Những chuyển động mới tại khu đất hơn 1.600 tỷ của STC Golden Land tại Long Thành

Năm 2020, STC Golden Land - một doanh nghiệp trong hệ sinh thái Hoàng Sơn Group đã trúng đấu giá khu đất 23,4 ha tại Long Thành, Đồng Nai với giá 1.626 tỷ đồng. Trên khu đất này, Golden Land dự kiến sẽ xây dựng hơn 1.000 lô nhà vườn, nhà phố liền kề và biệt thự song lập.

UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai vừa cấp giấy phép xây dựng cho CTCP Đầu tư Bất động sản STC Golden Land thực hiện công trình Đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật đường D4 thuộc Khu dân cư tại xã Lộc An và Bình Sơn, huyện Long Thành.

Cụ thể, Goldend Land sẽ được phép xây dựng tuyến đường giao thông nội bộ cấp IV, vận tốc thiết kế 20 - 30 km/h, mặt cắt ngang rộng 22 - 24 m, trong đó lòng đường rộng 12 - 14 m. Theo tìm hiểu của người viết, tuyến đường D4 này là một trong số 7 tuyến đường giao thông nội bộ tại dự án Lộc An - Bình Sơn. 

Vào tháng 12/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất 23,4 ha tại xã Bình An và xã Lộc An, huyện Long Thành đối với Golden Land. Khu đất này có giá khởi điểm hơn 914 tỷ đồng, Golden Land đã trúng đấu giá với mức giá 1.626 tỷ đồng. 

Đến tháng 5/2021, toàn bộ diện tích đất này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Golden Land. Trong đó, Golden Land được làm đất khu dân cư đô thị trên diện tích 11,8 ha và làm công trình dịch vụ trên diện tích 0,7 ha, thời hạn sử dụng đất đến 3/12/2070.

 

(Ảnh chụp từ báo cáo đề xuất giấy phép môi trường dự án).

Chủ đầu tư từng thi công không phép

Tháng 1/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu dân cư theo quy hoạch tại xã Lộc An và xã Bình Sơn trên diện tích 23,4 ha đất nói trên, chủ đầu tư là Golden Land. Đến tháng 2/2022, tỉnh đã duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Lộc An - Bình Sơn. 

Theo quy hoạch, tại dự án sẽ có 263 lô đất xây nhà phố liền kề, mật độ xây dựng tối đa 80%, cao 3 - 4 tầng. Có 789 lô đất nhà vườn liền kề với mật độ xây dựng tối đa 80%, tầng cao 3 - 4 tầng. 31 lô biệt thự song lập với mật độ xây dựng tối đa 60%, tầng cao 2 - 3 tầng. Ngoài ra còn có một công trình thương mại dịch vụ với mật độ xây dựng tối đa 40%, cao 2 - 3 tầng.

Vào tháng 4/2022, Sở Xây dựng đã có thông báo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công hạ tầng kỹ thuật và 263 căn nhà ở tại dự án đủ điều kiện trình phê duyệt. Trong đó, Sở cũng cho hay, vào tháng 12/2021, chủ đầu tư Golden Land từng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng do tổ chức thi công một số công trình khi chưa có giấy phép xây dựng.

Thông tin từ Golden Land, dự toán xây dựng dự kiến đối với hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình nhà ở tại dự án Lộc An - Bình Sơn là khoảng 950,5 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay hợp pháp.

Ở diễn biến mới nhất, Golden Land vừa lập báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường cho dự án Lộc An - Bình Sơn. Dự báo, quy mô dân số tại dự án này là 4.332 người. 

Bóng dáng Hoàng Sơn Group

Phối cảnh dự án Lộc An - Bình Sơn. (Ảnh: Vinaland Group).

Về chủ đầu tư dự án Lộc An - Bình Sơn, STC Golden Land được thành lập vào ngày 19/7/2019, hiện có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Nam Chung (41,5%), Nguyễn Thanh Thanh (48,5%), Nguyễn Thanh Tùng (3,5%), Nguyễn Đức Giang (3,5%) và Đỗ Duy Phương (3%).

Trong đó, ông Nguyễn Nam Chung và Nguyễn Thanh Thanh đồng thời là cổ đông lớn và tham gia quản lý nhiều doanh nghiệp nhóm Hoàng Sơn Group, một đơn vị hoạt động ở lĩnh vực BOT, xây dựng, bất động sản, năng lượng,…

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Thanh là Chủ tịch HĐQT và sở hữu 84,7% vốn của CTCP Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn, hạt nhân của Hoàng Sơn Group (tính đến ngày 31/12/2019).

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Thanh còn có cổ phần tại 9 doanh nghiệp cùng nhóm như: CTCP Đầu tư Sơn Anh, CTCP Tư vấn Xây dựng Quang Thanh, CTCP Đầu tư Du lịch Quốc tế Ninh Thuận, Công ty TNHH Điện Mặt trời Mỹ Sơn 1,...

Tương tự, ông Nguyễn Nam Chung, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Golden Land, cũng là cổ đông của nhiều doanh nghiệp cùng nhóm: CTCP Đầu tư Thủy điện Hoàng Sơn, CTCP Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn, Công ty TNHH Điện Mặt trời Mỹ Sơn 2, Công ty TNHH Phong Điện Hòa Đông.

Tại Đồng Nai, Hoàng Sơn từng có ý định đầu tư dự án điện mặt trời khi có chuyến đi khảo sát thực tế tại địa phương này vào giữa tháng 10/2019. Cụ thể, doanh nghiệp đã khảo sát dự án điện mặt trời trên mặt hồ tại hồ chứa nước Gia Măng, huyện Xuân Lộc (176 ha) và hồ Cầu Mới, huyện Long Thành (gần 238 ha).

Thông qua các công ty thành viên, Hoàng Sơn sở hữu hàng loạt dự án năng lượng tại thị trường miền bắc như: Cụm dự án Thủy điện Suối Nhạp - Đồng Chum tại Hòa Bình; thủy điện Suối Nhạp A; nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 (1.363 tỷ đồng); nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (1.407 tỷ đồng); nhà máy thủy điện tại xã Định Cư, tỉnh Hòa Bình;…

Năm 2013, Hoàng Sơn mở rộng vào khu vực phía nam với dự án đầu tay là xây dựng mở rộng đường Quốc lộ 1 thuộc hai tỉnh Bình Định và Phú Yên theo hình thức BOT. Cuối tháng 8/2020, UBND tỉnh Gia Lai đã chấp thuận cho 2 doanh nghiệp do ông Nguyễn Nam Chung đại diện pháp luật đầu tư 2 nhà máy điện hơn 9.000 tỷ đồng.

Bên cạnh mảng năng lượng tái tạo, Hoàng Sơn còn sở hữu nhiều dự án bất động sản như Trung tâm thương mại, khách sạn và dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Hoang Son Plaza (Hòa Bình); Khu đô thị sinh thái Sơn Anh (Hòa Bình); Khu đô thị sinh thái Sông Đà (Hòa Bình); Đô thị Nam Quảng trường HB; Khu resort nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực (Ninh Thuận),…  

chọn
Cầu Bến Mới nối Nam Định - Ninh Bình sau 2 năm thi công
Cầu Bến Mới dự kiến tạo một trục kết nối giao thông hoàn chỉnh giữa các khu di tích Đền Trần, Phủ Dầy của tỉnh Nam Định và quần thể danh thắng Tràng An, Bái Đính của tỉnh Ninh Bình, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.