Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định chi tiết chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không.
Theo đó, để bảm đảm an ninh hàng không, thông tư có chỉ ra hành khách mất khả năng làm chủ hành vi bao gồm: Mất khả năng làm chủ hành vi do bị bệnh tâm thần hoặc do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích.
Đối với hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích sẽ không được chấp nhận chuyên chở.
Đối với hành khách bị bệnh tâm thần, việc chấp nhận chuyên chở do đại diện hãng hàng không đánh giá và quyết định. Khi chấp nhận chuyên chở hành khách bị bệnh tâm thần thì phải thực hiện các yêu cầu nghiêm ngặt như: Hành khách bị bệnh tâm thần phải có bác sĩ hoặc thân nhân đi kèm có khả năng kiềm chế được hành vi bất thường của hành khách.
Trong trường hợp cần thiết, hành khách bị bệnh tâm thần cần phải được gây mê trước khi lên tàu bay, thời gian bay không được lâu hơn thời gian tác dụng của thuốc; Hành khách bị bệnh tâm thần và hành lý, vật dụng của họ phải được kiểm tra trực quan, việc kiểm tra có thể được bố trí tại khu vực riêng; Đại diện hãng hàng không phải thông báo cho người chỉ huy tàu bay vị trí ngồi của hành khách bị bệnh tâm thần...
Thông tư 13/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.
Ảnh minh họa.
Một nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 21/2019/TT-BTC ngày 11/4/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ là việc quy định quản lý tiền đặt cọc và tiền thu được từ bán cổ phần.
Theo Thông tư số 21/2019/TT-BTC, nhà đầu tư công chúng có trách nhiệm nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đặt mua tính theo giá mở sổ.
Đối với nhà đầu tư chiến lược, số tiền đặt cọc bằng 20% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm trong phương án cổ phần hoá đã được phê duyệt theo quy định tại điểm h Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
Tiền đặt cọc sẽ được trừ vào tổng số tiền phải thanh toán mua cổ phần; nếu số tiền đặt cọc lớn hơn số tiền cần thanh toán thì phần chênh lệch sẽ trả lại cho nhà đầu tư trong vòng 3 ngày sau khi kết thúc thời hạn thanh toán. Thời hạn thanh toán là 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả dựng sổ.
Nếu quá thời hạn thanh toán mà nhà đầu tư không nộp, nộp không đủ so với số tiền phải thanh toán, nhà đầu tư không được hoàn trả tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần không thanh toán hoặc bị phạt số tiền tương đương khoản giá trị đặt cọc trong trường hợp sử dụng hình thức ký quỹ, bảo lãnh.
Đại lý dựng sổ có trách nhiệm chuyển tiền thu được từ bán cổ phần lần đầu cho Tổ chức quản lý sổ lệnh trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần của nhà đầu tư.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần của nhà đầu tư, Tổ chức quản lý sổ lệnh có trách nhiệm: Chuyển tiền thu từ bán cổ phần cho doanh nghiệp cổ phần hoá tương ứng với kinh phí giải quyết chính sách lao động dôi dư và chi phí cổ phần hoá theo dự toán đã xác định trong phương án cổ phần hoá (đối với doanh nghiệp cổ phần hoá là doanh nghiệp nhà nước).
Chuyển tiền thu từ bán cổ phần cho doanh nghiệp cổ phần hoá tương ứng các khoản kinh phí giải quyết chính sách lao động dôi dư, chi phí cổ phần hoá theo dự toán đã xác định trong phương án cổ phần hoá, nghĩa vụ thuế (đối với doanh nghiệp cổ phần hoá là doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ).
Đồng thời, chuyển toàn bộ số tiền thu được từ bán cổ phần còn lại về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (gồm cả tiền đặt cọc không phải trả cho nhà đầu tư nếu có).
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 3/6/2019.
Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/1//2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn: Cấp xã loại 1 tối đa 23 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 2 tối đa 21 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 3 đối đa 19 người (giảm 2 người so với quy định cũ).
