Nhiều thay đổi về bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí từ năm 2020

Kể từ năm 2020, sẽ thay đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Đồng thời, tăng số năm đóng bảo hiểm để xác định tỉ lệ lương hưu của nam, tuổi hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động và lương cơ sở, tối thiểu vùng.

Theo Điều 56 và Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lương hưu được xác định theo công thức: Mức lương hưu hàng tháng = Tỉ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH. Trong đó, tỉ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45% và cao nhất là 75%.

Tăng số năm đóng bảo hiểm để xác định tỉ lệ lương hưu của nam

Căn cứ theo Điểm a khoản 2 Điều 56 và điểm a khoản 2 Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội, đối với lao động nam nghỉ hưu vào năm 2020, số năm đóng BHXH tương ứng với tỉ lệ 45% phải là 18 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%.

Ví dụ: Năm 2020, ông A có 30 năm đóng BHXH và đã đến tuổi nghỉ hưu. Mức lương hưu hàng tháng của ông A được tính như sau: 18 năm đóng BHXH = 45%; 12 năm còn lại x 2% = 24%. Như vậy, ông A được hưởng 69% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.

Trong khi trước đây, nếu nghỉ hưu vào năm 2018 thì số năm đóng BHXH là 16 năm, năm 2019 là 17 năm.

Tăng tuổi hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên, từ năm 2020, nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng chế độ hưu.

Sự thay đổi này căn cứ theo Điểm a khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội.

Thay đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Nội dung này căn cứ theo Điểm e khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội, và áp dụng đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương.

Theo đó, nếu người lao động tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Ở giai đoạn trước, tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tính theo 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng

Với lương cơ sở, theo lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức được Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết 27-NQ/TW, lương cơ sở năm 2020 sẽ tiếp tục tăng, đảm bảo không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Với lương tối thiểu vùng, theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ tăng 5,5% (từ 150.000 - 240.000 đồng) so với năm 2019.

Nếu được thông qua, việc tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người tham gia. Đây sẽ là tiền đề cho việc tăng mức lương hưu hàng tháng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên cả nước.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.