Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi năm nay đã ở tuổi 86. Ông là một đạo diễn phim truyện đã để lại những dấu ấn trong lòng khán giả như: "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông"; "Tướng về hưu"; "Tiếng cồng định mệnh"... Bộ phim "Tướng về hưu" đã mang lại cho ông giải Bông Sen bạc (không có giải vàng) trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX (năm 1990).
Tuy nhiên, dấu ấn đậm nét về đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi vẫn là người đạo diễn tài năng của những thước phim tài liệu, đặc biệt là những thước phim tái hiện lại cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp, trong đó có điểm nhấn đặc biệt về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi kể lại thời điểm đầu tiên ông được làm phó quay phim, bộ phim tài liệu "Việt Nam" của đạo diễn Cacmen, ông được phân công chuyên quay về quân sự đã lên chiến trường Điện Biên Phủ. Đó là thời điểm chiến tranh, nhóm làm phim phải đi ban đêm để tránh đạn pháo của địch. Có những lúc đoàn phải dừng lại để lực lượng công binh mở đường vì bom địch phá nát cả những con đường. Ngay khi lên đến Điện Biên Phủ thì chiến dịch kết thúc, nhóm làm phim của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã bắt tay vào quay những cảnh trận địa sau trận đánh, xác máy bay và xe tăng địch bị phá hủy ngổn ngang...
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng (bên phải). |
Tuy nhiên, một trong những điều nguy hiểm và khó khăn nhất đó là sau mỗi trận đánh, bom mìn bị rải nhiều trên chiến trường, cờ hiệu đánh dấu bom mìn bị mờ nên việc ai đó bị giẫm phải mìn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trước cảnh đó, chỉ còn một cách là người đi trước phải cào đất, bới cỏ để đi, người đi sau theo đó giẫm lên dấu chân người trước. Vậy mà có người vẫn giẫm mìn, nát bàn chân, phải đưa về Hà Nội để chữa trị.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi ngậm ngùi chia sẻ, khi làm phim về chiến tranh, đi vào cuộc chiến có nghĩa là chấp nhận mọi điều có thể xảy ra. Ông nhớ lại một câu chuyện khiến đến giờ ông vẫn cảm thấy "rùng mình" khủng khiếp về sự hy sinh cho nghệ thuật, cho những thước phim để lại sự chân thực cho hậu thế. Khi đoàn dựng lại cảnh quay bộ đội ta kéo pháo ở Điện Biên.
Để khắc họa hình ảnh một cách chân thực, một vài người lính được bố trí nấp sau bụi cây ném thủ pháo ra nhằm tạo khói lửa bom đạn. Một chiến sĩ chưa đốt dây cháy chậm đã vội ném khiến thủ pháo không nổ. Quay đi quay lại nhiều lần, mọi người sốt ruột, một phần do hồi ấy quay phim thủ công nên rất hiếm, người trung đội trưởng lúc đó xung phong thế chân đồng đội để ném thủ pháo.
Nhưng thật đáng buồn vì người trung đội trưởng ấy để dây cháy chậm quá ngắn, nên khi vừa ném, thủ pháo đã nổ trên tay khiến anh hy sinh. Đấy, tuy đã dạn dày chiến trận, không hy sinh trong chiến đấu giữa bao nhiêu bom đạn mà giải phóng rồi, người lính ấy lại hy sinh vì những thước phim quý giá để lại cho hậu thế.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi trong trí nhớ của mình, khẳng định rằng, trong lúc làm phim, ông thường là người hay bị gặp những rắc rối, gần như không có phim nào "xuôi chèo mát mái" cả. Cũng có thể ông là người cầu toàn nên thường có những yêu cầu cao đối với từng thước phim do mình đạo diễn.
Chẳng hạn, lần làm phim "Cơn lốc biển", nói về việc công nhân mỏ đi biểu tình chống Pháp những năm 1936, ông phải dùng tới 6.000 diễn viên quần chúng. Khi quay trên cao thì thấy được sự hùng tráng, đông người, đậm tinh thần phản kháng, nhưng rồi tới lúc quay trung cảnh thì lại thấy ít người quá. Ngay lúc đó, ông phải chạy đến thư viện tìm sách đọc lại rồi mới cho quay tiếp.
Còn trong một cảnh quay bắn súng, mặc dù các nhà chuyên môn đã tịch thu hết đạn thật để chỉ bắn đạn khói, nhưng có anh lính "vui tính" đã giữ lại được một viên đạn thật để... diễn. Khi súng bắn ra thì đã có một người bị thương. Hay như khi làm phim "Tiếng cồng định mệnh" (kịch bản của Chu Lai), phải sử dụng đến xe tăng. Mặc dù đã hướng dẫn, thực hành trước các thao tác bắn nhưng trong tình huống diễn thật có lái xe ngồi trong cabin, thì anh lính bắn súng đã gạt cần an toàn xuống khi thuốc súng vẫn còn cháy. Thế là người lái xe bị bỏng phải vội vàng đẩy cửa chạy ra ngoài...
