Sạt lở bờ sông miền Tây xảy ra không còn theo quy luật nào

Sạt lở bờ sông tại miền Tây Nam Bộ là chuyện từ xưa. Nhưng giờ sạt lở quanh năm, không theo quy luật nào đang là nỗi lo thường trực của người dân.
  - Ảnh 1.

Cảnh sạt lở tuyến quốc lộ 91 tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang. (Ảnh: BỬU ĐẤU)

Và thêm lo âu với những điểm sạt lở mới, điểm cũ lại sạt lở nhiều hơn.

Nấn ná chốn cũ

Đầu tháng 7/2019, sạt lở đất bờ sông Hậu tại Vàm Cái Hố (thuộc ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, An Giang). Chiều dài vùng sạt lở hơn 250m, ăn sâu vào đất liền khoảng 6m, đe dọa 27 căn nhà... 

Ba mẹ tôi và bà con từng sống tại đây không khỏi ngạc nhiên xen lẫn lo âu. Ký ức kinh hoàng về nạn sạt lở bờ sông Hậu khu vực này năm cũ lại ùa về. "Hà bá" từng "bứt" mất cả một ngôi chợ, một đoạn dài con đường giao thông chính, khiến phải di dời dinh thờ, trường học... 

Hiện tượng sạt lở tại Vàm Cái Hố rất dữ dội những năm 1990. Nhiều hộ gia đình đã chuyển đi nơi khác hoặc ra đường lộ mới gần đó. Nhà nước mở một con đường phía trong thay thế, là tỉnh lộ 946 bây giờ.

Khoảng 20 năm nay sạt lở bỗng dưng ít đi, ngỡ hiện tượng sạt lở không còn nữa. Thậm chí có nơi có hiện tượng bồi ra, cái cồn giữa sông "tiến" gần bờ hơn. Nhiều hộ dân nấn ná ở lại và đã xây nhà kiên cố hơn. Sạt lở mới đây lại tái diễn khiến người ở lại hứng trọn rủi ro, mất nơi sinh sống. Người may mắn có bà con ngoài lộ thì đến ở nhờ... 

Có người mấy năm trước bán ruộng, bỏ quê lên Sài Gòn nương nhờ người quen, đi làm công nhân, căn nhà bờ sông kêu bán từ lâu chưa có người mua, nay ngôi nhà đã nằm trong vùng sạt lở, vậy là không còn chốn quay về...

Về những vùng sạt lở, thấy cảnh bố trí, sắp xếp nơi ở tạm, nghe chuyện công ăn việc làm mà rầu theo nỗi lo và những dự tính di cư sau sạt lở. Càng buồn hơn khi nghe chuyện đêm về, có người vẫn quay về nhà cũ ở bờ sông đã sạt lở (còn may chưa trôi xuống). Vì sao? Vì họ chưa có nơi ở mới, cứ nấn ná chờ một sự hỗ trợ để di dời...

Dân số ngày càng đông, đất không thể nở ra mà lại mất đi vì sạt lở. Trong khi trong suy nghĩ và tập quán sinh hoạt lâu đời của người miền Tây vẫn là "nhất cận giang, nhì cận thị". Tập quán bao đời làm nhà cạnh bờ sông, thậm chí là nhà sàn trên kênh rạch vẫn chưa thay đổi trước nguy cơ lở đất diễn biến ngày càng khó lường hơn. Ngôi chợ, làng quê trù phú, có lịch sử lâu đời xưa nay cũng thường gần sông, thuận tiện yên bình giao thương đường thủy giờ cũng đối mặt mối lo an nguy...

Mối nguy cận kề

Sạt lở bờ sông miền Tây giờ xảy ra quanh năm, không theo quy luật nào. Không có lũ là nỗi lo, nhưng lũ về cũng kèm lở đất. An Giang đầu nguồn, lũ đến sớm nhất, sạt lở cũng sẽ đến sớm hơn địa phương khác.

Chiều 19/8, UBND tỉnh An Giang ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu ở hai vùng đầu nguồn lũ: xã Vĩnh Trường (huyện An Phú) và xã Châu Phong (TX Tân Châu). Trong đó, tình trạng sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong được đánh giá đang ở mức độ đặc biệt nguy hiểm. Bởi đây vừa là tuyến đê 3.500ha đất nông nghiệp cùng trên 3.000 hộ dân. 

