Tìm kiếm lợi ích thông qua kênh YouTube của Khá Bảnh, cần nhìn nhận thực tế một cách khách quan và công bằng. (Ảnh: VTC News).
Việc Công an tỉnh Bắc Ninh thực hiện lệnh bắt giữ Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) trú tại xã Tam Sơn – Từ Sơn - Bắc Ninh, đang thu hút sự quan tâm của dư luận, cho thấy Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, dù đã có một hệ thống pháp lí về quản lý an toàn mạng.
Liên quan đến những hành vi “cố ý gây thương tích” và “gây rối trật tự công cộng”, Khá chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng việc sử dụng những chiêu trò để tìm kiếm lợi ích thông qua kênh YouTube cá nhân, cần nhìn nhận thực tế một cách khách quan và công bằng.
Kênh YouTube của Ngô Bá Khá, sinh năm 1993, có hơn 1,8 triệu người theo dõi, trang Facebook cá nhân của Khá cũng có hơn 600.000 người theo dõi. Nội dung các video chủ yếu quay lại cuộc sống hằng ngày của Khá.
Nhiều thông tin cho rằng Khá kiếm vài trăm triệu mỗi tháng nhờ kênh Youtube của mình và bán hàng cho các shop online. Điều này, theo Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông Trần Trọng Tuyến, là hoàn toàn có thể, khi nhiều người nhìn thấy cơ hội tiếp cận khách hàng thông qua kênh Youtube của Khá nên đầu tư để kinh doanh.
Theo ông Trần Trọng Tuyến, pháp lí hiện hành đã có nhiều quy định về chuyển tải thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không thể kiểm soát được 100% nội dung thông tin trên các trang mạng xã hội.
Thời điểm này, việc xử lí trường hợp của Khá “bảnh” một cách rõ ràng sẽ là cảnh báo tích cực cho xã hội. Người bán hàng sẽ ý thức hơn trong việc không tìm kiếm lợi nhuận từ những hành vi, cách thức phản văn hóa.
Hiện tượng nhiều người trẻ hâm mộ Khá, ông Tuyến nói đơn giản là do tò mò, thậm chí a dua. Ông cũng tính đến khả năng nhiều người trẻ theo dõi những clip của Khá, nhưng không đánh giá chất lượng nội dung thông tin từ những clip này.
Sử dụng YouTube để kinh doanh và bán hàng, một loại hình không còn mới trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung của những kênh này phụ thuộc vào người đăng tải thông tin là ai và văn hóa kinh doanh của chính cá nhân, đơn vị bán hàng.
Ông Tuyến dẫn một thực tế, trên các trang mạng xã hội vẫn tồn tại những nội dung bị cho là không phù hợp về văn hóa, thuần phong mỹ tục, trong khi nhiều người bán hàng online tại Việt Nam không biết một cách chính xác nội dung nào là vi phạm pháp luật hiện hành.
Những nhãn hàng lớn thường kiểm soát rất chặt nội dung thông tin của mình trên các mạng xã hội. Thậm chí, nhiều công ty còn có bộ phận pháp chế và truyền thông kiểm soát toàn bộ nội dung thông tin trước khi phát hành ra ngoài.
Sự tăng trưởng về truyền thông và kết nối đã liên tục tạo động lực thúc đẩy kinh tế, thương mại. Thế giới đã giật mình với khối tài sản trị giá 1 tỉ USD, Kylie Jenner đã vượt mặt Mark Zuckerberg để trở thành tỉ phú tự thân trẻ nhất ở tuổi 21, theo danh sách tỉ phú thế giới 2019 do Forbes công bố hôm 5/3.
Chìa khóa thành công của Kylie nằm ở sức ảnh hưởng của cô và chiến lược truyền thông, với hơn 175 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, kênh giúp cô bành trướng đế chế mĩ phẩm mang tên Kylie, thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Nhưng để trở thành nữ tỉ phú tự thân giàu thứ 27 ở Mỹ, Kylie Jenner đã sử dụng không ít chiêu trò, từ những câu chuyện tình ái, đến diện những bộ đồ khiêu khích, khoe trọn vẹn những đường cong bốc lửa, nhằm gia số lượng người theo dõi trên mạng xã hội.
Từ “hiện tượng” Khá “bảnh”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nêu quan điểm: “Thị hiếu của đám đông là hiện thực của xã hội cần được tôn trọng”.
Tại Việt Nam, pháp luật hiện hành cho phép người dân được phép kinh doanh những lĩnh vực pháp luật không cấm. Theo nghĩa đó, một người bình thường hoàn toàn có thể tiếp cận nền tảng nội dung số, như YouTube, để kinh doanh trực tuyến.
“Việc một bộ phận xã hội lại quan tâm đến Khá “bảnh”, cần nhìn lại cấu trúc xã hội, tinh thần xã hội và tâm lý xã hội đang diễn biến như thế nào. Trong xã hội hiện nay, cá nhân nào đang thực hành các chuẩn mực ? Hơn thế, xã hội có thực sự chuẩn không để có thể xác định những hành vi lệch chuẩn ?...”
Theo quan sát của TS Thành, việc áp đặt các chuẩn mực cho xã hội đã tồn tại quá lâu và nhiều năm qua, trong khi một bộ phần giới trẻ hiện nay không còn tuân theo các chuẩn mực này. Ông nói: “Trong một xã hội văn minh cần biết lắng nghe và thừa nhận”.
Việt Nam, một thị trường mới nổi hàng đầu khu vực ASEAN với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về phát triển kinh tế và nhu cầu tiêu dùng. Số lượng người dùng Intenet tại Việt Nam tăng lên 50 triệu người đạt mức 54,19 người dùng Intenet/100 dân, theo số liệu của EuroCham.
Không gian mạng mang đến nhiều cơ hội, ví dụ khả năng tăng cường kinh tế bền vững từ việc sử dụng intenet miễn phí, nhưng cũng đi kèm với các thách thức, đòi hỏi sự cân bằng giữa quyền riêng tư của công dân, an ninh công cộng và an ninh quốc gia.
Thực tế, chỉ khi thị trường thương mại điện tử tăng trưởng lên mức cao hơn, nhận thức và khả năng ứng dụng công nghệ của các đơn vị bán hàng được cải tiến, người bán hàng có thêm kinh nghiệm để lựa chọn giữa cái lợi trước mắt và chiến lược phát triển dài hạn.