Nhờ sinh mổ phát hiện ra u xơ
Chị Hà kể, chị dự sinh ngày 24/2, hôm 21 đi khám ở bênh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn - nơi chị đăng ký sinh thì có dấu hiệu cạn ối. Chị không thấy xuất hiện một cơn đau nào, nhìn các mẹ cũng phòng hôm ấy vật vã đứng lên ngồi xuống, nhăn nhó, đau đớn, bấu chỗ này, cấu chỗ kia chị cũng muốn được trải qua cảm giác như vậy vì khi đó em bé đã được 29 tuần 5 ngày rồi.
Chị Nguyễn Thu Hà (Lạng Sơn). (Ảnh: NVCC) |
Chị xác định ngay từ đầu là sẽ sinh thường vì con không to, đường kính lưỡng đỉnh cũng vừa, con cũng đã quay đầu, lại không có dây rốn quấn cổ. Nhưng đợi mãi không có cơn chuyển dạ vì cổ tử cung dày quá. Cả nhà chị xin mổ theo yêu cầu để đảm bảo an toàn cho thai nhi. “Phạch một cái phải ăn dao” làm chị khá hoang mang và có phần hơi sợ hãi. 15h chiều ngày 22/2 chị lên bàn mổ mà không có bất cứ sự chuẩn bị tâm lý nào.
Ca mổ diễn ra nhanh chóng, chỉ “chưa kịp có cảm giác gì, tầm 5-7 phút là con đã chui ra khóc oe oe” rồi. Em bé Lương Nhật Minh của chị Hà ra đời lúc 3h35 phút, nặng 3,4 kg. Sau khi chào đời, em bé được da tiếp da với mẹ. Nằm trên ngực mẹ, em bé cọ quậy tay chân bé tí hin khiến chị xúc động nghẹn ngào.
Điều may mắn trong ca mổ của chị Hà là khi mổ bắt con ra xong, bác sĩ tiến hành mổ đẻ cho chị phát hiện được 3 cái u xơ, cái to nhất bằng đầu ngón tay cái nên tiến hành phẫu thuật để lấy ra luôn.
“Mình thầm cảm ơn bé Nhật Minh vì mình nghĩ rằng mọi chuyện trên đời đều có nguyên do của nó cả. Có thể em bé thương mẹ nên mới chọn cách ấy để chui ra, chứ cứ đẻ thường, mình lại chủ quan có làm gì đi kiểm tra bao giờ mà biết. Cái u này nó to lên mà vỡ ra thì... nói chung là mình rất cảm ơn con, chứ mỗi lần động dao kéo vào người có phải chuyện đơn giản đâu” – chị Hà chia sẻ.
Bé Nhật Minh “rất háu ăn và ngoan, cứ ti no lại lăn ra ngủ”. (Ảnh: NVCC) |
Cảm nhận sau lần sinh mổ là hai chữ “nhẹ nhàng”
Nói về việc sinh mổ, sau khi trải qua lần “đụng dao kéo” đầu tiên trong đời, chị Hà kể:
“Mình thấy đau mổ không đáng sợ lắm, vì được tiêm với uống thuốc giảm đau 3 ngày liền. Ngày đầu tiên sau mổ mình nằm bất động, sau 24h dậy tập đi. Đến ngày thứ 3 là dậy ôm con cho con bú được rồi. Đến ngày thứ 5 mới tự thay bỉm được cho con. Chỗ vết mổ thì còn căng, đi lại nhiều mới thấy hơi nhức, còn nằm, ngồi hoặc cho con bú thì thoải mái.
Nói chung nếu là trường hợp không mong muốn, buộc phải mổ thì các mẹ cứ tự tin lên bởi đau mổ cũng nhẹ nhàng thôi, trong khả năng chịu đựng của cơ thể ấy mà.
Vì lựa chọn bệnh viện tuyến tỉnh nên chi phí cho cả mổ đẻ lẫn mổ u và các khoản chi phí liên quan chỉ hết gần 10 triệu, mình có bảo hiểm chi nên chỉ phải thanh toán hơn 3 triệu một chút. 6 ngày ở viện mình nằm phòng theo yêu cầu nên mọi thứ khá nhẹ nhàng, thuận lợi”.
Bé Nhật Minh 6 ngày tuổi. (Ảnh: NVCC) |
Kinh nghiệm để sữa về nhanh sau mổ đẻ
Chị Hà khá lo lắng vì trước đấy thấy các mẹ gần đến ngày sinh có sữa non về mà chị không thấy giọt nào. Nhưng may mắn mổ xong hai ngày thì sữa về ào ạt. Một bên cho con bú, một bên sữa chảy ròng ròng, chị phải lấy tay vắt để đêm bố em bé cho con ti lúc đói.
Theo kinh nghiệm cá nhân chị, để sữa nhanh về sau mổ thì sau khi sinh, ngày nào chị cũng uống 3 cốc sữa nóng ấm và ăn cơm móng giò kho nghệ ninh nhừ. Ngoài ra, chị ăn theo kinh nghiệm dân gian, kiêng không ăn đồ tanh, cay, nóng và các món gây mất sữa như bắp cải, lá lốt…
“Nghĩ lại, mình vẫn sợ lúc mới tập cho con ti, đau muốn khóc. Ban đầu chưa biết cách cho con ti, bé ngậm riêng núm vú nên mình có bị nứt chảy máu một ít, con ti mẹ con khóc, mẹ cũng khóc theo con luôn.
Mình có thuê người tắm bé, họ thấy vậy nên hướng dẫn mình cách cho con ti, để bé ngậm hết quầng vú, như thế bé vừa ti được nhiều, mẹ lại không đau. Bên vú đấy mình ngừng cho con ti, vệ sinh với nước muối sạch rồi bôi kem chống hăm lên, khoảng hai ngày sau vết thương lành, mình lại cho con bú được. Nhưng đúng là nhìn con phê sữa yêu không tả được. Đúng là nghiện con lắm rồi” – chị Hà nhớ lại những cữ bú đầu tiên của “gà con”.