Từ năm 2016 đến tháng 7/2019 đã xảy ra 6 vụ sạt lở, 1 vụ rạn nứt tổng chiều dài 1.124m với 37 hộ dân cần di dời khẩn cấp. Còn tốc độ xâm thực vào bờ sông từ 5-10m/năm, có đoạn đã sạt lở từ 85-100m trong 6-7 năm qua gây thiệt hại lớn về đất đai, nhà dân.

Tuyến đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn xã Vĩnh Trường gồm 900ha với 3.702 hộ dân, 6 điểm trường học và 3 cụm tuyến dân cư cũng gặp nguy vì sạt lở. Năm 2017 và 2018 đã xảy ra 5 vụ sạt lở ở đây. Đặc biệt, vụ sạt lở vào mùa lũ năm 2018 với chiều dài hơn 200m, ăn sâu vào đất liền 9m, khoét vào mặt đê và đường giao thông

Nỗi lo "hà bá" giờ trở thành thường trực với người đồng bằng. Và câu chuyện ở An Giang đang gấp rút, cận kề, chỉ mong rủi ro đừng đến.

Giảm thiệt hại, được không?

Theo số liệu năm 2018, khu vực ĐBSCL có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 149km. Tình hình sạt lở ngày càng nhiều và nguy hiểm, quanh năm, từ các sông đến các kênh, rạch.

Thượng nguồn sông Mekong tích nước, hạ nguồn thiếu phù sa. Ngăn sạt lở là điều rất khó nhưng có thể giảm thiệt hại và ổn định nhanh cuộc sống sau sạt lở. Điều này cần sự thay đổi từ việc ngăn khai thác cát, giảm làm nhà gần sông cũng như tăng cường dự báo sạt lở và xa hơn là cần tính cả quỹ đất tái định cư cho người dân vùng sạt lở.

Đi về đâu khi sạt lở "bủa vây"?

Vài năm gần đây, người dân An Giang hứng chịu hàng chục vụ sạt lở lớn nhỏ. Nhiều người đã chọn giải pháp "ly hương" để đến lập nghiệp ở những vùng đất khác.

Người quê tôi có câu quen thuộc: "Đi Bình Dương bán nước tương". Đó là cách nói về việc bỏ quê đi Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM tìm việc làm.

Và không ít người vẫn chọn cách ở lại, sống nơi nguy hiểm ven sông, không dễ chấp nhận ra đi. Còn nhớ, tháng 4/2017 đã xảy ra trận sạt lở kinh hoàng nhấn chìm 14 căn nhà ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang), 108 hộ phải di dời khẩn cấp. Dù chính quyền địa phương có bố trí tái định cư ở nơi mới cách xa sông, rất an toàn nhưng bà con vẫn "lén tìm về lối xưa".

Tôi có dịp gặp ông Bùi Cần Thơ, một trong những người trong cảnh ngộ sạt lở sông Hậu ở khu vực Vàm Nao. Khi khu vực sạt lở đã cơ bản được khắc phục phần nào, gia đình ông liền dọn ngay về "nhà cũ" để sống ven sông Hậu mà không chịu di dời đi nơi khác ở, bất chấp nguy hiểm cận kề.

"Ở ven sông thì phải nguy hiểm rồi nhưng tụi tui về khu dân cư sống không quen. Một số người cũng quay lại nhà cũ ở giống tui. Hồi đó giờ mình ở gần sông thuận tiện làm nghề câu lưới và mua bán quen rồi. Lên kia xa xôi, không buôn bán hay làm ăn gì được. Thêm cái nữa, ở trên đó tắm toàn nước máy mà tụi tui ở ven sông quen tắm sông nước rồi nên bứt rứt lắm" - ông Thơ nói.

Đến tháng 9 này, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra 23 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở hơn 1,5km, 99 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ sạt lở một đoạn quốc lộ 91 đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú khiến giao thông ách tắc, trì trệ.

Ngay sau đó, UBND tỉnh và các bộ, ngành khẩn trương vào cuộc xử lý sạt lở. Điều này tác động ít nhiều đến cách nghĩ của người dân trước nguy cơ mất đất, mất nhà.

Những "dòng sông đã dậy sóng" và lòng người cũng chao đảo theo những âu lo sạt lở rình rập. Vẫn mong người dân đừng chủ quan với sạt lở, để có thể giảm thiểu rủi ro và chung sống với nghịch cảnh.

TỊNH BIÊN

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.