Nhiều xóm làng miền Tây tan tác vì sạt lở

Nhiều cánh rừng, làng xóm, đê điều… ở các tỉnh khu vực ĐBSCL đã bị xóa sổ trước vấn nạn sạt lở, hàng trăm hộ dân phải di dời đến những điểm tái định cư tạm do những ngôi nhà trước kia chỉ còn trơ lại những cọc bêtông...
 - Ảnh 1.

Một xóm nhà dân tại cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bị biển uy hiếp - (Ảnh: NGUYỄN HÙNG)

Hàng loạt địa phương tại khu vực ĐBSCL phải ban bố tình trạng khẩn cấp, tổ chức di dời dân ra khỏi những vùng bờ biển, bờ sông bị sạt lở nặng.

Xóm làng tan tác

Trưa 21/9, khi trở lại cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) từng là nơi hội tụ của hàng trăm hộ dân hành nghề chài lưới, trước mắt chúng tôi là khung cảnh điêu tàn, chỉ còn lại những chiếc cọc trơ trọi, những mảng bêtông đổ nát trước những con sóng tức tưởi liên tiếp uy hiếp bờ.

Anh Trương Minh Tài, người nhiều năm làm trưởng ấp ở khu này, cho biết bờ biển phía tây từng có 47 hộ nhưng giờ chỉ còn 2-3 hộ bám trụ vì sinh kế, còn lại tản cư hết. Bên kia sông, xóm dân hàng chục hộ thuộc ấp Kinh Đào Đông cũng bị xóa sổ.

Cùng một số gia đình dựng nhà bên mé biển sau cơn bão số 5 năm 1997, bà Trần Thị Suốt (60 tuổi) cho biết khu vực này từng là nơi mà cây mắm, cây đước phát triển sum sê, có con lộ ximăng dẫn vào trung tâm xã và chưa bao giờ sóng đánh tới vì hai bên còn có hai bờ cát bảo vệ.

Nhưng vài năm trở lại đây, biển bỗng dưng "đổi tánh", gặm mất bờ cát, rồi tấn công vào sâu bên trong bờ. Trạm biên phòng phải 3 lần di dời nhưng cũng đều bị sóng làm hư hại, phải dời đi sâu vào trong. Nhà bà Suốt trước đây ở phía trước con lộ ximăng nhưng bị biển đánh dữ quá, nên phải dời vào bên trong. Nhà càng dời, biển càng đuổi theo.

"Hết cách, các hộ dân phải bỏ nhà để vào khu tái định cư", bà Suốt nói, đồng thời cho biết các khu đất mà hàng loạt hộ dân từng sinh sống trước đây nay chỉ còn trơ trọi những chiếc cọc. Người dân phải chạy biển và chỉ sau vài năm, xóm làng đã trở nên tan tác.

Không chỉ nhà dân ven khu vực cửa biển Vàm Xoáy, những cánh rừng phòng hộ cũng bị biển nuốt mất. Nhiều đoạn, các cánh rừng mắm, rừng đước đã không còn, nhiều nơi chỉ còn lại những gốc cây trước từng đợt sóng tạo "hàm ếch" khoét sâu vào bờ.

Theo sư Lâm Trường Ân - cán bộ Chi cục Thủy lợi Cà Mau, tại cửa biển Vàm Xoáy biển đã lấn vào sâu hơn 50m. Để bảo vệ tính mạng của dân, địa phương đã vận động các hộ dân vào khu tái định cư tạm thời cách đó gần 1km. "Đây chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu như tình trạng này kéo dài mà không có biện pháp hữu hiệu, nguy cơ sẽ đe dọa đến vùng chót mũi Cà Mau", sư Ân nói.

Mỗi năm mất diện tích bằng một xã

Vàm Xoáy là một trong tám điểm mà UBND tỉnh Cà Mau vừa ký công bố tình huống khẩn cấp do sạt lở. Theo ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, vào mùa mưa, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến rất phức tạp, khó lường.

 - Ảnh 2.

Tiến hành gia cố biển vì sạt lở. (Ảnh: TTO)

Đến nay, bờ biển đông và tây của Cà Mau đã bị sạt lở rất nghiêm trọng. Trong đó, bờ biển tây bị sạt lở khoảng 57km, nhiều đoạn sạt lở sâu, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê biển. Bờ biển đông bị sạt lở khoảng 48km, có nhiều đoạn sạt lở sâu, làm mất đất rừng phòng hộ từ 80 - 100m mỗi năm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển.

