CTCP Du lịch Hiểu Về Trái Tim vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng thiền Hiểu Về Trái Tim - Nam Nung tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong và xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Trung tâm Tư vấn và Kỹ thuật Môi trường.
Vào tháng 5/2020, chủ đầu tư đã có hợp đồng với Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Nam Nung về việc thuê môi trường rừng thực hiện dự án. Đến tháng 6 vừa qua, dự án đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500.
Khu du lịch Hiểu Về Trái Tim - Nam Nung có diện tích hơn 219,3 ha. Phía bắc hướng về quần thể hang động Chư Bluk; phía nam hướng về thác Liêng Nung; phía đông hướng về tỉnh Đắk Lắk; phía tây hướng về thác Đắk Glun và thác Đắk Buk So. Quy mô công suất phục vụ 725 người/ngày đêm.
Về hiện trạng, khu đất thực hiện dự án là đất rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, không có dân cư sinh sống. Đối tượng tự nhiên có khả năng chịu ảnh hưởng lớn nhất chủ yếu là cảnh quan, đa dạng sinh học,... rừng xung quanh khu vực dự án.
Bên ngoài khu vực dự án, có Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV tại huyện Krông Nô, cách khoảng 15 km. Trong khu vực thực hiện dự án cũng không có các công trình công cộng và các công trình tôn giáo.
Chủ đầu tư cho biết, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng thiền Hiểu Về Trái Tim - Nam Nung được chia thành 2 khu vực với 8 phân khu chức năng.
Khu vực 1 là Khu nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch sinh thái ven suối. Khu vực này được phân thành 3 khu chức năng chính là phân khu tham quan du lịch sinh thái thác Gấu, phân khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ven suối, phân khu tham quan du lịch sinh thái leo núi thác Bảy Tầng.
Trong đó, phân khu du lịch sinh thái thác Gấu chia làm 2 khu nhỏ hơn là khu du lịch sinh thái thác Gấu và khu nghỉ cắm trại cao cấp - glamping.
Ngoài ra, có 1 khu chức năng chỉ để phục vụ thăm quan sinh thái, vị trí bám quanh tuyến giao thông xương sống chính của dự án. Trong khu vực này và bám dọc theo tuyến xương sống chính, tại các vị trí đất trống có bố trí các điểm nhà lều trạm để phục vụ cho du khách dừng nghỉ trú mưa nắng, tiện ích công cộng, vệ sinh.
Khu vực 2 là Khu nghỉ dưỡng thiền, cao cấp. Khu vực này được phân thành 5 phân khu chức năng chính là phân khu A - Yoga, Thiền, phân khu B - Nghỉ dưỡng thiền, phân khu C - Nghỉ dưỡng cao cấp, phân khu D - Hậu cần kỹ thuật , phân khu E - Cổng chào, tiếp đón, bãi xe.
Đi vào cụ thể từng phân khu, Khu vực thác Gấu (phân khu 1) có quy mô hơn 87 ha, gồm Trạm thông tin bán vé, 5 nhà hàng - cafe, 3 quầy shop mua sắm, 23 Bungalow, 33 Nhà lều, 2 nhà xông hơi, 1 nhà tiếp đón tắm suối, và các công trình phụ trợ.
Phân khu nghỉ dưỡng ven suối (phân khu 2, 31 ha) có 4 nhà hàng – cafe, 1 nhà hội thảo, 1 nhà tập gym & yoga, 1 Spa – detox, 01 Nhà thiền – trị liệu, 1 Club house, 45 bungalow 1 - 4 phòng ngủ, ngoài ra có các công trình phụ trợ, nhà lều. Tổng số lượng khách phục vụ lưu trú khoảng 200 khách.
Phân khu du lịch sinh thái leo núi Thác Bảy Tầng (phân khu 3, 23 ha) được định hướng giữ nguyên hiện trạng, phục vụ cho các hoạt động du lịch mạo hiểm, khám phá. Trong khu vực có bố trí 9 lều lán để nghỉ ngơi, cấp cứu...phân bố rải rác dọc suối. Tổng số lượng khách phục vụ lưu trú khoảng 54 người. Giao thông trong khu vực chủ yếu là tận dụng đường hiện trạng.
Phân khu giữ môi trường rừng tham quan (phân khu 4, 71 ha) sẽ không có sự can thiệp về xây dựng, cần bảo tồn và phát huy tài nguyên rừng, bảo vệ hệ sinh thái cho khu vực. Tận dụng các đường mòn hiện hữu để tuần tra bảo vệ rừng.