Đoàn làm phim tài liệu của đạo diễn Trịnh Quang Tùng. |
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng sinh năm 1975. Anh hiện đang là đạo diễn làm việc tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Đối với anh, những thế hệ đi trước luôn là những người tạo cảm hứng để anh có những thước phim hay, đoạt nhiều giải thưởng danh giá trong nghề. Song hành với phim về những đề tài của đời sống, anh cũng làm phim tài liệu về những cô gái thanh niên xung phong trên đường 20 quyết thắng. Họ bị bom Mỹ vùi lấp trong hang đá, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Nhận nhiệm vụ, đạo diễn Trịnh Quang Tùng đã mất nhiều thời gian tìm hiểu tài liệu, kể cả phim tư liệu của Hãng. Tiếp đó là gặp gỡ những người trở về từ cuộc chiến, các chuyên gia quân sự, các phóng viên, các đạo diễn đã trực tiếp hoặc đã làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng. Tuy vất vả nhưng thú vị, có nhiều cảm xúc để anh làm hay hơn.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố khiến phim của anh chưa được như mong muốn dù được giới chuyên môn đánh giá cao, đó là đối với những người sinh ra sau chiến tranh, không biết đến chiến tranh, khi làm phim về đề tài chiến tranh là rất khó, phụ thuộc nhiều vào vốn sống, sự hiểu biết, nếu không đầu tư công sức, sự tìm hiểu thì phim sẽ nhạt, không đạt kết quả. Mặt khác, lăng kính của những người đi vào cuộc chiến như đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi hay những đạo diễn cùng thời với ông, sẽ có cách nhìn chân thực và sinh động, họ sẽ làm đầy xúc cảm và thậm chí là đau đớn.
Bản thân những người trẻ làm phim về chiến tranh, ở một góc độ nào đó có những thiếu hụt về vốn sống, nên theo anh Tùng, anh sẽ chú trọng làm những bộ phim về vấn đề của đời sống đương đại, đi cùng đời sống để tiếp cận và hướng tới độc giả đương đại. Cho dù gặp nhiều vất vả nhưng rõ ràng, ngày này, những đạo diễn trẻ làm phim tài liệu vẫn có những điều sung sướng hơn các bậc tiền bối vì họ có rất nhiều điều kiện từ máy móc, dụng cụ, các phương kiện kỹ thuật số giúp các nhà làm phim có phần thoải mái hơn trong sáng tác.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi. |
Phương tiện kỹ thuật tương đối đầy đủ, quan hệ quốc tế nhiều hơn nhưng bên cạnh đó là sự cạnh tranh khốc liệt. Nhà nhà làm phim, ai cũng có thể làm phim, đây là điều tốt để truyền cảm hứng cho tất cả các đạo diễn trẻ, nhưng cũng vì thế là một thách thức để biết mình đang ở đâu trong đời sống này và không phải chịu những ảo tưởng của bản thân để phấn đấu hơn trên con đường lập nghiệp...
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ rằng, mỗi đạo diễn phim tài liệu, ngoài sự đam mê, cái duyên, thì còn là một sự kỳ công và nỗ lực để không bao giờ... nản trước những khó khăn, thất bại. Những ngày đầu tiên vào nghề, anh đã từng “đối đầu” với nhân vật của mình là một người khiếm thính.
Sau 3 tháng ròng, đêm nào cũng ra quán nước trà của vợ chồng một người câm ở đầu phố Đoàn Thị Điểm - Tôn Đức Thắng, anh gần như thất bại vì không có cách nào nói để họ hiểu mình. Đã định bỏ cuộc để tìm một đề tài khác dễ hơn thì một buổi tối, anh Tùng gặp anh Tuấn, bạn của vợ chồng nhà nọ. Anh Tuấn đã dạy cho đạo diễn ngôn ngữ của những… ngón tay, dần dần anh hiểu và nói chuyện với họ cũng như đã làm chủ được công việc của mình.
Phim "Quán trà câm" của anh sau đó được đánh giá rất cao. Trong một bộ phim tài liệu khác, anh đã tiêu khá nhiều tiền chỉ để… đốt nhà. Đó là khi anh dựng một căn nhà tạm trên bãi sông Hồng để quay bộ phim "Phù du".
