Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội), nơi xảy ra sự việc nhiều trẻ bị đau bụng sau khi ăn bán trú tại trường. Ảnh: Đình Tuệ.
Theo phản ánh của một số phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều trẻ có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bán trú tại trường từ ngày 29/3.
Chia sẻ với chúng tôi, chị T. (phụ huynh có con học lớp 1 tại đây) cho biết: "Con tôi đang học lớp 1 tại trường và tối 29/3 về nhà đã có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm. Cháu bị đau bụng và đi ngoài nên tôi phải mua thuốc cho uống để tránh mất nước. Khi lên mạng, tôi thấy nhiều phụ huynh khác cũng hỏi nhau là con mình có bị đau bụng không thì mới tá hỏa nghĩ rằng con bị đau bụng có thể là do ăn thức ăn ở trường".
Còn một số phụ huynh khác cũng phản ánh, con mình bị đi ngoài từ 2 - 3 lần ngay trong đêm 29, rạng sáng ngày 30/3. Bố mẹ phải cho các cháu uống men tiêu hóa mới ổn định. Có cháu chỉ bị đi ngoài phân lỏng 1 - 2 lần thì bụng hết đau nhưng gia đình vẫn lo lắng.
"Điều mà chúng tôi không hài lòng chính là thái độ tiếp nhận và xử lí vụ việc của lãnh đạo nhà trường. Dù chưa biết có phải các con bị đau bụng là do ăn thức ăn tại trường hay không, nhưng hiệu trưởng chưa hề đưa ra lời xin lỗi nào tới phụ huynh và các con.
Thậm chí, theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng một lớp đã có hơn 20 cháu bị đau bụng mà nhà trường báo cáo là toàn trường chỉ có 17 cháu bị đau bụng là thiếu trung thực", chị T. cho hay.
Trao đổi về vấn đề này, bà Đỗ Thị Tố Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc cho hay, mọi thông tin liên quan về sự việc nhà trường đã có báo cáo gửi lãnh đạo quận và hướng dẫn chúng tôi liên hệ với Phòng GD&ĐT Thanh Xuân để nắm bắt thêm.
Sáng 4/4, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT Thanh Xuân (Hà Nội). Theo đó, số lượng học sinh ăn bán trú tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc là 1.150 cháu.
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.
Về phản ánh của phụ huynh, ông Hữu cho hay: Tối 29/3 có hiện tượng một số học sinh đau bụng, phụ huynh các em có đăng lên các hội nhóm trên mạng xã hội thông tin trên.
Khoảng 10h ngày 30/3, nhà trường mới thấy một số phụ huynh phản ánh lại sự việc trên. Tối cùng ngày, lãnh đạo quận đề nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng y tế quận, Trung tâm y tế quận, UBND phường Thanh Xuân Bắc tiến hành kiểm tra, xác minh.
Qua trích xuất camera, đoàn nhận thấy tất cả thông tin dữ liệu không có ai vào, xác định hồ sơ sổ sách mẫu lưu còn nguyên vẹn. Kiểm tra hồ sơ cho thấy, ngày 29/3 hiệu trưởng là người trực trường và trực tiếp nhận thực phẩm, khẳng định thực hiện nghiêm túc các bước và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên.
Qua đó, các qui trình chất lượng đảm bảo đúng qui định của pháp luật và qui chế. Sau đó đoàn kiểm tra tất cả hồ sơ thấy khớp với trao đổi của hiệu trưởng ngay tại hôm đó, đúng và có đủ chữ kí các bên. Ngày 5/4 sẽ có kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn tại trường.
Trong một diễn biến khác, tối 30/3, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp liên lạc với phụ huynh kiểm tra xem có em nào bị đau bụng không.
Theo báo cáo từ nhà trường, có 17 cháu bị đau bụng, một cháu đưa vào BV Bưu điện (tối 30/3) xét nghiệm phân nhưng không có vấn đề gì mà bị rối loạn tiêu hóa. Sáng hôm sau hoàn toàn bình thường và đi học từ ngày 1/4.
"Về thiết kế thực đơn ngày 29/3, học sinh ăn trưa lúc 11h30 ăn bún giò gà, 13h30 ăn bánh cuộn kem Hải Hà, 15h30 uống sữa học đường. Theo cảm quan, đây đang là giai đoạn chuyển mùa nên ba bữa ăn đều là món lạnh. Có thể vì thế nên một số trẻ bị đau bụng. Phòng đã trao đổi với nhà trường cần rút kinh nghiệm để cân đối lại thực đơn cho phù hợp hơn.
Trước đây không có sữa học đường nhưng hiện giờ có sữa phải thiết kế lại sao cho phù hợp. Quan điểm nếu xảy ra vấn đề về an toàn thực phẩm thì phải có biện pháp xử lí dứt điểm. Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh thêm thông tin mà phụ huynh phản ánh. Ngày mai (5/4) khi có kết quả xét nghiệm từ cơ quan y tế sẽ thông tin để cha mẹ học sinh yên tâm", vị trưởng phòng nói.
Quận Thanh Xuân coi vấn đề an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các ban, ngành trực thuộc chứ không chỉ của riêng ngành giáo dục. Đặc biệt, luôn quan tâm đến kiểm soát chế biến thực phẩm, điều kiện làm việc của nhân viên liên quan đến y tế học đường và chăm sóc bán trú. Kiên quyết chống tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong vấn đề này.
"Việc mua thực phẩm sạch phải có hợp đồng, nguồn gốc đảm bảo. Nếu đơn vị nào lấy ở ngoài, nguồn không rõ ràng thì nhất quyết sẽ bị kỉ luật, hiệu trưởng có thể bị mất chức", ông Hữu nhấn mạnh.
Quận Thanh Xuân yêu cầu xây dựng qui chế phối hợp giữa BGH nhà trường với Ban đại diện cha mẹ học sinh để tham gia giám sát bếp ăn bán trú. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm càng được đẩy mạnh.
Lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng yêu cầu các trường thực hiện test kiểm tra nhanh thực phẩm hàng ngày. Test có thể phát hiện ôi thiu của thịt, test nhanh phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu, test hàn the…
"Các trường phải thực hiện test mỗi ngày 10 mẫu, mỗi mẫu chi phí khoảng 73.000 đồng. Mỗi tháng một trường hết khoảng 15 triệu đồng chi phí test thực phẩm. Các loại rau củ quả có thể test theo xác xuất, nhưng riêng thực phẩm thịt cá thì phải test hàng này.
Quận sẵn sàng hỗ trợ kinh phí test thực phẩm cho các trường nếu cần thiết", ông Hữu nói.