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã bằng hoặc thấp hơn quy định nêu trên, bảo đảm đúng với chức danh và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đối với xã, thị trấn bố trí trưởng công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức quy định nêu trên giảm 1 người.
Số lượng cán bộ, công chức cấp xã nêu trên bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã. Riêng trường hợp luân chuyển về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND cấp xã thì thực hiện theo Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ về số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.
Nghị định cũng sửa đổi, bố sung quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Cụ thể, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: Loại 1 tối đa 14 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 2 tối đa 12 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 3 tối đa 10 người (giảm 9 người so với quy định cũ).
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn như sau: Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16 lần mức lương cơ sở; loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở; loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ vào quỹ phụ cấp và căn cứ vào đặc thù của từng cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã, nguồn kinh phí chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương. UBND cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể những nội dung sau: Quy định chức danh và bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bằng hoặc thấp hơn quy định; quy định cụ thể về mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Nghị định 34/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/6/2019.
Theo đó, thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong cơ sở giáo dục công lập nêu tại Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT chính thức bị bãi bỏ. Thay vào đó sẽ thực hiện theo khoản 11 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ.
Hiện nay, các chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong cơ sở giáo dục công lập phải tập sự trong thời gian:
- 12 tháng với chức danh yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học
- 9 tháng với chức danh có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng
- 6 tháng với chức danh yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp
Trong khi đó, trước đây, Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT áp dụng thời gian tập sự như sau:
- 12 tháng với chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III, giáo viên trung học phổ thông hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III.
- 9 tháng với chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III
- 6 tháng với chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV
Đặc biệt, thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, nghỉ không lương và thời gian bị tam giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác sẽ không được tính vào thời gian tập sự.
Thông tư 09/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 29/6/2019.
Đây là nội dung chính được nêu tại Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Theo đó, về chăm sóc sức khỏe và chữa trị chấn thương, vận động viên thể thao thành tích cao được chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng và chữa trị chấn thương tại các cơ sở y tế trong nước.
Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định cho vận động viên thể thao thành tích cao được triệu tập tập huấn tại các đội tuyển thể thao quốc gia chuẩn bị tham dự và có khả năng giành huy chương tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), tham dự Đại hội thể thao Olympic (Olympic Games) và vận động viên tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật thế giới (Paralympic Games) được chữa trị chấn thương ở nước ngoài.
Về chế độ dinh dưỡng đặc thù, vận động viên thể thao thành tích cao được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho khả năng hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao, gồm: Bữa ăn hàng ngày (1); thực phẩm chức năng.
Huấn luyện viên thể thao thành tích cao được hưởng chế độ bữa ăn hằng ngày như vận động viên thể thao thành tích cao. Thời gian hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù được tính trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu của huấn luyện viên, vận động viên.
Huấn luyện viên và vận động viên thể thao thành tích cao được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), ASIAD và Olympic Games được hưởng chế độ dinh dưỡng cao hơn tối đa không quá 50% mức quy định trong thời gian không quá 90 ngày.
Huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia và có khả năng giành huy chương vàng tại ASIAD, giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao Olympic trẻ (Youth Olympic Games), có khả năng đạt chuẩn tham dự Olympic Games và huấn luyện viên, vận động viên tham dự Paralympic Games được hưởng chế độ dinh dưỡng cao hơn không quá 100% mức quy định.
Vận động viên thể thao thành tích cao được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia và có khả năng giành huy chương tại ASIAD, tham dự vòng loại và tham dự Olympic Games và vận động viên tham dự Paralympic Games được hưởng chế độ thực phẩm chức năng theo tính chất đặc thù của từng môn thể thao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Huấn luyện viên, vận động viên khi tập huấn ở nước ngoài được hưởng chế độ bữa ăn hàng ngày theo thư mời hoặc hợp đồng ký kết giữa cơ quan quản lý vận động viên ở trong nước với cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
Khi giá cả thị trường biến động bằng hoặc hơn 10% theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất điều chỉnh mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng cho phù hợp.
Vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển thể thao quốc gia đã tốt nghiệp trung học phổ thông, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu Olympic Games, Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, ASIAD, Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, SEA Games, Giải vô địch Đông Nam Á, Cúp Đông Nam Á được ưu tiên:
- Tuyển thẳng trong tuyển sinh vào các ngành thể dục thể thao hoặc các chuyên ngành giáo dục thể chất của các trường đại học, cao đẳng.
- Cử tham gia các khóa đào tạo huấn luyện viên, tham gia tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong nước và nước ngoài.
- Xem xét miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật.
Vận động viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được triệu tập vào đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các ngành để tập huấn và thi đấu thì được cơ quan sử dụng vận động viên chi trả học phí theo quy định của pháp luật.
Vận động viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải thi đấu thể thao quốc gia hoặc quốc tế được xét đặc cách tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông nếu thời gian thi trùng với thời gian vận động viên tập huấn ở nước ngoài hoặc tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc tế.
Nghị định quy định rõ, vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thôi làm vận động viên nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Vận động viên đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên: Xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm.
Các chế độ về tiền lương; tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài và tiền thưởng theo thành tích thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 14/6/2019.
Được ban hành từ cuối năm 2018, nhưng từ ngày 15/6/2019, Thông tư 41/2018/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt mới chính thức có hiệu lực.
Điểm thay đổi lớn Quy chuẩn mới sẽ bao gồm nhóm chỉ tiêu bắt buộc do Bộ Y tế ban hành và nhóm chỉ tiêu bắt buộc do Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành tùy từng địa phương. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt bảo đảm có hiệu lực trước ngày 01/7/2021.
Thông tư này có điều khoản chuyển tiếp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong thời hạn quy định thì đơn vị cấp nước có thể áp dụng một trong hai trường hợp: Áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt ban hành kèm theo Thông tư này nhưng phải thử nghiệm toàn bộ các thông số chất lượng nước sạch trong danh mục quy định tại điều 4 của Quy chuẩn hoặc tiếp tục áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01: 2009/BYT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02: 2009/BYT) cho đến hết ngày 30/6/2021.
Theo đó, các Viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm báo cáo tình hình chất lượng nước sạch của các tỉnh trong địa bàn phụ trách theo định kỳ 6 tháng/lần; Sở Y tế các tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát chất lượng nước; Trung tâm kiểm soát bệnh tật/Trung tâm y tế dự phòng tỉnh kiểm tra chất lượng nước sạch của các đơn vị cấp nước sạch cho các hộ gia đình định kỳ theo quý…
Quy chuẩn ban hành sẽ tăng cường sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn nước sạch, tăng tính chủ động của các địa phương và vai trò, trách nhiệm của các cơ sở cung cấp nước trong việc đảm bảo an toàn cấp nước.
Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt" là một trong những văn bản quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị BCH TW 6 Khóa XII "Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới".
Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp sẽ được áp dụng từ ngày 10/6/2019.
Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng.
Tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với tổ chức là 1 tỷ đồng.
Trong đó, Nghị định quy định cụ thể mức phạt khai thác rừng trái pháp luật. Theo đó, khai thác trái pháp luật trong rừng sản xuất đối với gỗ loài thông thường phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,4 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,2 m3 gỗ rừng tự nhiên; phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,4 m3 đến dưới 1 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,2m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng tự nhiên;... phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 15 m3 - 20 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 7m3 đến dưới 10m3 gỗ rừng tự nhiên.
Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,3 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,2 m3 gỗ rừng tự nhiên; đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,2 m3 đến dưới 0,4 m3 gỗ rừng tự nhiên thì sẽ bị phạt tiền từ 3-7 triệu đồng;... phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 10 m3 đến dưới 15 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 5 m3 đến dưới 7 m3 gỗ rừng tự nhiên.
Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, phạt tiền từ 10-25 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,3 m3; đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 thì sẽ bị phạt tiền từ 25-50 triệu đồng;...phạt tiền từ 75-100 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,7 m3 đến dưới 1 m3.
Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt hành vi khai thác trái pháp luật trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đối với gỗ loài thông thường, đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA; mức phạt đối với hành vi khai thác trái pháp luật rừng ngoài gỗ.
Thông tư 23/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định cụ thể về các mức phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh; phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ, lệ phí cấp giấy phép quản lý pháo…
Theo đó:
- Phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh: 300.000 đồng/lần
- Phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ: 20.000 đồng/lần
- Lệ phí cấp giấy phép quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ: 10.000 đồng/giấy
- Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ: 10.000 đồng/giấy
- Giấy phép mang các loại đạn vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam: 50.000 đồng - 150.000 đồng/giấy, tùy số lượng viên đạn…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/6/2019
Thông tư 08/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xếp lương nhân viên thiết bị, thí nghiệm trong các trường trung học và trường chuyên biệt công lập sẽ có hiệu lực từ ngày 17/6/2019.
Theo đó, Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương nhân viên thiết bị, thí nghiệm trong các trường trung học và trường chuyên biệt công lập, bao gồm: Trường trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện; trường trung học phổ thông; trường trung học phổ thông chuyên; trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường dự bị đại học và trường dành cho người khuyết tật.
Thông tư này áp dụng đối với nhân viên thiết bị, thí nghiệm trong các trường trung học và trường chuyên biệt công lập.
Mã số chức danh nghề nghiệp nhân viên thiết bị, thí nghiệm: Nhân viên thiết bị, thí nghiệm - Mã số: V.07.07.20
Về nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên thiết bị, thí nghiệm: Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên thiết bị, thí nghiệm quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ của viên chức. Khi bổ nhiệm từ các ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp nhân viên thiết bị, thí nghiệm không được kết hợp nâng bậc lương viên chức.
Về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nhân viên thiết bị, thí nghiệm: Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nhân viên thiết bị, thí nghiệm (mã số V.07.07.20) đối với viên chức được tuyển dụng hoặc đang làm công tác thiết bị, thí nghiệm trong các trường trung học và các trường chuyên biệt công lập, đủ tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này.
Cách xếp lương: Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nhân viên thiết bị, thí nghiệm (mã số V.07.07.20) quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức loại AO tại bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (Nghị định số 204/2004/NĐ-CP).
Việc xếp lương thực hiện như sau: Trường hợp có trình độ cao đẳng trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm nhân viên thiết bị, thí nghiệm thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nhân viên thiết bị, thí nghiệm, nếu đang xếp lương theo viên chức loại AO ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì tiếp tục xếp lương theo viên chức loại AO đó; trường hợp đang xếp lương theo viên chức loại A1 trở lên hoặc theo viên chức loại B thì được xếp lại lương theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hưởng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
Theo Thông tư 24/2019, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của Cục, Vụ và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 04/2019/NĐ-CP được xác định như sau:
- Đối với nhóm đơn vị có số biên chế dưới 50 người/01 đơn vị, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được xác định theo công thức:
Nếu có kết quả dư bằng 0,5 thì làm được làm tròn thêm 1 xe.
- Đối với nhóm đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/1 đơn vị:
Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung xác định cho nhóm đơn vị này bằng số lượng đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/1 đơn vị.
- Đối với nhóm đơn vị mà trụ sở làm việc không nằm chung địa bàn tỉnh, thành phố với trụ sở Bộ, cơ quan trung ương:
Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tối đa 1 xe/1 đơn vị.
Tuy nhiên, có thể được xem xét định mức sử dụng tối đa 2 xe/1 đơn vị nếu trụ sở đơn vị đóng trên địa bàn miền núi, hải đảo hoặc có phạm vi quản lý trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trở lên.
Thông tư 24/2019/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2019.