Phân khu Yoga Thiền (phân khu 5, 0,56 ha) gồm 1 nhà Thiền chính, 2 nhà nghỉ giảng viên, hệ thống sân thiền có mái, mặt nước, công trình phụ trợ. Các công trình được bố trí phù hợp với địa hình dốc, hạn chế việc san lấp, thiết kế cảnh quan tự nhiên hòa hợp với rừng bảo tồn xung quanh.
Phân khu nghỉ dưỡng Thiền (phân khu 6, 4 ha) gồm 1 Nhà tiếp đón, 1 nhà hàng – cafe, 1 Nhà thực tập nấu ăn, 1 nhà thư viện – hội thảo, 1 nhà tập thể dục, 1 bungalow đơn lập loại 1, 10 bungalow đơn lập loai 2, 16 bungalow song lập, 1 bungalow president, 1 bể bơi, ngoài ra có các hệ thống phụ trợ, hầu cần, nhà nhân viên.
Phân khu nghỉ dưỡng cao cấp (phân khu 7, 1 ha) gồm không gian tiếp đón, nhà hàng, khu nghủ, khu thư viện –trưng bày, khu vui chơi – spa – thiền, hệ thống sân vườn, sân tổ chức sự kiện, sân tập golf, sân chơi trẻ em, hồ bơi... Quy mô phục vụ 20 khách lưu trú.
Phân khu 8 bao gồm khu hậu cần kỹ thuật (0,16 ha) và khu cổng chào, tiếp đón, bãi xe (0,63 ha). Tất cả các công trình tại dự án sẽ được xây dựng chiều cao 1 - 3 tầng.
Mạng lưới thoát nước mưa khu vực xây dựng mới là hệ thống thoát nước riêng tự chảy, chu kỳ tính toán là 2 năm. Trong phạm vi khai thác công trình xây dựng sẽ xây dựng hệ thống thu gom nước mưa dọc đường giao thông quy hoạch về các khe tụ thủy và suối hiện trạng của khu vực.
Do các khu vực quy hoạch chủ yếu là nằm sát các khe tụ thủy và suối, phần cuối của các sườn dốc, vì vậy sẽ có một lượng nước mưa chảy tràn qua có thể mang theo một lượng bùn đất, hoặc mùn hữu cơ ảnh hưởng tới hệ thống cây xanh cảnh quan sân vườn trong khu vực, đặc biệt là phân khu C - khu vực sân golf. Giải pháp có thể xây dựng hệ thống cây bụi thấp kết hợp tuyến mương hở, gom nước mưa về suối, khe tụ thủy của khu vực.
Thoát nước ở các tuyến đường chính và đường nhánh tiếp cận vào các khu vực xây dựng công trình sẽ có hệ thống cống, rãnh thu gom nước mưa xây dựng song song với các tuyến đường. Nước mưa sau khi thu gom được thoát qua các khe tụ thủy tự nhiên, suối của khu vực và tự thấm.
Tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh khi khu du lịch sinh thái tại khu vực dự án đi vào hoạt động là khoảng 274 m3 /ngày đêm. Khu vực lập quy hoạch có địa hình đồi núi, độ dốc địa hình lớn, khó xây dựng. Các công trình có quy mô nhỏ được bố trí phân tán mật độ thấp, do đó việc xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung khó khả thi.
Do vậy, chủ đầu tư đề xuất xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng biệt với thoát nước mưa, kiểu phân tán theo từng cụm công trình. Các khu vực có công trình tập trung như Khu A, B xây dựng điểm xử lý nước thải tập trung. Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép sẽ được thải ra nguồn tiếp nhận là suối, hoặc tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường.
Về tiến độ, giai đoạn quý IV/2022 - quý I/2023 chủ đầu tư sẽ trình và phê duyệt quy hoạch dự án. Dự kiến đến quý II/2023 sẽ hoàn tất ĐTM và khởi công xây dựng dự án. Tổng mức đầu tư dự án này là 400 tỷ đồng.
Về chủ đầu tư của dự án, CTCP Du lịch Hiểu Về Trái Tim được thành lập vào tháng 3/2017, có trụ sở tại quận 3, TP HCM. Tính đến tháng 9/2020, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc của công ty là ông Phạm Gia Chi Bảo.
Ông Chi Bảo là diễn viên từng tham gia vào nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh, từ giữa năm 2021, ông đã dừng hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện, ông đang là Chủ tịch kiêm Giám đốc của Quỹ Hiểu Về Trái Tim - một quỹ từ thiện được Bộ Nội Vụ thành lập vào năm 2012.
Trở lại với CTCP Du lịch Hiểu Về Trái Tim, bên cạnh dự án tại Đắk Nông, doanh nghiệp của ông Bảo cũng đầu tư du lịch nghỉ dưỡng tại một số địa phương khác.