Nếu tính chung diện tích sạt lở bờ biển và bờ sông, mỗi năm Cà Mau mất đi diện tích đất tương đương một xã do sạt lở. Cà Mau đã xử , khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu ven biển với tổng chiều dài 28.765m, tổng mức đầu tư gần 957 tỉ đồng, khôi phục được hàng trăm hecta rừng phòng hộ bảo vệ đê biển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Hải - chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết địa phương này đang tiếp tục cho rà soát nhiều điểm sạt lở khác cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Trước mắt, với những điểm sạt lở, địa phương sẽ hỗ trợ dân di dời đến nơi an toàn, hỗ trợ tái định cư để ổn định chỗ ở; chủ động lập kế hoạch xây dựng các công trình kè phù hợp để bảo vệ...

"Sạt lở tại Cà Mau diễn biến nhanh hằng ngày, hằng giờ, cả trên biển lẫn trên sông. Nếu không kịp thời xử sẽ còn nhiều nơi buộc phải ban hành tình trạng khẩn cấp", ông Hải cho biết.

Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, khắc phục

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ NN&PT-NT cùng một số bộ ngành và địa phương kiểm tra khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực ĐBSCL.

photo-3

Cảnh sạt lở tuyến quốc lộ 91 tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang. (Ảnh: BỬU ĐẤU)

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm trưởng đoàn cùng với lãnh đạo các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo địa phương khẩn trương kiểm tra đánh giá về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, công tác khắc phục và bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân tại các khu vực bị sạt lở ở ĐBSCL.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để xử lí, khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, ven biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân, đồng thời có phương án chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 nhằm chủ động ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra tại ĐBSCL.

H.T.D.

Sóc Trăng: nhiều vùng bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng

Ông Trần Văn Chuyện - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm và sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn.

Ngoài đoạn giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4 thuộc xã Lai Hòa, xã Vĩnh Tân (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), hàng loạt điểm bờ sông thuộc các huyện Mỹ Xuyên, Long Phú, Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu, TP Sóc Trăng, huyện Mỹ Tú, huyện Kế Sách... cũng sạt lở nghiêm trọng, phải công bố tình huống khẩn cấp để có các biện pháp bảo vệ dân, ứng phó và khắc phục hậu quả.

Dự báo từ nay đến cuối năm, do lũ từ thượng nguồn đổ về, kết hợp triều cường, nguy cơ sạt lở còn diễn biến phức tạp, đe dọa tính mạng, diện tích sản xuất cây ăn trái, rau mùa của người dân.

Bà Trần Thị Suốt, ấp Kinh Đào Tây, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, là một trong những người dân cuối cùng tại xóm dân Vàm Xoáy đã phải di dời đến nơi ở tạm do tình trạng sạt lở bờ biển đe dọa tính mạng - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Bạc Liêu: di dời khẩn cấp dân

UBND tỉnh Bạc Liêu cũng vừa ban hành 3 quyết định phê duyệt tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm, gồm bờ biển xã Vĩnh Trạch Đông, bờ biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu) và bờ biển phía bắc kè Gành Hào (huyện Đông Hải).

Theo đó, Sở NN&PTNT được yêu cầu tiến hành ngay việc xác định vành đai sạt lở, cắm mốc và biển báo khu vực, vị trí đang có sự cố sạt lở; khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục khẩn cấp, không để sạt lở mở rộng, đồng thời chuẩn bị triển khai các biện pháp bảo vệ bờ biển, cửa sông mang tính ổn định, lâu dài. UBND TP Bạc Liêu và UBND huyện Đông Hải được yêu cầu xây dựng phương án sơ tán, di dời cấp bách các đối tượng có liên quan.

Kiên Giang: chi 10 tỉ đồng gia cố đê biển

Kiên Giang có tuyến đê biển dài khoảng 200km từ huyện Kiên Lương tới An Minh. Do tác động của biến đổi khí hậu, khoảng 80km đê biển này đang bị sạt lở, trong đó khoảng 20km sạt lở nghiêm trọng, chủ yếu là đoạn từ Tiểu Dừa đến vàm Kim Quy thuộc 2 xã Vân Khánh, Vân Khánh Tây của huyện An Minh.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang, cho biết địa phương này đã chi khoảng 10 tỉ đồng khẩn trương gia cố 4,5km đê biển từ Tiểu Dừa tới Kim Quy. Địa phương cũng kêu gọi người dân di dời nhà cửa tránh xa khu vực có nguy cơ bị ngập lúc triều cường. Tại những vị trí sạt lở đê biển khác, tỉnh đã kiến nghị trung ương hỗ trợ vốn để xây dựng kè chống sạt lở kiểu răng lược.

KHẮC TÂM - CHÍ QUỐC - KHOA NAM

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.