Do chưa có kinh nghiệm, Trịnh Quang Tùng tẩm xăng vào vách nhà để đốt nên phim chưa quay xong thì nhà đã cháy hết. Đành phải dựng một cái nhà khác để quay lại. Anh bèn về xin tiền của… vợ. Lúc đó vợ còn một chỉ vàng từ hồi cưới đưa luôn cho anh bán lấy tiền góp cùng anh em làm lại cái nhà mới và đi hỏi kinh nghiệm… đốt nhà. Sau lần ấy anh đã thành công.
Khó khăn nhất là thời gian Trịnh Quang Tùng làm bộ phim khoa học nói về căn bệnh tâm thần "Khi không thể vượt qua chính mình" (phim đoạt giải Cánh diều bạc năm 2009). Phim này muốn hay thì phải có số phận, nhân vật, gia đình nhân vật, rồi các y, bác sĩ. Nhưng để thuyết phục được gia đình có người bị tâm thần là vô cùng khó khăn vì bản thân họ vẫn còn những mặc cảm… Và khi làm việc với nhân vật thì khó khăn lại nhân lên gấp bội.
Đạo diễn Nguyễn Thước. |
Lần ấy cả đoàn về Hà Nam quay một nhân vật do học nhiều dẫn đến tâm thần. Dân làng chỉ cho gian nhà sau hàng rào rậm rạp kèm theo lời dặn cẩn thận không là… ăn gạch như chơi. Dù sợ nhưng các anh vẫn quyết định chui qua lỗ hổng bờ rào - cửa giao tiếp duy nhất của nhân vật với thế giới bên ngoài. Anh em máy quay sẵn sàng. Tùng xung phong vào trước, vừa chui vừa sợ, nhưng vẫn kịp dặn anh em là nhớ quay luôn cả cảnh… ném gạch. Nhưng khi vào đến trong nhà thì may quá, nhân vật lúc ấy đang ngủ và anh em an toàn!
Thực tế cho thấy, để hoàn thành được bộ phim tài liệu, các đạo diễn phải rất khổ ải, vất vả để có thể có những thước phim phục vụ khán giả. Tuy nhiên, có một thực tế từ trước đến nay, đại đa số khán giả thích xem các thể loại phim truyện, phim truyền hình... Còn phim tài liệu, đôi khi làm ra chỉ để phục vụ thiểu số công chúng cần đến thì xem, chứ không phải phục vụ đại chúng. Chính vì thế, nói như đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, làm chỉ vì niềm đam mê và thích thú của mình chứ không phải vì... tiền. Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi còn bảo, ở tuổi ngoài 80, may mắn sống nhờ các con chăm sóc, chứ như ông nói, tiền lương hưu không đủ mua thuốc!
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước cũng cho rằng, phim tài liệu thuộc thể loại chính luận, khô khan, tiếp cận khán giả được ít hơn những thể loại khác. Phim ít khi được ra rạp, ít công chúng, đó cũng là cái bất lợi cho những người làm phim tài liệu. Tuy nhiên, ông cho rằng, không phải không có hướng tiếp cận. Ngày nay với sự phát triển của truyền thông, của mạng xã hội, của các phương tiện máy móc hiện đại, các đạo diễn sẽ có nhiều lựa chọn và cũng ít phải vất vả hơn khi đi tác nghiệp, đó cũng là một điều khiến những đồng nghiệp của ông được an ủi phần nào.
Còn riêng đạo diễn, NSND Nguyễn Thước, dù thế nào đi chăng nữa, với ông, niềm đam mê làm phim tài liệu đã ăn sâu vào trong máu. Nên nếu được chọn lại nghề, ông vẫn chọn lại cái nghề mà cả đời ông đã theo đuổi miệt mài, không biết chán...
XEM THÊM
Phim tài liệu về người chuyển giới được khen ngợi tại Pháp
Đi tìm Phong (Finding Phong) là câu chuyện đi tìm bản thể của Phong, một người chuyển giới, do đạo diễn Trần Phương Thảo và ... |
Cuối tuần cùng xem các bộ phim tài liệu hay nhất về sức khỏe
Hãy dành thời gian cuối tuần để xem các bộ phim tài liệu chân thực này. Xem phim không chỉ thư giãn mà còn có ... |
Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu - Việt Nam năm 2017
Là điểm hẹn khám phá cuộc sống, văn hóa và góc nhìn của Việt Nam và thế giới, từ ngày 9 - 18 6 2017, ... |
NSND Nguyễn Thước và những trăn trở về phim tài liệu Việt
Đạo diễn – NSND Nguyễn Thước đã chia sẻ sự khó khăn khi theo đuổi dòng phim tài liệu hệt việc như việc thả một ... |