Cụ thể, vào năm 2018, doanh nghiệp đã có báo cáo phương án thiết kế Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Hiểu về Trái Tim, huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này được xây dựng tại Bãi Ông Đụng – Sở Rẫy thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo, với tổng diện tích 120 ha, vốn đầu tư khoảng 375 tỷ đồng.
Quy mô dự án gồm khu nghỉ dưỡng Honey Moon (25 ha), Trung tâm dịch vụ du lịch (38 ha), Khu nghỉ dưỡng Luxury (25 ha), Trung tâm dịch vụ Yoga (22 ha), Nghỉ dưỡng sinh thái (10 ha); tiến độ thực hiện dự án dự kiến đến tháng 12/2022 hoàn công và kết nối các hạng mục công trình.
Cũng trong năm 2018, tại Đắk Lắk, doanh nghiệp đã khảo sát, xây dựng đề án đầu tư dự án Trung tâm nghỉ dưỡng tại Hồ Lắk và du lịch thiền tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Trong đó, với Trung tâm nghỉ dưỡng tại Hồ Lắk, công ty dự kiến đầu tư 3 vị trí xung quanh hồ, tổng diện tích là 26 ha với những resort nghỉ dưỡng, những dịch vụ phục vụ du lịch, khám phá, du lịch sinh thái.
Đối với dự án du lịch thiền tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Công ty đã khảo sát địa điểm, dự kiến đầu tư giai đoạn 1 khoảng 170 tỷ đồng, diện tích mặt bằng 80 ha để triển khai một số điểm dừng chân, cắm trại, thiền cho khách du lịch. Cả hai dự án đều thực hiện với hình thức thuê dịch vụ môi trường rừng.
Theo tìm hiểu của người viết, bên cạnh CTCP Du lịch Hiểu Về Trái Tim, ông Bảo còn đứng tên tại 14 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản như CTCP Đầu tư Đất Tâm; CTCP Du lịch Nghỉ dưỡng Hồ Lắk; CTCP Du lịch Nghỉ dưỡng Thiền Chư Yang Sin; CTCP Nghỉ dưỡng và Sân Golf Tà Đùng hay CTCP Đầu tư Bất động sản ABO...
Vào tháng 4/2021, Liên danh CTCP Đầu tư Đất Tâm do của ông Chí Bảo và CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông xin chấp thuận chủ trương khảo sát và lập dự án đầu tư Khu phức hợp – Nghỉ dưỡng – Sân Golf Tà Đùng tại khu vực xã Đắk Som, huyện Đắk Glong và một phần Vườn Quốc gia Tà Đùng với quy mô 3.000 - 6.000 ha.
Hồi tháng 7 vừa qua, liên danh Đất Tâm - Novaland tiếp tục khảo sát và đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu lập quy hoạch, đầu tư 2 hợp phần dự án với tổng diện tích gần 3.441 ha, theo Báo Khánh Hoà.
Trong đó, hợp phần 1 là Khu đô thị sinh thái và sân golf Diên Khánh, có diện tích hơn 2.445 ha. Tại dự án này, 1.886 ha thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh và hơn 559,5 ha thuộc xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh.
Nhà đầu tư đề xuất xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp, hiện đại, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai - địa hình - cảnh quan, gắn với tổ chức không gian đô thị độc đáo, đặc trưng địa phương.
Các khu chức năng dự kiến gồm: Khu nhà ở phố thị, khu nhà ở khoáng nóng (dẫn khoáng nóng vào tận nhà), khu nhà vườn sinh thái, dịch vụ tiện ích khu ở, công trình công cộng, cây xanh, công trình thương mại, du lịch, spa, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, du lịch canh nông, sân golf, nhà hàng, trồng rừng bảo vệ đất rừng trong dự án. Mật độ xây dựng toàn khu tối đa 20%.
Hợp phần 2 là Khu đô thị nông nghiệp công nghệ cao có diện tích hơn 995 ha, nằm tại xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh. Nhà đầu tư có kế hoạch xây dựng khu đô thị kết hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, dịch vụ tiện ích đầy đủ, khu sinh thái, du lịch canh nông… Mật độ xây dựng tối đa 15%.
Dự án 12:21 | 18/11/2024
Dự án 16:30 | 25/10/2024
Dự án 19:00 | 23/10/2024
Dự án 11:11 | 22/10/2024
Dự án 11:52 | 21/10/2024
Dự án 12:00 | 07/10/2024
Dự án 06:30 | 03/10/2024
Dự án 13:17 | 02/10/2024