CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án Sân golf Hạ Long tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH Chính sách và Phát triển Môi trường 79.
Vào tháng 7/2016, UBND TP Hạ Long đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sân golf Ngôi sao Hạ Long tại khu vực đồi cột 3 đến cột 8 TP Hạ Long. Năm 2017, dự án được phê duyệt ĐTM lần đầu và đến năm 2018 được điều chỉnh quy hoạch.
Tập đoàn FLC cho biết, lần lập ĐTM mới này nhằm điều chỉnh phương án xử lý nước mưa chảy tràn và nước dư thừa từ hoạt động tưới cỏ sân golf so với phương án đã được phê duyệt trong ĐTM năm 2017.
Sân golf Hạ Long có tổng diện tích hơn 95,5 ha, nằm trên địa bàn 4 phường của TP Hạ Long là Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Lầm và Hà Trung. Phía bắc giáp khu dân cư phường Hà Lầm và Hà Trung; phía đông giáp đồi núi và khu dân cư phường Hồng Hà; phía tây và phía nam giáp Quần thể Trung tâm hội nghị, Khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng và nhà ở thấp tầng FLC Hạ Long.
Về hiện trạng, đất đai thuộc khu vực dự án chủ yếu là đất sân golf và công trình nhà câu lạc bộ Club house đã xây dựng xong và đưa vào vận hành. Trong đó, đất sân golf chiếm gần 76,5 ha.
Khu vực dự án cách khu Tỉnh ủy, khu Liên cơ quan số 2 khoảng 800 m về phía bắc; cách UBND phường Hà Lầm khoảng 500 m về phía tây bắc; cách UBND phường Hà Trung khoảng 500 m về phía tây; cách UBND phường Hồng Hà khoảng 400 m về phía tây bắc; cách UBND phường Hồng Hải khoảng 800 m về phía đông bắc.
Các khu dân cư xung quanh khu vực dự án có thể bị ảnh hưởng gồm khu dân cư tại khu phố 2, khu phố 3 phường Hà Trung; khu dân cư sinh sống trong khu vực ranh giới dự án tại các phường Hà Trung, Hà Lầm, Hồng Hải.
Trong khu vực dự án đã xây dựng nhiều tuyến đường nhựa và còn một số tuyến đường bê tông cho xe điện đang dần hoàn thiện. Phía tây nam là tuyến quốc lộ 18; phía tây bắc và đông bắc là tuyến Hà Lầm. Hai tuyến này sẽ kết nối khu vực dự án với các khu vực phía bắc và toàn bộ các khu chức năng quan trọng khác của đô thị.
Trong khu vực dự án có 6 hồ với tổng diện tích là 5,55 ha, trong đó có 3 hồ là các hồ tự nhiên đã tồn tại nhiều năm trong khu vực. Địa hình dự án dốc phân tán theo dạng nhiều thung lũng xen kẽ đồi núi, nước mưa chủ yếu là thoát tự nhiên theo độ dốc của sườn đồi đổ xuống đường nội bộ trong khu vực rồi chảy ra quốc lộ 18, theo hệ thống thoát nước chung của thành phố, đổ ra biển.
Trong cơ cấu sử dụng đất của dự án trong ĐTM mới, đất sân golf chiếm gần 88,5 ha, tăng 12 ha so với ĐTM đã duyệt trước đây.
FLC cho biết, dự án sẽ đầu tư xây dựng thêm các bể lắng để thu gom nước mưa chảy tràn và nước dư thừa từ hoạt động tưới cỏtại các hố golf hiện hữu trước khi dẫn về các hồ điều hòa trong khu vực để tái sử dụng. Đồng thời, sẽ xây dựng bổ sung thêm một trạm xử lý nước thải sinh hoạt công suất 40 m3 /ngày.
Ngoài ra, dự án sẽ xây lắp mới thêm 3 trạm biến áp; thay đổi công suất một trạm biến áp hiện hữu từ 400 kVA lên 500 kVA. Tổng công suất dự kiến của các trạm biến áp là 8.070 kVA.
Về hệ thống thoát nước mưa, tất cả 18 hố golf đều đã được bố trí hệ thống thu gom nước mưa bằng hệ thống ống xương cá dưới mặt cỏ của 45 lưu vực.
Theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt năm 2017, toàn bộ nước mưa chảy tràn qua khu vực hố golf được thu gom và xử lý tại trạm xử lý nước thải tập trung công suất 150 m3/giờ, trước khi thải vào các hồ điều hòa để tái sử dụng cho mục đích tưới cây, cỏ. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp nên thực tế hiện nay không thể thu gom toàn bộ nước mưa chảy tràn qua khu vực hố golf về trạm xửlý nước thải tập trung để xử lý được.
Trong ĐTM mới, FLC đã nghiên cứu điều chỉnh phương án thu gom, thoát nước mưa khu vực sân golf. Toàn bộ nước mưa chảy tràn qua khu vực sân golf sẽ được thu gom vào bể lắng và bơm cưỡng bức về các hồ điều hòa trong khu vực dự án để tuần hoàn tái sử dụng tưới cỏ sân golf, không xả ra ngoài môi trường.
Về tiến độ, dự kiến từ tháng 3/2023, FLC sẽ bắt đầu thi công các hạng mục bổ sung, đưa vào vận hành thương mại từ tháng 9/2023. Tổng mức đầu tư của các hạng mục bổ sung là 181 tỷ đồng.
Về chủ đầu tư của sân golf Ngôi Sao Hạ Long, FLC không phải cái tên xa lạ trên thị trường bất động sản. Doanh nghiệp này tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Trường Phú Fortune do ông Trịnh Văn Quyết thành lập từ năm 2008, đến năm 2009 chuyển đổi sang hình thức CTCP. Tính đến 30/9, FLC có vốn điều lệ khoảng 7.100 tỷ đồng.
Ngôi Sao Hạ Long không phải sân golf đầu tiên của FLC. Năm 2010, doanh nghiệp đã bắt tay triển khai khu liên hiệp thể thao và giải trí FLC Golfnet. Dự án này được CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế FLC (FLC Global), công ty con của FLC khởi công xây dựng tại khu đất rộng 5.000 m2 trên đường Trần Hữu Dực, thuộc khu đô thị Mỹ Đình 1.
Đến cuối năm 2012, FLC đầu tư gần 3.400 tỷ đồng xây dựng dự án Sân golf - resort tại hồ Cẩm Quỳ, Ba Vì (FLC Hồ Cẩm Quỳ). Dự án này có quy mô gần 249 ha.
Tại Thanh Hóa, năm 2014, FLC đã khởi công quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort với diện tích gần 300 ha, tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Dự án này chính thức đi vào hoạt động vào tháng 7/2015.
Đến tháng 3/2016, sân golf Ngôi Sao Hạ Long đã được khởi công với tổng mức đầu tư khoảng 635 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2017. Sân golf này là một hạng mục nằm trong quần thể Trung tâm hội nghị, khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hạ Long (157 ha, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng).
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 15:11 | 15/01/2025
Chủ đầu tư 07:00 | 11/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Dự án 19:00 | 05/01/2025
Dự án 07:00 | 03/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025