bất động sản Đông Dương - thành viên Tập đoàn Hoàng Quân - bắt tay với Công ty địa ốc Hồng Quang khởi động lại dự án Khu công viên trung tâm công cộng và dân cư 13A sau nhiều năm bất động vì chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính.

Khu dân cư 13A (tên thương mại là khu dân cư Hồng Quang) có quy mô 37 ha, tọa lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, được triển khai từ năm 2000 với quy mô gần 2.000 căn hộ chung cư, nhà phố, đất nền và biệt thự. Từ năm 2006 đến nay, dự án này chỉ mới bàn giao đất cho các công trình nhà ở thấp tầng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ dân sinh chưa hoàn thiện. Một số khu vực đường xá có dấu hiệu xuống cấp sau nhiều năm bị bỏ quên và rất ít dân cư về sinh sống.

Giai đoạn đầu sau tái khởi động, Công ty Đông Dương sẽ đầu tư 1.750 tỷ đồng triển khai phân khu cao tầng trên khu đất hơn 26.500 m2, gồm 5 block căn hộ thương mại, quy mô khoảng 600 sản phẩm. Dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, đang chuẩn bị thủ tục để khởi công xây dựng đầu năm 2025.

Một dự án khác cũng chuẩn bị khởi động lại sau 6 năm "ngủ đông" là Gem Riverside của Tập đoàn Đất Xanh. Đây là dự án trọng điểm từng được công ty này mở bán năm 2018, với giá trung bình 33-40 triệu đồng mỗi m2. Do vướng pháp lý nên sau đó Đất Xanh phải dừng triển khai, tiến hành điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu mật độ dân số và mật độ xây dựng. Đến tháng 10, dự án này vừa được cấp phép xây dựng trở lại với tên gọi mới là Dat Xanh Home Riverside.

Chủ đầu tư cho biết dự kiến bắt đầu xây dựng từ quý I/2025, sau khi hoàn thành đàm phán với khách hàng cũ và đủ điều kiện sẽ mở bán trong quý II năm sau. Dự án này được đánh giá sẽ mang lại nguồn thu ước đạt 28.000 tỷ đồng cho Đất Xanh.

Hay trên khu vực quận 8, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu căn hộ cao tầng NBB Garden III sau nhiều năm đứng yên chờ pháp lý.

Dự án NBB Garden III được quy hoạch trên khu đất có diện tích 81.550 m2, quy mô hơn 2.100 sản phẩm căn hộ, nhà liền kề, shophouse. Dự án này được chủ đầu tư lên kế hoạch triển khai từ năm 2008, nhưng gặp vướng vì đất công xen kẹt, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội... nên không được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sau khi được cho phép triển khai trở lại, tổng vốn đầu tư dự án sẽ vào khoảng 4.400 tỷ đồng và cơ cấu sản phẩm cũng thay đổi so với các thông tin trước đó.

Dự án Gem Riverside tại TP Thủ Đức. (Ảnh: Đất Xanh). 

Ngoài ra, nhiều dự án khác tại thành phố cũng đã giải quyết xong khó khăn pháp lý, bắt đầu tái khởi động bán hàng trong quý IV như D-Homme (quận 6), D-Aqua (quận 8) và Lavida Plus (quận 7)...

TP HCM mới đây cũng cho biết đã hoàn tất gỡ vướng pháp lý cho 8 dự án bất động sản, nổi bật trong số đó như The Metropole Thủ Thiêm, Celadon City, Metro Star, Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm... Đây đều là những dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, quy mô dự án lớn với nguồn cung đa dạng. Việc hoàn tất pháp lý sẽ tạo điều kiện để những dự án sớm tái khởi động và tìm kiếm nguồn vốn mới.

Đánh giá về việc tái khởi động các dự án bị đình trệ thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, cho biết nguồn cung nhà ở của thành phố sẽ có thêm 148.000 sản phẩm nếu 148 dự án đang vướng mắc pháp lý được tháo gỡ khó khăn. Những dự án cũ này không chỉ "làm giàu" hơn nguồn cung nhà ở của thành phố trong các năm tới mà còn giúp giải cơn khát nhà ở đã "đeo bám" thành phố hơn 4 năm qua.

"Đây cũng là chìa khóa giúp điều tiết thị trường, kéo giảm đà tăng giá bất động sản", ông Châu nhìn nhận.

Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), các chủ đầu tư đang nỗ lực tái khởi động dự án cũ và lên kế hoạch bắt tay để triển khai các dự án bị bỏ hoang trước đây. Diễn biến này được kỳ vọng làm hồi sinh nhiều dự án, giúp các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục hoạt động và gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Các chuyên gia của VARS dự đoán sau khi những vướng mắc về pháp lý được gỡ bỏ, thị trường sẽ xuất hiện nhiều hơn những thương vụ hợp tác để cùng nhau hồi sinh dự án cũ. Những chủ đầu tư có quỹ đất đang chịu áp lực về tài chính sẽ tìm đến những "tay chơi" có dòng tiền. Còn doanh nghiệp mới thông qua hoạt động liên kết, mua bán sáp nhập để tiếp cận quỹ đất đẹp ngày càng khan hiếm tại TP HCM trong thời gian tới. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Khang Điền lãi ròng hơn 400 tỷ, đã ứng gần 1.600 tỷ đền bù đất các dự án ở TP HCM
Trong quý III, Khang Điền có phát sinh khoản trả trước 600 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng vốn góp. Tiền tạm ứng đền bù các dự án ở khu vực Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân tại ngày 30/9 là 1.560 tỷ đồng, tăng 479 tỷ so với đầu năm.