Một tuần trước, chị Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới nhận được khoản thưởng Tết cuối năm. Trước đó, chị dự định khi có tiền thưởng sẽ mua sofa thay cho bộ ghế cũ dùng tạm ngày chuyển về nhà mới. Chị đã đi xem trước và ưng ý với một bộ ghế góc khá rộng rãi có giá 15 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chị cầm tiền ra cửa hàng quen thì thấy đã bán hết mẫu mã mình ưng.
Nhiều người vội mua sofa vì ham rẻ mà không tính tới sự phù hợp của bộ ghế trong phòng khách. Ảnh minh họa: UHP.
Lúc tìm kiếm trên mạng, chị thấy có công ty nội thất đang xả hàng đón Tết, giảm giá tới 50%. Chị Thanh thấy có mẫu giống hệt chiếc ghế chị muốn mua mấy tháng nay. Giá gốc hơn 13 triệu, nhưng giảm xuống chỉ còn 7 triệu. Chủ cửa hàng ghi, đây là chiếc ghế cuối cùng ở xưởng. Chị Thanh vội vàng gọi điện đặt mua luôn và chuyển trước một triệu để đặt cọc.
Xưởng gỗ ở cách nhà chị 12 km, bình thường sẽ chuyển miễn phí nhưng vì hàng giảm giá nên chủ nhà trả thêm 200.000 đồng công vận chuyển. Người chở hàng sợ tắc đường vào giờ tan tầm và buổi tối dịp giáp Tết nên chị Thanh phải xin nghỉ một buổi chiều để ở nhà nhận hàng. Dù vậy, chị vẫn khấp khởi vui mừng vì mua được một món hời.
Tuy nhiên, niềm vui ấy nhanh chóng tan biến khi chị nhận bàn giao chiếc ghế. Chiếc ghế có màu vải không như trong hình lại bị dính bẩn, đệm ngồi không được thoải mái. Chị đoán đây là hàng trưng bày được thanh lý. Khi chị Thanh gọi tới cửa hàng, người chủ chỉ "ậm ừ" cho qua rồi hứa ra Tết nếu sản xuất mẫu mới sẽ đổi cho chị.
Khác với chị Thanh, gia đình anh Tùng tới tận cửa hàng kiểm tra kỹ lưỡng dù cũng mua ghế giảm giá nhưng vẫn thấy hối hận.
Anh chị định mua bộ ghế nhỏ nhưng thấy không được giảm giá nhiều nên chuyển hướng sang một sản phấm có giá gốc 18 triệu, giảm còn 12 triệu, có tặng kèm đệm ngồi giữ ấm cho mùa đông. Đó là bộ ghế sofa gỗ xoan đào gồm một băng ghế dài, hai ghế phụ, bàn trà.
Nhưng tới lúc chuyển về nhà, anh Tùng mới thấy món đồ hời của mình không được như ý. Ở cửa hàng trưng bày đèn sáng trưng, bàn ghế sẫm màu trông sang trọng và bóng bảy. Tuy nhiên, khi kê vào nhà, dưới ánh đèn vàng và trần nhà thấp, bộ sofa khiến phòng khách tối sầm. Ngoài ra, ghế đồ sộ choán gần hết diện tích phòng, anh buộc phải bỏ bớt chậu cây cọ cảnh đang bày ở đây. Anh Tùng gọi điện cho chủ xưởng gỗ xin đổi nhưng bị từ chối vì đây là hàng giảm giá.
Anh Đoàn Mạnh, giám đốc một công ty nội thất ở Hà Nội, cho biết, việc mua đồ gỗ cuối năm sẽ tiết kiệm được 20-50% số tiền bỏ ra.
Tuy nhiên, chủ nhà không nên để quá sát Tết mới mua vì không còn hàng đẹp và vận chuyển không đúng giờ.
Theo anh Mạnh, sofa là món đồ quan trọng trong phòng khách nên chủ nhà phải cân nhắc kỹ trước khi mua. Bạn cần đo đạc diện tích khu vực kê sofa để lựa ghế có kích thước phù hợp. Màu sắc, kiểu dáng của ghế cần tương xứng với phong cách thiết kế chung của cả căn nhà, ít nhất là với phòng khách.
Đa số các hộ sẽ sử dụng ghế trong thời gian dài (5-7 năm). Bởi vậy, bạn tuyệt đối không nên mua hàng khi chưa nhìn thấy sản phẩm dù giá rẻ thế nào. Khi quyết định chi tiền, bạn nên kiểm tra kỹ lưỡng để tránh mua hàng lỗi, ngồi thử ghế xem có thấy thoải mái không. Nếu chưa ưng, bạn không nên mua vì sẽ phải chịu đựng sự khó chịu trong thời gian dài. Việc bán ghế hoặc trả lại cho cửa hàng sẽ rất mất công và bị thiệt giá.
An Yên
Chia sẻ những rắc rối khi mua đồ nội thất của bạn tại đây.